Sự cố rò rỉ hai đường ống khí đốt từ Nga đến châu Âu gây ra các tác động gì?

Sự cố rò rỉ khí đốt bất thường của hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 nối từ Nga tới Đức qua Biển Baltic đã làm dấy lên lo ngại về sự phá hoại.

Ngay sau khi hai đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đều gặp sự cố, các nước châu Âu đã tiến hành điều tra nguyên nhân trong bối cảnh lo ngại khả năng đây là kết quả của hành động phá hoại.

Hôm 27/9, các lực lượng vũ trang của Đan Mạch đã công bố video cho thấy những vùng bong bóng nổi trên mặt nước của Biển Baltic, có đường kính hơn 1km.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã tạm ngừng hoạt động vô thời hạn từ đầu tháng 9. Ảnh: Nguồn: Reuters

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã tạm ngừng hoạt động vô thời hạn từ đầu tháng 9. Ảnh: Nguồn: Reuters

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã tạm ngừng hoạt động vô thời hạn từ đầu tháng 9 và Đức đã quyết định dừng quá trình phê duyệt dự án từ hồi cuối tháng 2 do cuộc chiến tại Ukraine.

Nguồn cung khí đốt của Nga giảm mạnh đã khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng cao. Các nước châu Âu đang phải vật lộn tìm nguồn cung năng lượng thay thế để sưởi ấm, sản xuất điện và vận hành các nhà máy.

Sự cố rò rỉ khí đốt này đã làm lu mờ lễ khánh thành đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe. Đường ống Baltic sẽ vận chuyển khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch và qua Biển Baltic đến Ba Lan. Đây là nỗ lực nhằm củng cố sự độc lập về năng lượng của châu Âu khỏi nga.

Chuyện gì đã xảy ra với hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2?

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã đột ngột giảm áp suất trong đêm, nghi ngờ do sự cố rò rỉ. Vào tối 26/9 (giờ địa phương), nhà điều hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cũng tiết lộ sự sụt giảm áp suất ghi nhận trên cả 2 đường ống khí đốt.

Đan Mạch thông báo rằng đã thiết lập khu vực cấm ngoài khơi đảo Bornholm sau vụ rò rỉ khí đốt từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, nhưng không thể xác nhận liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra việc giảm áp suất hay không.

Ngày 27/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển đã ban bố cảnh báo về hai vụ rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch.

Hai lỗ rò rỉ đã được phát hiện trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, đường ống đã ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vào tháng 8, đều ở khu vực phía Đông Bắc đảo Bornholm của Đan Mạch.

Cả hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 vẫn được bơm đầy khí đốt nhưng không vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu. Mỗi tuyến của đường ống bao gồm khoảng 100.000 ống thép nhồi bê tông nặng 24 tấn được đặt dưới đáy biển. Các đường ống dẫn khí có đường kính bên trong là 1.153m.

Nguyên nhân gây rò rỉ

Nord Stream AG, công ty vận hành các tuyến đường ống dẫn khí đốt trên, đã xác nhận xảy ra tình trạng giảm áp suất đột ngột ở cả hai tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2. Công ty cho biết đây là các vụ việc “chưa từng có” và chưa thể ước tính được thời gian khắc phục. Nguyên nhân sự cố đang được điều tra. Các nguyên nhân có thể do trục trặc kỹ thuật vì thiếu bảo trì, thậm chí có thể do phá hoại.

Đức cho rằng sự cố rò rỉ của hai đường ống dẫn khí đốt không phải là một sự trùng hợp và nghi ngờ có một “cuộc tấn công có chủ đích”.

Tờ Tagesspiegel của Đức dẫn một nguồn tin am hiểu với vấn đề cho biết, chính phủ Đức và các cơ quan điều tra vụ việc cho rằng vụ việc có thể là “một cuộc tấn công có chủ đích”.

Trong khi đó, Ukraine cho rằng sự cố rò rỉ có thể là kết quả của “một cuộc tấn công” do Nga thực hiện.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng khả năng cả hai đường ống khí đốt chảy từ Nga sang Đức bị rò rỉ vì bị tấn công.

“Rõ ràng là đường ống đã bị hỏng và liên quan tới nguyên nhân vụ việc, trước khi có kết quả điều tra, chúng tôi không thể loại trừ bất cứ phương án nào”, ông Peskov nói, nhấn mạnh vụ việc này sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của toàn bộ khu vực.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), còn quá sớm để kết luận về nguyên nhân rò rỉ tại 3 đoạn thuộc 2 đường ống nói trên. EC cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan và đến nay chưa nhận thấy bất kỳ tác động nào của sự việc đối với an ninh nguồn cung.

Kathryn Porter, một nhà tư vấn năng lượng tại công ty tư vấn năng lượng độc lập có trụ sở tại Anh Watt-Logic, cho biết rất hiếm khi xảy ra một loạt vụ rò rỉ như vậy trong cùng một khu vực chung.

“Đây là tình huống chưa từng có. Các chuyên gia đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân cũng như động cơ đằng sau sự cố là gì”, bà Porter nói.

“Đối với các đường ống đã cũ, chúng có thể bị ăn mòn, nhưng Dòng chảy phương Bắc 2 là một đường ống hoàn toàn mới. Chúng ta xem xét vấn đề trong quá trình xây dựng như hàn bị lỗi, nhưng Dòng chảy phương Bắc 1 đã hoạt động từ năm 2012 cũng gặp sự cố. Bởi vậy, rất khó để đưa ra một lời giải thích hợp lý cho vụ việc này”, chuyên gia Porter cho hay.

Tác động của sự cố rò rỉ nghiêm trọng

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group cho biết, sự cố rò rỉ có thể khiến các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 khó chuyển khí đốt tới châu Âu vào mùa đông năm nay.

“Tùy thuộc vào quy mô thiệt hại, sự cố rò rỉ thậm chí có thể khiến hai đường ống dẫn khí đóng cửa vĩnh viễn. Rò rỉ khí đốt ở quy mô này là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sự an toàn và môi trường, đặc biệt khi Nga vẫn đang bơm khí đốt vào đường ống”, hai nhà phân tích Henning Gloystein và Jason Bush nói.

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết, tình trạng khí đốt rò rỉ từ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở Biển Baltic sẽ tiếp diễn trong vài ngày và thậm chí là một tuần.

Theo cơ quan này, các con tàu sẽ gặp nguy hiểm nếu di chuyển vào khu vực khí đốt bị rò rỉ và có thể xảy ra nguy cơ khí đốt rò rỉ gây cháy trên mặt nước và trong không khí.

Ngoài ra, sự cố rò rỉ khí đốt cũng ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực đặt đường ống và việc thoát khí metan có thể gây hiệu ứng nhà kính tác động xấu đến khí hậu.

Giới chức Đan Mạch đã yêu cầu nâng cao các quy trình an toàn đối với các cơ sở năng lượng của nước này sau sự cố rò rỉ hai đường ống nêu trên./.

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/su-co-ro-ri-hai-duong-ong-khi-dot-tu-nga-den-chau-au-gay-ra-cac-tac-dong-gi-post973711.vov