Sự chú tâm tưởng như rất đơn giản nhưng sao lại khó làm đến thế?
Bạn đã bao giờ thấy những đứa bé bò trên mặt đất và nhặt đồ chơi lên để quan sát, như thể chúng chưa bao giờ nhìn thấy món đồ chơi này trước đây chưa?
Thực tế, đúng là chúng chưa bao giờ nhìn thấy những món đồ chơi đó trước đây. Sự tò mò và ngây thơ của trẻ thơ chính là những gì chúng ta đã đánh mất. Đứa bé khóc khi nó đói, chứ nó không khóc vì thiếu thức ăn dự trữ cho ngày hôm sau. Đứa bé chỉ quan tâm tới hiện tại. Nó chỉ khám phá và trải nghiệm những thứ đang thật sự hiện diện trong cuộc sống.
Thử tưởng tượng sẽ như thế nào nếu ta kết hợp óc hiếu kỳ của trẻ thơ trong khoảnh khắc hiện tại với những kinh nghiệm sống chín chắn của người lớn? Chắc chắn đây là “công thức” để mang đến một cuộc sống tỉnh thức tuyệt vời. Ấy vậy mà chúng ta lại hay thường lờ đi khoảnh khắc hiện tại do bị ám ảnh bởi quá khứ và tương lai. Chúng ta không nhận ra rằng chính khoảnh khắc hiện tại đã tái hiện quá khứ dưới dạng những ký ức, và cũng chính cái khoảnh khắc hiện tại này lại tạo ra hình ảnh phản chiếu cho những suy nghĩ của ta về tương lai.
Khoảnh khắc hiện tại vốn không có chỗ cho những âu lo và hối tiếc. Bởi vì tất cả những điều tiếc nuối và nỗi buồn của chúng ta đều đã nằm lại trong quá khứ trong khi những mối âu lo của chúng ta thì lại nằm ở tương lai.
Khoảnh khắc hiện tại cũng phi thời gian vì bạn không thể đo lường nó được. Hãy thử lấy chiếc đồng hồ bấm giờ ra và tính xem giây phút hiện tại kéo dài bao lâu. Chúng ta thấy rằng thời điểm cây kim đồng hồ bắt đầu nhảy thì cái “hiện tại” vừa nãy đã trở thành quá khứ mất rồi. Khoảnh khắc hiện tại cũng là thứ không thể nào níu giữ. Vậy nên, việc duy nhất chúng ta có thể làm chỉ đơn giản là có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi.
Mỗi ngày, bạn có cần phải thỉnh cầu cho hai lá phổi của mình được phép hít thở không khí để được khỏe mạnh không, hay là điều đó vẫn cứ diễn ra một cách tự nhiên? Trong khi chạy bộ, bạn có cần phải cố tình thở thật mạnh không, hay là nó vẫn cứ diễn ra một cách tự nhiên? Mọi thứ trong tự nhiên vẫn cứ thế diễn ra theo quy luật của nó, chẳng hạn như việc mặt trời mọc rồi lại lặn. Những hiện tượng tự nhiên này không cần được lên lịch trình sẵn như con người chúng ta. Thiên nhiên không cần nhờ tới sự thành công và tán thưởng để tạo động lực thúc đẩy như con người.
Một nếp sống tỉnh thức được phát huy giá trị nhất là khi bạn không sắp sẵn một thời khóa biểu cụ thể nào, mà tất cả những gì bạn cần chỉ là chánh niệm mà thôi. Đó thật sự là một cách sống, để được là chính mình, với chính bản thân mình.
Làm thế nào để tỉnh thức?
Sự chú tâm chính là “xương sống” của tất cả các bài thực hành chánh niệm. Nó liên quan tới việc tập trung tâm trí vào một đối tượng hoặc một trải nghiệm cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Nên nhớ rằng chúng ta có thể chọn để chú tâm vào bất cứ điều gì. Ví dụ, nếu bạn phải bắt xe lửa đi thăm người mẹ vợ khó tính thì bạn sẽ cảm thấy sợ bước lên chuyến tàu này. Điều này rất bình thường. Nhưng sự thật là mẹ vợ của bạn không đi trên chuyến tàu đó cùng với bạn. Bà ấy là một phần của tương lai, chứ không thuộc về khoảnh khắc hiện tại.
Cho nên, hãy có mặt trên chuyến tàu này và đừng để bị “kéo trôi” đến buổi viếng thăm khi nó chưa thật sự diễn ra. Hãy chú tâm ngắm nhìn những cánh đồng xanh tươi ngoài kia, hoặc có thể chú tâm vào những sinh hoạt bên trong ca-bin, hoặc cũng có thể chú tâm vào hơi thở của chính mình. Đây là cơ hội để có mặt với chính mình mà không để chính mình lang thang đến tương lai hoặc một nơi chốn mà mình chưa tới.
Hành trình tỉnh thức của bạn sẽ suôn sẻ và lợi lạc hơn nếu bạn có một thái độ đúng đắn ngay từ đầu. Thái độ đúng đắn này sẽ giúp bạn bước đi vững chãi trên suốt chặng đường dài phía trước. Người ta thường nói: “Thái độ của bạn sẽ quyết định bạn đi xa đến đâu”. Chính thái độ tạo ra sự khác biệt hoàn toàn. Nó tương tự như việc chỉ một nhúm muối nhỏ mà có thể giúp cho một món ăn thêm đậm đà.
Sau đây là một số thái độ lành mạnh mà chúng ta cần nuôi dưỡng:
Thái độ chấp nhận là tâm thế chấp nhận bất kỳ trải nghiệm nào xuất hiện với sự thích ứng và không đánh giá, phê phán. Thái độ này cũng liên quan tới việc có mặt trong khoảnh khắc hiện tại mà không so sánh với những trải nghiệm thực hành trong quá khứ hoặc những ý niệm của tương lai. Điều này cũng có nghĩa là bạn không so sánh việc thực hành của mình với của người khác. Bạn vốn là duy nhất và vì thế cuộc sống của bạn cũng “không giống ai”. Cho nên, không có lý do gì để so sánh mình với người khác mà hãy chấp nhận chính mình như đang là.
Nuôi dưỡng tâm thế của một người mới học sẽ giúp bạn thấy mọi thứ đều tinh khôi trong mỗi lần thực hành. Và chính nhờ cảm thấy mọi thứ đều tươi mới nên bạn sẽ không cần so sánh trải nghiệm thực hành hiện tại của mình với những lần trong quá khứ. Hãy tự nhủ rằng mình luôn học được những điều mới mẻ trong mỗi lần thực hành. Và tự nhắc rằng bạn luôn đang-trong-tiến-trình-hoàn-thiện.
Tập trung vào những thứ phù hợp. Chúng ta thường có xu hướng tìm cầu những thứ vốn không phù hợp với mình rồi lại đi chỉnh sửa chúng. Hành vi “tìm cách sửa sai” này và nỗi sợ thất bại có thể khiến cho chúng ta mất đi cơ hội trưởng thành về mặt cảm xúc. Mỗi người chúng ta là những cá thể khác biệt và vì vậy, chúng ta cần gắn kết với những gì phù hợp với mình. Không có chiếc áo nào vừa vặn cho tất cả mọi người. Khi bạn thực hành, rất có thể bạn sẽ thấy rằng một số bài tập đồng nhịp với mình hơn so với những bài tập khác.
Niềm tin. Dù có nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy lợi ích của chánh niệm, nhưng sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy hoài nghi về nó, nhất là những khi tâm bạn bị xao lãng, khi buồn ngủ, hoặc khi chán nản. Trong những lúc như vậy, niềm tin vào quá trình thực hành chánh niệm sẽ giúp bạn vững bước đi tiếp. Hãy tìm đọc thật nhiều về hành trình tỉnh thức của những người khác và cả những hoa trái mà họ đã gặt hái được. Những câu chuyện truyền cảm hứng của họ sẽ giúp bạn vững tin vào lối sống tỉnh thức này.
Tính hiếu kỳ có thể giúp bạn phát hiện ra những nhận thức mới về cơ thể, ý nghĩ, hành vi, cảm xúc, và môi trường xung quanh mình – những thứ mà có lẽ bạn chưa từng thật sự để ý tới trước đó. Tính hiếu kỳ có thể ví như một tấm gương dần được lau sạch bụi và vết hoen ố sau mỗi lần thực hành và nó phản chiếu chính bạn ngày một rõ nét hơn.
Sau mỗi lần thực hành, bạn sẽ bước ra khỏi con người cũ như một con người mới.
Chúng ta thường mang theo thói quen đánh giá hành vi, ý nghĩ và cảm xúc của chính mình. Nhưng thật ra, trong khi thực hành chánh niệm, không có tiêu chuẩn nào để đánh giá hành vi nào là đúng hay sai, ý nghĩ nào là phải hay trái, hoặc cảm xúc nào là thật hay giả. Bằng sự tử tế, chúng ta chấp nhận mọi cảm giác trên cơ thể, mọi ý nghĩ và mọi cảm xúc của chính mình. Một khi đã biết tử tế với chính mình thì chúng ta sẽ bắt đầu biết tử tế với những người khác một cách rất tự nhiên.
"Tôi thích bạn mắc sai sót khi làm việc tử tế hơn là tạo ra những phép màu bằng sự bất nhẫn." - mẹ Teresa