Sử dụng Google Maps trong đại dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, không được đi đâu nên gần như không cần đến Google Maps để chỉ đường, thế nhưng trên thực tế chúng ta vẫn cần dùng đến Google Maps, dù không đi đâu.

Ảnh 1

Ảnh 1

* Dùng Google Maps để xác định vị trí

Mục đích cơ bản ban đầu của Google là xác định vị trí chứ không phải chỉ đường. Khi dịch bệnh diễn ra, thông tin về những điểm cách ly, vùng phong tỏa, những ổ dịch luôn khiến nhiều người quan tâm. Nhu cầu tiếp theo của mọi người là muốn biết những địa điểm, những vùng ấy nằm ở đâu trên bản đồ để xác định xem nơi ở của những người thân có gần hoặc nằm trong khu vực ấy không. Mở Google Maps và Tìm kiếm địa điểm sẽ giúp chúng ta làm được điều đó. Công cụ đo khoảng cách trên Google Maps giúp chúng ta xác định từ nhà người thân đến vùng có dịch là bao xa.

Ở góc độ khác, các nhà quản lý, các cơ quan thông tấn khi cần lập bản đồ vùng dịch, vùng phong tỏa để thông báo đến người dân cũng thường sử dụng bản đồ nền của Google.

* Giúp tìm hiểu xu hướng di chuyển của cộng đồng

Những dữ liệu thu thập được từ Google Maps giúp Google lập các báo cáo xu hướng di chuyển của cộng đồng (Google Mobility). Khi một người dùng smartphone bật Google Maps và bật cài đặt Lịch sử vị trí thì sự xuất hiện của họ tại một vị trí và thời điểm bất kỳ sẽ được ghi nhận. Với dữ liệu của hàng triệu người ở những thời điểm và vị trí khác nhau, đối chiếu với dữ liệu ở một thời điểm cho trước, Google có thể xác định được sự thay đổi mức độ tập trung ở từng địa điểm theo thời gian. Những báo cáo này giúp cơ quan quản lý xác định hiệu quả thực tế của các quy định về giãn cách xã hội đã ban hành.

Ví dụ như Báo cáo xu hướng di chuyển cộng đồng tại Đồng Nai ngày 3-8-2021 (ảnh 1).

Căn cứ theo biểu đồ này ta có thể thấy được việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn Đồng Nai cho đến nay là khá tốt. Mức độ tập trung ở các nơi công cộng như điểm bán lẻ và giải trí, bến xe, công viên đều giảm so với bình thường ở mức trên dưới 80%. Siêu thị và hiệu thuốc mức độ tập trung cũng giảm mạnh nhưng ít hơn một chút, trên 70%. Quan sát biểu đồ này ta thấy có một điểm thú vị là khoảng ngày 11-7 thì mức độ tập trung ở siêu thị, hiệu thuốc tăng cao hơn mức bình thường, do đây là thời điểm ngay trước ngày áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, người dân đi siêu thị để mua đồ dự trữ. Mức độ tập trung ở cơ quan cũng giảm mạnh so với ngày thường (64%) nhưng còn cao hơn khu vực giải trí, mua sắm vì nhiều cơ quan vẫn làm việc. Lẽ tất nhiên khi mức độ tập trung ở các nơi công cộng giảm thì mức độ tập trung ở nhà tăng lên (tăng 27%).

* Sử dụng Google Maps trong trạng thái “bình thường mới”

Bây giờ chúng ta thử chuyển qua một trạng thái khác, ấy là khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã được dỡ bỏ. Khi ấy, mọi người được di chuyển nhưng trong những điều kiện hạn chế vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Cuộc sống diễn ra trong trạng thái “bình thường mới”. Vậy Google Maps có cải tiến gì cho phù hợp với cuộc sống “bình thường mới”? Câu trả lời là Có!

Cải tiến lớn của Google Maps để phù hợp với trạng thái “bình thường mới” là giúp giữ khoảng cách của bạn trên phương tiện công cộng. Cải tiến này được áp dụng đầu tiên tại Mỹ.

Ở Mỹ cũng như tại nhiều quốc gia khác, lượng người đi các phương tiện công cộng đã giảm mạnh trong những ngày đầu xảy ra đại dịch. Năm nay mọi người đang quay trở lại phương tiện công cộng, điều này được thể hiện là các chỉ đường phương tiện công cộng tại Mỹ trên Google Maps tăng 50% so với năm ngoái. Như chúng ta đã biết ở Việt Nam, ngay cả khi cho phép di chuyển bằng xe bus thì vấn đề an toàn vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, tức là vẫn phải thực hiện giãn cách. Mỹ và nhiều nước khác cũng thế. Đó là lý do tại sao Google đang mở rộng dự đoán mức độ đông đúc của phương tiện công cộng cho hơn 10 ngàn đại lý vận chuyển ở 100 quốc gia. Nhờ đó người chọn chuyến đi sẽ biết liệu tuyến của mình có nhiều chỗ trống hay không. Với thông tin này, bạn có thể quyết định xem mình muốn lên tàu hay đợi một chuyến tàu khác. Bởi vì dù có dịch hay không, không ai thích đứng trong một toa tàu điện ngầm chật cứng.

Những dự đoán này được thực hiện thông qua công nghệ AI của Google, đóng góp từ những người sử dụng Google Maps và xu hướng vị trí lịch sử dự đoán mức độ đông đúc trong tương lai cho các tuyến phương tiện trên khắp thế giới.

Với công cụ nêu trên, Google có thể xác định xu hướng đông đúc trên phương tiện công cộng ở khắp nước Mỹ. Ví dụ: TP.New York, Atlanta, San Francisco, Boston và Washington DC dẫn đầu bảng xếp hạng với tư cách là một số thành phố có dòng người đông đúc nhất. Trên toàn quốc, bạn có nhiều khả năng có được chỗ ngồi lúc 9 giờ sáng, trong khi ô tô có thể chỉ có chỗ trong khoảng 7 - 8 giờ sáng. Buổi tối, khởi hành sớm hơn giờ cao điểm sẽ giúp bạn có được một chỗ ngồi, với lượng khách ít hơn rất nhiều. Khởi hành lúc 3 giờ chiều ít đông đúc hơn so với 4-5 giờ chiều.

Ở New York và Sydney, Google đang thử nghiệm khả năng xem thông tin về mức độ đông đúc trực tiếp ngay từ cấp độ xe chuyển tuyến. Tính năng này được cung cấp bởi dữ liệu từ các cơ quan như Đường sắt Long Island và Giao thông vận tải cho New South Wales, với nhiều thành phố sắp ra mắt.

Dự đoán mức độ đông đúc của phương tiện công cộng đang mở rộng đến hơn 10 ngàn thành phố ở 100 quốc gia. Hiện nay tại Việt Nam chưa có ứng dụng dự đoán này, nhưng có lẽ trong tương lai gần sẽ có áp dụng cho xe bus tại TP.HCM.

* Chưa thể đi? Xin hãy hồi tưởng!

Vẫn còn giãn cách xã hội, chưa thể đi đâu vì phải tuân thủ các quy định chống dịch nhưng bạn vẫn có thể sử dụng Google Maps để đi du lịch qua… hồi tưởng.

Ảnh 2: Dòng thời gian trên Google Maps

Ảnh 2: Dòng thời gian trên Google Maps

Google Maps có tính năng Dòng thời gian tự động ghi lại toàn bộ chi tiết về các chuyến đi của bạn trong quá khứ (miễn là các chuyến đi đó bạn có mang theo điện thoại di động). Tính năng Dòng thời gian vừa được Google Maps thiết kế lại rất đẹp mắt và tiện lợi. Trong thời gian đại dịch, phải ở nhà, bạn có thể mở Dòng thời gian, vừa là để hồi tưởng chuyến đi cũ vừa có những dữ liệu để hoạch định kế hoạch cho những chuyến đi mới khi hết giãn cách xã hội.

Cách xem Dòng thời gian trên Android: Mở Google Maps, nhấp vào ảnh của bạn ở góc trên bên phải rồi chọn Dòng thời gian của bạn. Ở đây bạn sẽ thấy nhiều thẻ (tab) như: chuyến đi, thành phố, thế giới… Hãy chọn để hồi tưởng lại bạn đã khám phá thế giới như thế nào.

Bạn sẽ thấy bạn đã sử dụng phương tiện di chuyển nào cũng như quãng đường và thời gian bạn đã lái xe, đi máy bay, đi xe đạp hoặc đi bộ. Bạn cũng có thể xem lượng thời gian bạn đã dành cho các địa điểm khác nhau như cửa hàng, sân bay và nhà hàng và xem ngay chi tiết những địa điểm bạn đã ghé thăm.

Ví dụ: Chọn thẻ Chuyến đi để xem các chuyến đi bạn đã thực hiện. Nhấn vào một chuyến đi cụ thể như TP.Pleiku để xem chi tiết chuyến đi đó: đi lúc nào, bao lâu, di chuyển ra sao, đã ghép những địa điểm nào… (ảnh 2).

Phạm Hoài Nhân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202108/su-dung-google-maps-trong-dai-dich-3072087/