Sự độc lập của Fed: Bức tường thành cuối cùng của kinh tế Mỹ

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, điều đó gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chiến pháp lý.

Các chuyên gia pháp lý và chính sách cho rằng cuộc chiến này sẽ trở nên rất phức tạp, với những tác động khó lường lên ngân hàng trung ương, thị trường tài chính và nền kinh tế.

Tình huống đầy biến động này đặt ra nhiều câu hỏi gai góc mà không có câu trả lời dễ dàng, bởi chưa từng có vị tổng thống nào cố gắng thay thế một Chủ tịch Fed.

Những nghi vấn then chốt

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN

Những câu hỏi này bao gồm việc liệu Tổng thống Trump có thẩm quyền để cách chức ông Powell hay không. Câu trả lời gần như chắc chắn là không, trừ khi đáp ứng được ngưỡng pháp lý là có "nguyên nhân chính đáng". Tuy nhiên, điều này lại đặt thêm câu hỏi về việc điều gì sẽ đưa ra nguyên nhân chính đáng.

Hiện đang có nhiều suy đoán ở Washington và Phố Wall rằng Tổng thống Trump có thể đang sử dụng những chỉ trích về dự án cải tạo trụ sở của Fed như một cái cớ. Tiếp theo, các bước pháp lý sẽ diễn ra như thế nào? Hầu hết những người am hiểu tình hình đều cho rằng ông Powell sẽ khởi kiện nếu ông Trump cố gắng sa thải ông. Vụ kiện có thể sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao. Gần đây, tòa án này đã phán quyết rằng Fed, với tư cách là một thực thể đặc biệt và các thống đốc của cơ quan này không thể bị thay đổi nhân sự một cách tùy tiện. Nhưng phán quyết đó không giải quyết các vấn đề xung quanh "nguyên nhân chính đáng".

Ngoài một vụ kiện, ông Powell còn có thể làm gì khác? Nếu ông bị sa thải khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) - cơ quan của Fed chuyên thiết lập lãi suất - có thể đơn giản giữ lại ông Powell làm Chủ tịch, giúp ông tiếp tục có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Trong lịch sử, Chủ tịch FOMC luôn là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Fed, nhưng đó không phải là một yêu cầu bắt buộc. Một câu hỏi khác là liệu ông Trump có thực sự muốn sa thải ông Powell, hay ông chỉ đang muốn biến ông ấy thành một mục tiêu để chỉ trích nếu nền kinh tế đi xuống. Tổng thống Trump đã cho thấy mình là một nhà chính trị khôn ngoan và việc có ông Powell để nhận những lời phê bình có thể hữu ích khi các cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng đang đến gần.

Ông Bill English, cựu giám đốc các vấn đề tiền tệ của Fed và hiện là giáo sư tại Đại học Yale, nhận định rằng điều khác thường ở đây là việc ông Trump cứ liên tục thảo luận công khai về khả năng ông có thể sa thải Chủ tịch Fed. Ông English cho rằng nước Mỹ chưa bao giờ trải qua tình huống tương tự, vì vậy không ai biết tòa án sẽ nhìn nhận như thế nào.

Ông Jonathan Kanter, cựu trợ lý bộ trưởng tư pháp dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, đã chia sẻ trên kênh CNBC rằng rào cản pháp lý là rất cao, nhưng cũng chưa thực sự có tiền lệ lịch sử nào cho tình huống nói trên. Vì vậy, ông cho rằng việc sa thải phải có nguyên nhân chính đáng, và phải là do sơ suất, hành vi sai trái, hoặc lạm dụng chức quyền.

Ông Kanter cho biết các lựa chọn của ông Powell sẽ bao gồm việc khởi kiện và yêu cầu tòa án tạm dừng bất kỳ hành động cách chức nào của ông Trump. Bản thân chiến thuật này có thể kéo dài việc giải quyết cho đến khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed hết hạn vào tháng 5/2026.

Mong muốn cắt giảm lãi suất

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Trump muốn lãi suất thấp hơn nhiều, và ông muốn điều đó ngay bây giờ, bất kể những hệ quả kinh tế có thể xảy ra.

Tổng thống Trump gần đây đã lên tiếng một lần nữa bày tỏ quan điểm về ông Powell và các đồng nghiệp ngân hàng trung ương của ông. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho rằng ông Powell và các quan chức FOMC đang gây khó khăn cho thị trường nhà đất khi duy trì lãi suất cao, khiến người dân, đặc biệt là giới trẻ, khó mua nhà.

Cho đến gần đây, ông Trump đã dành phần lớn những lời chỉ trích của mình cho cá nhân ông Powell. Song mới đây, ông cũng cho rằng Hội đồng Thống đốc Fed đã không làm gì để ngăn chặn vấn đề nói trên và cũng phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ông Powell, ông Trump có hai người được bổ nhiệm trong hội đồng từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình: Thống đốc Michelle Bowman và Thống đốc Christopher Waller. Cả hai đều đã nói rằng họ đang nghiêng về việc cắt giảm lãi suất khi FOMC họp vào cuối tháng Bảy.

Tuy nhiên, ngoài hai người đó, các thành viên khác chưa bày tỏ bất kỳ mong muốn nào về việc nới lỏng chính sách trước cuộc họp tháng Chín. Trong khi đó, có 12 thành viên có quyền biểu quyết trong FOMC. Những người theo dõi Fed, bao gồm cả ông English, người từng là thư ký của FOMC, nhận thấy các nhà hoạch định chính sách bị đẩy vào một tình thế khó xử. Nếu họ cắt giảm lãi suất vào tháng Bảy, điều đó có thể bị xem như là nhượng bộ trước các yêu cầu của ông Trump. Đó là một phần của mối lo ngại lớn hơn ở Phố Wall về hệ lụy danh tiếng mà Fed phải đối mặt khi Nhà Trắng tăng cường nỗ lực để tác động đến chính sách tiền tệ.

Hệ lụy đối với thị trường và kinh tế

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Trong một ghi chú gần đây, ông Jonas Goltermann, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho rằng kinh nghiệm của các quốc gia khác, nơi chính phủ đã can thiệp vào sự độc lập của ngân hàng trung ương, thường là một quá trình xấu đi dần dần và đôi khi sụt giảm đột ngột. Theo ông, không giống như việc tăng thuế quan có thể được rút lại trước khi thiệt hại thực sự xảy ra, chi phí về danh tiếng từ việc sa thải ông Powell sẽ khó có thể khắc phục hơn.

Bên cạnh đó là các vấn đề về thị trường và kinh tế. Việc sa thải ông Powell khó có thể thay đổi cách tiếp cận của FOMC đối với chính sách tiền tệ, và thực tế có thể còn làm cứng rắn hơn lập trường của họ về lãi suất. Ngay cả khi cơ quan này cắt giảm lãi suất, điều đó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho mục tiêu của ông Trump trong việc giảm chi phí tài chính cho nợ quốc gia.

Lần gần nhất Fed cắt giảm lãi suất, trong bốn tháng cuối năm 2024, lợi suất trái phiếu Kho bạc đã tăng gần như ngược lại hoàn toàn với việc giảm lãi suất. Điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa nếu thị trường nhận thấy Fed đang từ bỏ uy tín chống lạm phát của mình để làm hài lòng Tổng thống.

Ông Michael Feroli, nhà kinh tế tại JPMorgan Chase, viết rằng hồ sơ lịch sử cho thấy sự can thiệp chính trị đã góp phần vào chính sách tiền tệ yếu kém vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, với những hậu quả bất lợi cho lạm phát. Ông cho rằng bất kỳ sự suy giảm nào về tính độc lập của Fed có thể sẽ làm tăng thêm rủi ro cho một triển vọng lạm phát vốn đã chịu áp lực từ thuế quan.

Ông Feroli nói thêm rằng trong khi ông Trump muốn Fed cắt giảm lãi suất 3 điểm phần trăm, một động thái như vậy có thể làm tăng kỳ vọng lạm phát. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư vào công cụ thu nhập cố định yêu cầu lợi suất cao hơn, qua đó làm tăng lãi suất dài hạn, đè nặng lên triển vọng kinh tế, và làm xấu đi tình hình tài chính công.

Hiện tại, mọi người kỳ vọng ông Powell và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục tiến hành công việc và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Bà Loretta Mester, cựu Chủ tịch Fed Cleveland, mới đây đã chia sẻ trên CNBC rằng việc Tổng thống Trump gây áp lực lên Fed là không hữu ích. Theo bà, việc một tổng thống có quan điểm về chính sách tiền tệ không phải là chưa từng có. Nhưng bà nghĩ điều khác biệt lần này là sự việc đã diễn ra khá dai dẳng. Bà khẳng định điều đó sẽ không làm thay đổi cách Fed đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ.

Trà My (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/su-doc-lap-cua-fed-buc-tuong-thanh-cuoi-cung-cua-kinh-te-my-20250721091757784.htm