'Xuyên đêm sáng đèn' phục vụ tinh gọn bộ máy, đột phá khoa học-công nghệ

Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, một khối lượng đồ sộ về công tác lập pháp cần được hoàn thành trong năm 2025. 'Xuyên đêm sáng đèn' sẽ tiếp tục là hình ảnh quen thuộc trong hoạt động lập pháp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và 2 trong số đó sẽ được thông qua ngay tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, diễn ra vào tháng 2 tới.

Gấp rút như thế, bởi Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cần được thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước. Còn Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được điều chỉnh từ chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025) sang trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín theo quy trình tại một kỳ họp.

Việc này là để đảm bảo thống nhất về thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với thẩm quyền của các chủ thể khác tại các luật về tổ chức - theo lý giải của Chính phủ.

Bốn dự án luật còn lại (gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự) được đề nghị bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Như thế, chỉ riêng Kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua 32 dự án luật, 2 nghị quyết. Chưa kể, Đảng đoàn Quốc hội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, trong đó xác định “Khẩn trương, quyết liệt tổ chức rà soát, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về pháp luật đang cản trở sự phát triển; hoàn thiện thể chế và đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thực hiện cơ bản hoàn thành trong năm 2025”. Theo đó, Kế hoạch xác định cần trình Quốc hội xem xét, thông qua 37 luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm (trong đó có 7 dự án luật đã có trong Chương trình, 4 dự án đang được đề nghị đưa vào Chương trình, 1 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám, còn lại 25 luật cần nghiên cứu, rà soát, trình Quốc hội xem xét, quyết định). Như vậy, sẽ còn phải bổ sung một số lượng lớn dự án luật vào chương trình năm nay của Quốc hội.

Khối lượng công việc rất đồ sộ, nhưng điều thuận lợi là ở nhiệm kỳ này, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã khá quen với cảnh xuyên đêm sáng đèn (hình ảnh Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy sử dụng khi nói về tinh thần làm việc của Ủy ban trong thời gian qua).

“Vì những quyết sách đúng, Quốc hội luôn sáng đèn” là tiêu đề bài báo được đăng tải trên Báo Đầu tư vào giữa năm 2022, khi đất nước vừa trải qua những mất mát nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Lúc ấy, chỉ chưa đầy 1 năm, qua 4 kỳ họp với những quyết sách chưa từng có tiền lệ, Quốc hội đã luôn sáng đèn để cuộc sống bớt đi những đợi chờ dằng dặc.

Đại dịch đã lùi xa, nhưng yêu cầu mới của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, của việc hoàn thiện thể chế để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo không cho phép các cơ quan của Quốc hội được rời phòng làm việc lúc 17h. Quốc hội cũng không thể mỗi năm họp hai kỳ như thông lệ.

Bên cạnh tinh thần làm việc “xuyên đêm sáng đèn”, một điểm tựa quan trọng chính là công tác lập pháp đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng “các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành”, như yêu cầu được Tổng bí thư Tô Lâm nêu từ phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhiều lần lưu ý công tác chuẩn bị các dự án luật phải kỹ lưỡng, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu về chất lượng. Luật phải ngắn gọn, có trọng tâm, chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự cần thiết và đảm bảo thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động các chính sách trong xây dựng luật.

Việc thực hiện đầy đủ những yêu cầu đó, không chỉ đòi hỏi tinh thần “xuyên đêm sáng đèn” của riêng cơ quan lập pháp.

Nguyên An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuyen-dem-sang-den-phuc-vu-tinh-gon-bo-may-dot-pha-khoa-hoc-cong-nghe-d241400.html