Sử dụng đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư
Lạm dụng đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Ngày 13/7 vừa qua, tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet Oncology đã đưa ra một nghiên cứu khẳng định rằng lạm dụng đồ uống có cồn là thủ phạm gây ra khoảng 103.000 ca ung thư vào năm 2020. Cùng với đó, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cũng đã phát hiện ra tổng cộng 741.300 trường hợp ung thư có liên quan đến rượu trên toàn cầu. Công bố này giống như một lời cảnh báo nghiêm trọng cho sức khỏe của những người sử dụng loại thức uống phổ biến này trên toàn thế giới.
Theo Viện Ung thư Mỹ, quá trình hấp thụ rượu làm sản sinh trong cơ thể nhiều chất hóa học độc hại, dễ dàng phá hủy ADN và protein của các tế bào. Không chỉ dừng lại ở đó, quá trình phân hủy rượu cũng đồng thời ngăn hệ tiêu hóa hấp thụ các dưỡng chất quan trọng, từ đó âm thầm gây ra vô vàn các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khác như viêm gan, đột quỵ,...
Ngoài ra, cơ quan này còn cho biết nam giới có nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư do rượu gây ra cao hơn đáng kể so với nữ giới, cụ thể chiếm tới 77% trong tổng số ca mắc trên toàn cầu vào năm 2020. Tuy nhiên, những cuộc thống kê gần đây cho thấy rằng phụ nữ cũng đang bắt đầu thu hẹp khoảng cách về mức độ sử dụng rượu so với nam giới. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng chóng mặt các ca mắc ung thư ở phụ nữ trong thập kỷ tới.
Ông Hariet Rumgay – tác giả chính của nghiên cứu- cũng đưa ra lời kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi khẩn cấp việc nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có cồn với bệnh ung thư rộng rãi tới khắp công chúng, đặc biệt là với các chính trị gia và người có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới”.