Sự cố điểm thi ở Thái Bình: Cú sốc tâm lý với hàng trăm đứa trẻ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nếu không được hỗ trợ kịp thời, các em có thể gặp các vấn đề như trầm cảm, lo âu, hoặc rối loạn căng thẳng.

Sự cố sai điểm 2.769 bài thi tuyển sinh vào lớp 10 tại tỉnh Thái Bình đã gây ra những tổn thương không nhỏ cho nhiều học sinh và gia đình. Hơn 250 học sinh từ đỗ trở thành trượt, trong khi số khác từ trượt thành đỗ, tạo ra một cuộc khủng hoảng về niềm tin đối với hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để khắc phục sai sót này, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan, đồng thời hỗ trợ tâm lý cho học sinh bị ảnh hưởng.

Việc điều chỉnh điểm số đã làm thay đổi hoàn toàn kết quả thi tuyển sinh của hàng trăm học sinh. Đối với các em, niềm vui đỗ đạt ban đầu bỗng chốc trở thành nỗi thất vọng và cay đắng khi biết mình không còn trong danh sách trúng tuyển. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý mà còn tác động lâu dài đến tương lai học tập của các em.

Theo kết quả thanh tra, tổng số thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển là 1.589 thí sinh, trong đó 781 thí sinh có tổng điểm cao hơn và 808 thí sinh có tổng điểm thấp hơn so với kết quả đã công bố ban đầu. Sau khi công bố điểm chuẩn mới, có 252 thí sinh từ trượt thành đỗ, nhưng đồng thời, cũng có 243 thí sinh từ đỗ thành trượt. Sự bất ổn về điểm số cũng đã làm xói mòn niềm tin của học sinh và phụ huynh vào tính công bằng của hệ thống giáo dục.

Điều này đặt ra câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai sót nghiêm trọng này?

Sai phạm của người lớn, bắt các em phải chịu hậu quả là không công bằng với các em. Ảnh: CTV

Sai phạm của người lớn, bắt các em phải chịu hậu quả là không công bằng với các em. Ảnh: CTV

Việc thay đổi kết quả thi đã khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, mất phương hướng. Sau khi nhận kết quả đỗ, nhiều em đã bắt đầu chuẩn bị tâm lý cho năm học mới, chọn trường, mua sắm sách vở, thậm chí là đầu tư phương tiện đi lại. Tuy nhiên, khi biết tin mình không còn trong danh sách trúng tuyển, các em cảm thấy vô cùng sốc và thất vọng.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Sáu (65 tuổi, trú tại xã Bình Định, H.Kiến Xương, Thái Bình) khóc nghẹn ngào khi biết tin cháu trai của bà là Đinh Đức T. trước đó có kết quả thi đỗ Trường THPT Bình Thanh, nay sau thanh tra thì không đỗ.

“Mấy ngày hôm nay tôi không dám đi đâu vì lo cho cháu. Ban đầu, khi biết mình đỗ cháu rất vui vẻ, hào hứng đến tựu trường, nhận sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Đến khi biết tin môn Văn bị điều chỉnh từ 7,5 xuống 5,5 – từ đỗ thành trượt cháu đã hoàn toàn suy sụp tâm lý.

Từ hôm qua đến nay cháu bỏ bữa, khóc rất nhiều. Bố mẹ cháu làm ăn xa, anh trai thì vừa lên đường nhập ngũ. Nhà chỉ còn mấy bà cháu. Tôi động viên mãi, đến trưa nay cháu mới uống được một chút sữa. Tôi cũng không làm ăn được gì phải ngồi canh sợ cháu nghĩ quẩn.

Tôi cũng đã làm đơn phúc khảo lại điểm thi cho cháu bởi hôm thi về, riêng môn Văn cháu rất tự tin là làm được bài. Khi báo điểm lần đầu tiên, cháu tin là điểm của mình xứng đáng đạt được thế. Đến khi nhận điểm sau thanh tra, cháu đã suy sụp hoàn toàn. Nhà thì hoàn cảnh, mà cháu thì đang tuổi mới lớn, gia đình rất lo lắng.

T. có hoàn cảnh éo le, bố đi làm ở TP.HCM, mẹ đang điều trị bệnh tại quê ngoại, cháu ở với tôi. Cháu vốn không được khỏe mạnh như người khác, nay bị thêm cú sốc này tôi rất sợ cháu suy nghĩ tiêu cực”.

Ngay từ 9 giờ sáng ngày 20/8, khi kết quả điểm thi sau thanh tra hiện lên màn hình xác định con trai đã thi trượt khiến chị Lã Thị O. ( trú tại xã Đông Hoàng, H.Tiền Hải, Thái Bình) muốn ngã quỵ.

Mới chỉ khoảng 1 tháng trước đây thôi, gia đình chị đã vui mừng biết bao khi đón nhận tin con trai thi đỗ trường công lập gần nhà.

Theo chị O., năm nay, điểm xét tuyển vào Trường THPT Đông Tiền Hải lấy 26.9 điểm. Theo công bố ban đầu, con trai chị được 28,9 điểm, đỗ nguyện vọng 1 (thừa 2 điểm), xếp vào lớp 10A8, nhưng sau thanh tra thì trượt vì chỉ còn 23 điểm.

"Trường đã chia lớp, đã tổ chức họp phụ huynh, đã phát sách giáo khoa cho học sinh và cũng đã thu tiền ủng hộ xã hội hóa xong hết rồi. Học sinh cũng đến lớp nhận bạn, nhận cô giáo chủ nhiệm, phụ huynh đã lập nhóm Zalo để tiện trao đổi, vậy mà... Cô giáo chủ nhiệm vừa gọi điện xin số tài khoản để chuyển trả lại tiền nhưng tôi chẳng còn thiết tha gì nữa. Giá mà các cháu biết trượt từ khi thông báo kết quả thì nỗi buồn chỉ dai dẳng một vài ngày thôi rồi sẽ nguôi ngoai. Đến giờ nỗi buồn kéo theo rất nhiều thứ, tôi không sao diễn đạt hết được", chị O. vừa nói vừa khóc.

Giọng chị O. nghẹn lại: "Từ sáng đến giờ vợ chồng tôi to tiếng suốt, tôi không dám mở điện thoại ra để phản hồi tin nhắn, cuộc gọi của mọi người. Tôi cũng không dám bước ra khỏi nhà".

Chia sẻ tâm tư đối với sự việc này, chị nhận định, hiện nay việc học cấp 3 đã phổ cập, bằng cấp 3 chỉ được đánh giá như 1 tấm bằng xóa mù chữ. Ở tuổi các cháu, nếu đi làm chưa thể tự lập để nuôi sống bản thân, nếu đi học tại các trường xa nhà khiến gia đình lo lắng trước những cám dỗ ngoài kia.

"Chúng tôi hy vọng các nhà chức trách có thể mở thêm lớp hoặc có phương án nào đó để các cháu được học tập tại những ngôi trường gần nhà. Việc này giúp phụ huynh dễ quản lý các cháu khi các cháu đang trong độ tuổi dễ sa ngã. Học xong cấp 3, ở lứa tuổi đó nhân cách, nhận thức của các cháu đầy đủ hơn, nếu các cháu phải học tập xa nhà chúng tôi cũng yên tâm công tác", chị O. bày tỏ.

Tại buổi họp báo ngày 20/8, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thái Bình đã nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến các em học sinh, phụ huynh và người dân tỉnh Thái Bình.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình - ông Đặng Xuân Phong, cam kết sẽ gặp gỡ 243 học sinh từ đỗ thành trượt để làm công tác tư tưởng, động viên, và hướng dẫn các em đăng ký vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc các trường nghề phù hợp với nguyện vọng và năng lực. Việc xử lý nghiêm khắc không chỉ nhằm mục đích trừng phạt mà còn để làm gương, ngăn chặn các sai phạm tương tự trong tương lai.

Bên cạnh đó, vấn đề tâm lý của các em từ đỗ thành trượt đã và đang trở thành vấn đề các cơ quan cần phải giải quyết thấu đáo.

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Trước hết lỗi sai ở người lớn, mà các em học sinh đã và đang chịu hậu quả. Việc thay đổi kết quả đột ngột như vậy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần cho học sinh. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các em có thể phát triển các vấn đề như trầm cảm, lo âu, hoặc rối loạn căng thẳng.

Để giải quyết tâm lý của các em, các cơ quan giáo dục cần sớm phối hợp với các chuyên gia tâm lý để tổ chức các buổi tư vấn cho những học sinh bị ảnh hưởng. Điều này có thể giúp các em hiểu rõ tình hình, chấp nhận thực tế và tìm lại động lực học tập. Các buổi tư vấn có thể bao gồm cả sự tham gia của phụ huynh, giúp họ hiểu và hỗ trợ con em mình vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã Thái Bình đã cam kết sẽ gặp gỡ các học sinh bị ảnh hưởng để làm công tác tư tưởng và hỗ trợ các em trong việc lựa chọn nguyện vọng mới.

Việc đảm bảo tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp tục học tập tại các trường khác là điều cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực. Nếu như có thể, vì số lượng học sinh tổng thể từ đỗ thành trượt không nhiều. Các cơ quan chức năng cần linh hoạt trong việc xem xét và chấp nhận nguyện vọng 2 hoặc các nguyện vọng khác của học sinh. Việc này sẽ giúp các em có thêm cơ hội học tập tại các trường phù hợp với năng lực và sở thích của mình”.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, sự cố sai sót và phải điều chỉnh lại điểm số tại Thái Bình là một bài học đắt giá cho hệ thống giáo dục. Để khắc phục hậu quả và ngăn chặn những sai sót tương tự, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân liên quan, cùng với việc tăng cường giám sát quy trình chấm thi.

Đồng thời, việc hỗ trợ tâm lý và bù đắp cho học sinh bị ảnh hưởng phải được thực hiện ngay lập tức, để các em có thể tiếp tục con đường học tập một cách tự tin và vững vàng hơn.

Thông tin đáng chú ý trong vụ sai lệch điểm thi tại Thái Bình

20.500 thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại Thái Bình năm học 2023-2024. trong đó gần 16.300 em trúng tuyển (đạt 90% chỉ tiêu).

Kết quả ban đầu sau 10 ngày thi có 2.997 bài bị lệch phách.

Kết quả rà soát, thanh tra sau đơn thư tố cáo: 2.769 bài bị chấm điểm sai (1.368 bài tăng điểm, hơn 1.400 bài bị hạ điểm); 1.589 học sinh bị sai lệch về điểm xét tuyển; 252 thí sinh từ trượt thành đỗ; 243 thí sinh từ đỗ thành trượt.

Khoảng 30 cán bộ tham gia vào quá trình ghép phách.

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/su-co-diem-thi-o-thai-binh-cu-soc-tam-ly-voi-hang-tram-dua-tre-d5075.html