Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Phù Yên đã lập dự toán, kế hoạch sử dụng nguồn vốn được phân bổ, triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Phù Yên được phân bổ trên 281 tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, trên 66 tỷ đồng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hơn 18 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; gần 197 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể các dự án thuộc chương trình bảo đảm được đầu tư, hỗ trợ đúng địa bàn, đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu, thực tiễn của địa phương. Thực hiện nghiêm quy trình thẩm định, bố trí, giải ngân vốn đầu tư; phân cấp cho xã làm chủ đầu tư một số công trình, nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: UBND huyện xây dựng kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, trong đó, có phương án cân đối hỗ trợ sinh kế cho người dân, gồm kế hoạch xóa nhà tạm cho các hộ nghèo; hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp các địa phương; xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân...
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển; hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng; lao động được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định.Từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện triển khai nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới 49 công trình đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi, lớp học cắm bản, bếp ăn bán trú, nhà công vụ... trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn; 2 công trình trạm y tế xã Tân Phong và xã Tường Hạ; 1 công trình chợ trung tâm xã Tường Phong. Huyện đang tiếp tục rà soát, bổ sung các công trình hạ tầng cần được xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp tại các địa bàn trong huyện.Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vùng mường duy trì, mở rộng trên 800 ha cây ăn quả có múi theo hướng nâng cao chất lượng; duy trì thương hiệu "Cam Phù Yên" trong những năm tiếp theo. Đối với các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, các xã vùng cao, tập trung trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất bạc màu. Đồng thời, mở rộng diện tích gai xanh lên 275 ha, hơn 200 ha sắn cao sản. Nghiên cứu mở rộng diện tích trồng lúa tại các xã thuộc cánh đồng Mường Tấc theo phương pháp sản xuất hữu cơ từ 150 ha lên 370 ha vào năm 2025, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gạo Phù Yên.
Huyện đã kết nối, tạo việc làm cho 4.911 lao động nông thôn; tạo điều kiện học nghề cho 4.551 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 17%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 17,28%.Điểm nhấn trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện Phù Yên, đó là đưa xã đặc biệt khó khăn Tường Thượng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Theo đó, xã nhận được tổng nguồn vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nội bản, liên bản; cải tạo nhà văn hóa các bản; xây dựng các công trình thủy lợi cùng với xây dựng tiêu chí môi trường của địa phương.Ông Đinh Xuân Yệt, Bí thư Đảng ủy xã Tường Thượng, cho biết: Nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ địa phương hoàn thành các tiêu chí về đường giao thông nông thôn, văn hóa, môi trường là những tiêu chí khó nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong xã có thêm điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế, mức thu nhập hiện đạt 39 triệu đồng/người/năm, tạo đà để địa phương tiếp tục xây dựng, củng cố các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được.Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho nhân dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình được vay nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, với tổng nguồn vốn vay hiện tại từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 212 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT trên 104 tỷ đồng. Tiếp tục đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa ra định hướng phát triển kinh tế cho các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn.Ông Mùi Văn Tha, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong, thông tin: Nam Phong là một trong những xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện trên 50km. Năm 2021, sau khi tuyến đường Nam Phong -Tường Phong hoàn thành, đưa vào sử dụng, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân thuận lợi hơn. Đến nay, tổng chiều dài các tuyến đường nội bản, liên bản được hoàn thành gần 20 km, trong đó, 100% các tuyến nội bản, 80% các tuyến đường trục bản đã hoàn thành.
Mục tiêu của huyện giảm 4% hộ nghèo/năm, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, huyện Phù Yên tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân tích cực vào cuộc trong phát triển kinh tế, xã hội; phân công các cơ quan, đơn vị đỡ đầu các bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất; xóa nhà tạm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn đầu tư có hiệu quả...