Sự cố nước sạch và nỗi lo doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ công
Dịch vụ công ở Việt Nam trong đó có việc cung cấp nước sạch đang là miếng bánh béo bở cho doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, phía cung cấp dịch vụ chỉ phải chịu rất ít trách nhiệm.
Tại tọa đàm "Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà", TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng thị trường dịch vụ công ở Việt Nam đang trở thành những miếng bánh béo bở cho doanh nghiệp tư nhân tranh giành.
"Cốc cafe, người dân có thể uống, có thể không nhưng nhu cầu về điện, nước thì không bao giờ thay đổi, thậm chí còn hơn cả xăng, dầu. Làm kinh tế thị trường mà có được nguồn cầu ổn định và lớn thì đó là cơ hội vàng", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Vai trò Nhà nước quá mờ nhạt
Lấy sự cố tại Nhà máy nước sạch sông Đà làm ví dụ, ông Dũng nhận định hoạt động cung cấp dịch vụ công trong trường hợp này có quá nhiều bất cập. Trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công, của các cơ quan quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ công và động lực thúc đẩy dịch vụ công ở nước ta đang có nhiều vấn đề.
"Dịch vụ công cho tư nhân cung cấp thì chính quyền luôn có vai trò, trách nhiệm rất lớn. Chính quyền phải quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ công và phản ứng trước việc cung cấp dịch vụ công của tư nhân. Tuy nhiên, ở vụ việc sông Đà, chính quyền phản ứng rất chậm trễ", ông Dũng nói.
Theo vị chuyên gia, doanh nghiệp tư nhân có nhiều thế mạnh nếu được tạo điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, vì tư nhân thường chạy theo lợi nhuận nên họ thường bỏ qua những giá trị khác.
"Nếu trong thị trường dịch vụ công không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của việc chất lượng không đảm bảo sẽ rất lớn. Doanh nghiệp sẽ đặt tiêu chí chất lượng xuống dưới lợi nhuận và vụ việc sông Đà có thể lại xảy ra một lần nữa", vị chuyên gia chia sẻ.
Thực tế đặt ra rằng nếu có sự tham gia của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công thì bắt buộc phải có sự tham gia của Nhà nước. Nhà nước là chủ thể áp đặt các quy chế pháp lý của dịch vụ công, các chuẩn mực, quy định chất lượng mà đơn vị cung cấp dịch vụ tuân thủ.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, cung cấp dịch vụ công bắt buộc phải đảm bảo 3 quy chế pháp lý. Thứ nhất là tính liên tục, ổn định của dịch vụ công, thứ hai là quyền tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân và thứ ba là mức giá rẻ để mọi người dân tiếp cận.
Phân tích lại về lí do vì sao nhiều doanh nghiệp lại tham gia vào thị trường cung cấp nước sạch, ông Dũng cho rằng trong những hàng hóa dịch vụ công, thì nước sạch là thị trường có thương quyền "cho không".
"Thương quyền trong việc kinh doanh nước sạch là quyền được bán nước sạch cho hàng triệu người. Với một thương quyền lớn như vậy thì giá cả đang chưa cân bằng và người dân đang phải mua nước với cái giá quá cao và họ không có quyền lựa chọn", ông Dũng lý giải.
Người dân khó đòi quyền lợi
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Hội đồng Khoa học Viện IPS, người dân gần như không có bất cứ cơ sở pháp luật nào để đòi hỏi đền bù từ đơn vị cấp nước sau sự cố vừa qua.
"Trong hợp đồng mua nước, cấp nước của người dân ký với công ty sông Đà có điều khoản nào bảo vệ người dân sau sự cố vừa rồi không? Nhìn vào hợp đồng, tôi thấy rằng rất khó để kiện được công ty nước sạch", ông Lập băn khoăn.
Theo luật sư, ngoài hợp đồng cấp nước, người dân còn có 2 khuôn khổ pháp lý để có thể đòi hỏi công bằng cho mình là Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật về Bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, những quy định này chỉ có giá trị chung như Hiến pháp. Dưới góc nhìn của ông Lập, nó không có giá thực thi.
"Khách hàng không có khả năng lựa chọn, không có sự cạnh tranh giữa các nhà máy nước, người dân ở quận nào là phải dùng nước của nhà máy cấp cho quận đấy. Mỗi nhà máy nước nắm giữ sự an toàn, sinh mạng của cả triệu người thì đây là điều rất nguy hiểm", ông Lập bày tỏ quan ngại.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, người dân muốn khởi kiện vụ việc ra tòa phải chứng minh được Nhà máy nước sông Đà có vi phạm và thiệt hại. Tuy nhiên, việc chứng minh cả 2 điều này đều không khả thi.
"Công ty sông Đà họ vẫn cho rằng nước đủ điều kiện, còn người dân bảo nước có mùi cháy khét. Nhưng làm gì có điều khoản nào là nước có mùi khét thì người dân có quyền kiện. Còn về thiệt hại, người dân phải chứng minh được nước đấy không dùng được nên phải đi mua. Còn ảnh hưởng về sức khỏe thì gần như không chứng minh được", ông Lập nêu quan điểm và cho rằng việc đòi công lý trong những vụ việc dạng này hầu như là không thể.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khi nhắc đến việc này đã đề nghị Nhà nước, Chính phủ cần thiết lập, áp đặt ngay các quy định, thiết chế đảm bảo chất lượng dịch vụ công cung cấp bởi doanh nghiệp tư nhân.
"Phải có một đạo luật về dịch vụ công áp đặt các chuẩn mực về dịch vụ công. Các cơ quan có thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ mà bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào muốn tham gia cung cấp dịch vụ công cũng phải tuân theo", ông Dũng nói.