Sự dí dỏm, duyên dáng ít ai biết của huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn

Khác với hình dung thường thấy về một cán bộ tình báo, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn qua những câu chuyện lại hiện lên là một người dí dỏm, duyên dáng và gần gũi.

Gần đây, những clip cắt từ chương trình Người đương thời ghi hình vào tháng 10/2002, với khách mời là Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn "gây sốt" trên mạng xã hội. Sức hút của những đoạn phỏng vấn này không chỉ nằm ở danh tiếng huyền thoại của Phạm Xuân Ẩn - người được mệnh danh là "bí mật lớn của thế kỷ 20" mà còn ở chân dung đầy bất ngờ về ông.

Nhà tình báo hài hước

Khác với hình dung thường thấy về một cán bộ tình báo lạnh lùng, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn qua những câu chuyện lại hiện lên là một người dí dỏm, duyên dáng, gần gũi và cực kỳ hài hước.

Huyền thoại tình báo, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.

Huyền thoại tình báo, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.

Trong cuộc trò chuyện với MC Tạ Bích Loan, "người đàn ông của bí mật" đã mở lòng kể lại những lát cắt cuộc đời mình, từ hành trình trở thành cán bộ tình báo, những kỷ niệm thót tim.

Không giấu giếm, ông Phạm Xuân Ẩn thẳng thắn khi được hỏi "chọn nghề tình báo hay nghề tình báo chọn ông?". Ông trả lời rằng "không chọn". Ông kể về hành trình đi theo cách mạng, xin vào bộ đội nhưng bị trả về đi học. Ông tham gia phong trào học sinh sinh viên, lúc cao trào đi xuống, ông xin vào quân ngũ nhưng sau đó được giao làm tình báo. Suy nghĩ ban đầu của ông khi nhận nhiệm vụ là "chịu không nổi, chắc chết quá". Khi ấy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã động viên ông rằng "ráng làm cho tốt".

Điều bất ngờ hơn, vị Thiếu tướng tình báo lừng lẫy thừa nhận khi bắt đầu công việc này, ông không biết gì. Ông phải "ra rạp xem phim tình báo, mua sách, đọc tiểu thuyết trinh thám, tình báo để học hỏi".

Những kỷ niệm "non nớt" trong nghề cũng được ông kể lại một cách hài hước nhưng đầy kịch tính, như lần đi đưa tài liệu mật, bị đụng xe đạp, đánh lộn và bị bà giao liên mắng một bài học nhớ đời về việc luôn đặt nhiệm vụ lên trên hết: "Từ nay trở đi, tôi dặn cậu, bị chửi cũng kệ, xe đụng bỏ xe sang một bên... Nếu công an, cảnh sát bắt về, trong túi cậu có tài liệu mật là chết rồi, vào tù rồi".

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trò chuyện với MC, nhà báo Tạ Bích Loan trong chương trình "Người đương thời" ghi hình tháng 10/2002.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trò chuyện với MC, nhà báo Tạ Bích Loan trong chương trình "Người đương thời" ghi hình tháng 10/2002.

Thời gian hoạt động dưới vỏ bọc nhà báo tại Mỹ (1957-1959) cũng được ông kể lại với nhiều chi tiết thú vị. Khi MC Tạ Bích Loan bình luận hình ảnh ông miệt mài học hành, ông hài hước đáp: "Tại ở trên ra lệnh chứ tôi cũng không ham học lắm đâu". Ông cũng hé lộ thời đó "học quá cũng không được", ngụ ý rằng việc học hành quá nổi bật có thể gây nghi ngờ.

Khoảnh khắc hài hước nhất có lẽ là kỷ niệm đi nhảy đầm. Vốn không biết nhảy, ông được một cô gái kéo ra nhảy đầm. Ông cảm thấy lóng ngóng "như gà tây đạp mái", chỉ biết bắt chước. Rồi "cô nhảy lên đùi tôi ngồi. Tôi run hồi hộp lắm, tim nhảy quá trời. Cô ta nhỏ người mà nặng chứ. Lần đầu gái nhảy giò ngồi. Chết rồi.... Nhưng cô dễ thương lắm".

Ông tự nhận mình ''hồi đó tôi ngon lắm mà, đánh boxing" khiến cả khán phòng chương trình Người đương thời bật cười.

Những câu chuyện này cho thấy một khía cạnh rất con người, thậm chí có phần ngây ngô của vị điệp viên huyền thoại.

Những cám dỗ

Khi được hỏi về những cám dỗ và rủi ro trong nghề tình báo, ông Phạm Xuân Ẩn khái quát bằng "Ba chữ T": Tiền, Tình, Tù. Ông nói tiền có thể tránh được nhưng tình thì không dễ. "Tôi yếu bóng vía, thấy phụ nữ nào cũng thương, hay cảm động". Vì thế chiến lược của ông là "36 kế, chạy là nhất. Tôi đầu hàng cho rồi", thể hiện sự khéo léo và quyết đoán trong việc tránh xa những vướng bận tình cảm.

Về chữ "Tù", ông thẳng thắn thừa nhận mình "sợ". Cái sợ không phải là chết ngay mà là bị bắt và hành hạ. Ông kể lại giai đoạn nguy hiểm (1957-1958) khi lưới an ninh siết chặt và nhiều cán bộ tình báo bị bắt. Ông đứng trước quyết định sinh tử là có nên về nước hay không, bởi nguy cơ bị bắt là rất cao, thể hiện bản lĩnh và sự tính toán cẩn trọng.

Với lý tưởng cách mạng và nhiệm vụ chưa hoàn thành, ông quyết định trở về. Tuy nhiên, ông cũng phòng xa bằng việc mời thêm nhiều người đi cùng bởi nếu có chuyện thì cơ sở được báo tin.

Khi nhà báo Tạ Bích Loan hỏi liệu ông có đau tim vì nghề tình báo quá căng thẳng, ông lại tiếp tục sự dí dỏm: "Tim tôi tốt lắm. Nếu mà yếu là thương mấy cô rồi". Câu trả lời hóm hỉnh một lần nữa khẳng định bản lĩnh cùng sự hài hước đặc biệt của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.

Khi được hỏi về việc công việc nhà báo có hỗ trợ cho công việc tình báo hay không, ông Phạm Xuân Ẩn khẳng định hai lĩnh vực này "giống hệt" nhau: "Làm báo cũng phải đi lấy tin. Viết cho nhanh, chính xác. Tình báo cũng vậy. Đằng lấy ra viết, đằng lấy cất. Cái nào cất, cái nào cho ra. Cái đó là tùy mình quyết".

Ông cũng làm rõ vai trò của mình trong mạng lưới: "Tôi chỉ làm một nhiệm vụ thôi, đó là phân tích, mọi mặt, cả quân sự, chính trị, xã hội, kinh tế, mật vụ rồi đúc kết lại làm thành báo cáo gửi vào trong". Nhiệm vụ của ông không chỉ là thu thập tin tức mà còn là bộ óc phân tích sắc bén để tổng hợp, đánh giá tình hình một cách toàn diện.

Việc gửi thông tin về căn cứ là một phần nguy hiểm và đầy thách thức của nghề. Ông Ẩn lý giải cách thức liên lạc đầy sáng tạo và tinh tế. Ông kể: "Tôi dẫn con chó béc-giê đi dạo. Tôi hay hút thuốc, điếu thuốc trong đó chứa thư, tôi vứt trong đống cỏ. Có quy ước, người ra lấy ở gốc cây đó, khi lấy xong rồi họ bỏ lại cái khác. Mấy giờ sau, tôi dẫn chó đi vòng vòng để về nhà, đi ngang chỗ đó. Nếu thấy đồ của mình mất rồi thì họ lấy, còn có đồ khác thì tôi lụm. Đơn giản như vậy".

Chú chó thường canh mỗi khi ông viết báo cáo hoặc đi cùng ông mỗi khi đưa thông tin liên lạc.

Chú chó thường canh mỗi khi ông viết báo cáo hoặc đi cùng ông mỗi khi đưa thông tin liên lạc.

Tuy nhiên, với những cuộn phim thì phải có liên lạc trực tiếp với giao liên. Để giữ bí mật, các điểm liên lạc không cố định mà thay đổi liên tục: khi ở trong chợ, khi ở ngoài đường, ở tiệm thuốc. Điều quan trọng nhất là phải có "dấu hiệu an toàn" trước khi gặp. "Nếu không có dấu thì đi luôn". Trong các cuộn phim, ông Ẩn cho biết tất cả đều quan trọng, như những kế hoạch mật của địch, ví dụ như kế hoạch Staley Taylor.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn có ảnh hưởng rất lớn trong giới cầm quyền Sài Gòn. Tin tức tình báo của ông mang tính chiến lược đối với thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Thành công của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn không thể tách rời sự hy sinh thầm lặng và sự bảo vệ của đồng đội. Ông khẳng định: "Nếu không có họ chỉ có ăn mày thôi. Những đồng chí bảo vệ ở trên phải tính toán để bảo đảm cho tôi".

Ông cũng chia sẻ về tính chất hoạt động độc lập, đơn tuyến của mình. "Người tình báo hoạt động độc lập sẽ ít nguy hiểm hơn. Khó khăn ráng chịu một mình. Không có người bị liên lụy. Chỉ có giao liên, cụm và ở trên". Tuy nhiên, hoạt động một mình cũng có thách thức riêng: "Nguy hiểm là nếu hoạt động chung tổ 3 người kiểm soát nhau dễ. Nhưng hoạt động một mình, phải kiểm soát chính mình. Nếu mình hơi ngụy biện, rất nguy hiểm. Tối về phải kiểm điểm bản thân". Yếu tố tự kiểm soát bản thân, giữ vững kỷ luật trong mọi hoàn cảnh là cực kỳ quan trọng.

Huyền thoại tình báo kể về lần suýt bị bại lộ thân phận. Tại cơ quan - vốn là bình phong hoạt động của ông có một người mới nhận việc, vô tình có được tài liệu mật và đưa cho an ninh. Phía địch cảnh báo rằng ở đây có cán bộ của ta. Với sự nhanh trí, ông Ẩn lập tức dựng lên câu chuyện về việc có kẻ muốn "giành ăn", đuổi việc gã nên nói vậy.

Gã không tin, báo lên cấp trên điều tra, khi đó tình báo quân ta đã ngưng hoạt động cho đến khi tình hình được đảm bảo. Nhờ vậy, ông thoát được nghi ngờ. Khi được hỏi điều gì mách bảo ông nghĩ ra cách đó, ông Phạm Xuân Ẩn khiêm tốn đáp: "Chắc ông bà phù hộ", khiến cả khán phòng vỗ tay.

23 năm căng thẳng tột độ

Ông cũng luôn chuẩn bị cho những tình huống bất trắc khó lường nhất, như khi lái xe có thể bị đụng và bị điều tra. Tài liệu mật mang theo luôn là rủi ro lớn. Ông Ẩn cũng chấp nhận những tin xấu về mình là "nguy hiểm, rủi ro" của nghề. Khi có tin đồn ông "núp bóng CIA Mỹ, nhảy đầm ngày đêm", ông bình tĩnh bởi biết đó là một phần của cuộc chiến ngầm.

Cuộc đời điệp viên của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn là 23 năm sống trong căng thẳng tột độ. Ông chia sẻ: "Cũng là nghề quen rồi. Con người ta có sức chịu đựng lạ lùng lắm. Dần dần rồi quen". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: "Nhưng quen rồi thì phải coi chừng. Mất cảnh giác lại chết. Cảnh giác quá lại căng. Cầm chừng vậy thôi". Việc giữ trạng thái cân bằng giữa cảnh giác và bình thường là một thách thức lớn về tâm lý.

Những nỗi sợ hãi len lỏi vào cả đêm tối: "Tình báo là mật. Ban ngay mọi thứ bình thường. Ban đêm sợ, cú kêu cũng sợ, bướm bay ban ngày không sao, đêm thì sợ, điềm không tốt" Nỗi sợ ban đêm đến từ việc "không biết ai rình". Ông hiểu rằng tình báo hoạt động ngầm thì người ta sợ, "sợ thì người ta ghét, tìm diệt".

Đám cưới của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn diễn ra vào năm 1962.

Đám cưới của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn diễn ra vào năm 1962.

Năm 1962, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn kết hôn. Khi làm đám cưới, vợ ông chưa hề biết ông là tình báo. 6 tháng sau, ông Ẩn nói mình hoạt động cách mạng và nhờ bà ủng hộ, nói ''Ok".

Cuộc sống với người chồng điệp viên mang đến cho vợ ông không ít gánh nặng, hy sinh. Vợ ông từng hỏi ông: "Trời ơi sao ông đi theo cách mạng, ông không bắt chước Cụ Hồ ở một mình, ông lấy tôi về khổ quá." Dù vậy, bà vẫn yêu và chấp nhận, nói rằng "Tôi cũng lỡ thương ông rồi. Thôi cũng có con rồi. Thôi người Việt Nam, thuyền theo lái, gái theo chồng".

Người vợ thầm lặng cũng dần quen với những tín hiệu và hoạt động của chồng. Bà biết khi nào ông viết báo cáo, bà canh chừng khi ông chụp hình vì tiếng chụp có thể gây chú ý. Những lần ông đi gặp giao liên, vợ ông đều biết. Bà chỉ đi theo khi ông yêu cầu, đặc biệt là trường hợp cần đem theo tài liệu, sự có mặt của bà có thể giúp ngụy trang hoặc đảm bảo an toàn.

Thậm chí, ông còn chuẩn bị tâm thế và dặn vợ, dặn mẹ rằng nếu ông bị bắt, hãy khai là không liên quan đến phía ta và nếu ông có gửi thư giả bị địch ép viết thì hãy nhận biết dấu hiệu mà ông dặn từ trước. Đây là sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bảo vệ người ở lại.

Nói về ngày 30/4/1975 lịch sử, ông Phạm Xuân Ẩn nói biết đã từ lâu nhưng khi ngày đó thực sự đến, ông nói mình "xúc động, mừng, vui", nhưng vẫn phải giữ "bình thản như thường", không dám ra mặt nhiều. Tuy nhiên, trong niềm vui chung của dân tộc, khi người khác được đoàn tụ với gia đình, vợ con ông Ẩn lại ở nơi xa trong khi ông ở lại làm nhiệm vụ cuối cùng. Ông lo lắng cho con còn nhỏ, qua xứ lạ. Tháng 11/1975, ông mới đi qua Pháp, nằm kẹt lại đó 3 tháng sau đó mới có thể thu xếp đoàn tụ.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời ngày 20/9/2006.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn qua đời ngày 20/9/2006.

Những người muốn làm nghề tình báo, theo Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, phải có phẩm chất tốt, tư tưởng yêu nước, khiêm nhường, và lòng dũng cảm. Ông khẳng định: "Tôi yêu nước và chống sự bất công. Hai điều đó không thôi cũng đủ làm tôi hy sinh nhiều thứ được". Theo ông, tôn chỉ của nhà tình báo chuyên nghiệp là "phải hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ và chân thật".

Ông chia sẻ con số đầy xót xa: có 20.000 cán bộ an ninh tình báo hoạt động trong lòng địch nhưng hy sinh rất nhiều vì ''yêu nước, thương đồng bào". Ông khẳng định điều đó làm nên nền tình báo của nước ta - một nền tình báo của nhân dân.

Những chia sẻ dí dỏm, chân thật, gan góc nhưng cũng đầy nhân văn của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn không chỉ khắc họa rõ nét hơn chân dung người điệp viên huyền thoại lẫy lừng mà còn truyền tải những bài học sâu sắc về bản lĩnh, sự hy sinh, lòng trung thành, tình yêu Tổ quốc khiến công chúng thêm khâm phục và trân trọng một con người phi thường.

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/su-di-dom-duyen-dang-it-ai-biet-cua-huyen-thoai-tinh-bao-pham-xuan-an-ar941119.html