Sự đa dạng của cá mập không bị ảnh hưởng khi khủng long tuyệt chủng

Một thảm họa toàn cầu cách đây 66 triệu năm đã dẫn đến sự tuyệt chủng của tất cả các loài khủng long.

Răng cá mập từ kỷ Phấn trắng được tìm thấy tại lưu vực Kristianstad (Thụy Điển).

Răng cá mập từ kỷ Phấn trắng được tìm thấy tại lưu vực Kristianstad (Thụy Điển).

Trong đó, các loài bò sát biển lớn như thương long (Mosasaurs) và thằn lằn đầu rắn (plesiosaurs) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về ảnh hưởng của thảm họa này đối với cá mập.

Mới đây, một nghiên cứu về răng của cá mập được công bố ngày 10/8 trên tạp chí PLOS Biology đã giải đáp những câu hỏi này. Nhà nghiên cứu Mohamad Bazzi thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển) và các đồng nghiệp cho biết, sự đa dạng về răng của cá mập vẫn tương đối ổn định trong suốt sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Phấn trắng.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hình thái của 1.239 chiếc răng cá mập hóa thạch, bao gồm các loài thuộc 8 bộ đang tồn tại và một bộ hiện đã tuyệt chủng. Những chiếc răng có tuổi khoảng 27 triệu năm, từ cuối kỷ Phấn trắng cách đây 83,6 triệu năm đến đầu kỷ Cổ Cận cách đây 56 triệu năm. Thời điểm này đi qua ranh giới K-Pg - sự kiện chấm dứt thời đại khủng long.

Các nhà khoa học phát hiện, sự đa dạng về răng của cá mập đã giảm trước ranh giới K-Pg. Tuy nhiên, sự đa dạng đó vẫn tương đối ổn định trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.

Một số nhóm động vật ăn thịt, đặc biệt là những loài có răng giống như lưỡi kiếm hình tam giác, đã bị tuyệt chủng có chọn lọc trong thời gian được nghiên cứu. Các nhà khoa học nhận định, tình trạng này có thể do những loài sinh vật là mồi của chúng bị tuyệt chủng.

Tuy nhiên, sau ranh giới K-Pg, sự đa dạng về răng của các loài cá mập khác đã đa dạng hơn. Ví dụ, cá mập thuộc họ Odontaspididae (cá mập hổ cát) có răng hẹp, hình chóp. Hình dáng này giúp chúng ăn cá dễ dàng hơn.

Điều này cho thấy sự đa dạng về răng cá mập tăng cùng thời điểm với sự đa dạng hóa nhanh chóng của cá có vây trong kỷ Cổ Cận. Các tác giả cho rằng, mô hình tuyệt chủng có chọn lọc này có thể phản ánh sự thay đổi sinh thái, từ những loài săn mồi 4 chân sang cá có xương.

Nghiên cứu này là cuộc điều tra toàn cầu đầu tiên về hình thái răng ở nhiều nhóm cá mập trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Phấn trắng. Đồng thời, chỉ ra rằng, ranh giới K-Pg không tác động lớn tới cá mập như hầu hết các loài động vật có xương sống khác.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/su-da-dang-cua-ca-map-khong-bi-anh-huong-khi-khung-long-tuyet-chung-wV5dR6M7g.html