Sự đối đầu giữa 2 đối tác thương mại lớn nhất thế giới
Chuyến công du 4 ngày đến Trung Quốc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Mặc dù có nhiều điểm bất đồng, căng thẳng giữa 2 nước, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại, đầu tư là điều không thể phủ nhận. Thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn làm cho tình hình trở nên xấu hơn sau những diễn biến gần đây, đặc biệt với Mỹ. Tuy vậy, thế giới sẽ chứng kiến những đợt “nắn gân” nhau, cho đến kỳ bầu cử tổng thống mới của Mỹ.
Căng thẳng dai dẳng, chực chờ bùng phát
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc từ cuộc chiến tranh thương mại 2018-2019 được tạm lắng, sau khi 2 nước tạm thỏa hiệp với nhau với thỏa thuận “phase one” ký vào tháng 1-2020 (thỏa thuận về thương mại giai đoạn 1 liên quan đến việc giảm thuế và tăng mua nông sản). Tuy nhiên từ đầu năm 2023, những tín hiệu đối đầu mới đã xuất hiện và leo thang trong các vấn đề thương mại, đầu tư. Đó là chưa kể những vấn đề chia rẽ khác về địa chính trị, như cuộc xung đột Nga-Ukraine, vấn đề lãnh thổ Đài Loan, và biển Đông.
Với Mỹ, những chính sách Trung Quốc tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo ra những rào cản khiến doanh nghiệp Mỹ không thể gia nhập được thị trường Trung Quốc; hoặc những nội dung khác như đe dọa an ninh quốc gia và nhân quyền, là những vấn đề cốt lõi khó nhượng bộ.
Vì vậy gần đây, chuyện hạn chế xuất khẩu các thiết bị máy móc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Mỹ, hạn chế sử dụng dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing services), dẫn đến những trả đũa của Trung Quốc trong việc hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu hiếm, cấm một hãng chip của Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc.
Trong lĩnh vực đầu tư, việc Mỹ hạn chế một số doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc, cũng đã dẫn đến việc trả đũa của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc gây khó dễ các nhà đầu tư Mỹ muốn tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng này, trong bối cảnh định giá của một số loại tài sản ở Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn ở các nước đã phát triển.
Sự phụ thuộc quá lớn, khó tách rời nhau một sớm một chiều
Cả Mỹ và Trung Quốc đều biết rằng một sự tuyệt giao về kinh tế là không thể, và hệ lụy của nó sẽ rất lớn nếu đẩy nhanh tiến trình này. Điều này được thể hiện qua kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã có những cải thiện đáng kể, sau giai đoạn gián đoạn vì chiến tranh thương mại và Covid-19.
Trong suốt thời gian dài trong quan hệ thương mại song phương, Mỹ luôn là bên nhập siêu. Chỉ tính riêng giá trị hàng hóa nhập siêu, giai đoạn trước Covid-19, mỗi năm Mỹ nhập siêu khoảng 350-400 tỷ USD. Vì Covid-19, năm 2020 nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc của Mỹ giảm xuống còn 307 tỷ USD, nhưng qua năm 2021 và 2022 đã tăng lên lại lần lượt 353 tỷ và 382 tỷ USD.
Xét về con số tuyệt đối, cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu lẫn nhau. Tuy vậy, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu suy yếu. Nhóm hàng chế biến chế tạo của Mỹ xuất khẩu qua Trung Quốc có xu hướng đi ngang và thấp hơn nhiều so với thỏa thuận “phase one” đã được ký kết.
Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp và năng lượng cũng là mặt hàng chủ chốt Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc lại có khó khăn riêng. Mặc dù thời gian qua nhờ giá thị trường hàng hóa tăng nên tổng giá trị xuất khẩu tăng, nhưng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ ở 2 mặt hàng này ngày càng giảm. Ngược lại, Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều thiết bị điện tử, máy móc, đồ chơi và đồ thể thao, đồ gỗ, may mặc từ Trung Quốc.
Giảm phụ thuộc và nắn gân lẫn nhau
Để cạnh tranh vị trí số 1 của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa và giảm dần phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việc tạo ra các ảnh hưởng mới ở các thị trường như Đông Nam Á, Mỹ Latin là cách Trung Quốc tăng tỷ trọng thương mại với các nền kinh tế khác ngoài Mỹ.
Về phía Mỹ, điều tương tự cũng diễn ra nhưng có lẽ sẽ chậm hơn và tốn kém hơn. Vì việc thu hẹp và dịch chuyển sẽ có chi phí cao hơn việc phát triển mới. Lấy thí dụ, một doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia, sẽ tốn kém hơn nhiều so với một doanh nghiệp Trung Quốc mở mới nhà máy ở đây. Đại dịch Covid-19 cũng là lực đẩy khá quan trọng, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken, chuyến công du của bà Yellen được cho là động thái thiện chí của Mỹ trong việc giảm căng thẳng với Trung Quốc, không muốn để tình hình trở nên xấu đi. Thông điệp của Nhà Trắng được gửi qua bà Yellen, là Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mối quan hệ giữa 2 nước không phải là trận đấu mà “người thắng lấy hết”. Điều quan trọng là cả 2 bên cố gắng kiểm soát tình hình.
Có điều, cuộc chạy đua cho đợt bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024 đã bắt đầu, và lá bài Trung Quốc là một trong những lá bài quan trọng của Tổng thống đương nhiệm Biden. Lịch sử cho thấy, nửa sau nhiệm kỳ là giai đoạn các tổng thống đương nhiệm muốn tạo dấu ấn và lấy phiếu bầu.
Do đó, các chính sách ủng hộ doanh nghiệp nội địa, lợi ích quốc gia sẽ được đưa lên tuyến đầu. Và đây sẽ là những đòn nắn gân mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Nếu vậy, Trung Quốc cũng sẽ sẵn sàng có những chính sách trả đũa. Một sự đối đầu giữa 2 đối tác thương mại lớn nhất thế giới đầy phức tạp và khó lường trước được.
Mỹ và Trung Quốc đều không muốn làm tình hình trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, 2 nước vẫn sẽ tiếp tục đối đầu nhau, cho đến kỳ bầu cử tổng thống mới của Mỹ.