Sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi
Nguồn vốn vay ưu đãi đã thiết thực giúp các hộ nghèo tại huyện Lục Ngạn đầu tư sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Điểm tựa cho người nghèo
Trước đây, gia đình anh Lường Văn Nguyên (SN 1991) ở thôn Du, xã Đồng Cốc là hộ nghèo. Hai vợ chồng công việc không ổn định lại nuôi 3 con nhỏ nên rất khó khăn. Tuy có diện tích vườn đồi rộng song thiếu vốn đầu tư, vợ chồng anh loay hoay không biết làm thế nào để phát triển kinh tế. Nắm bắt hoàn cảnh hội viên, Hội Nông dân xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện cho gia đình anh vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng 200 cây vải thiều.
Anh Nguyên khoan giếng, xây bể nước phục vụ tưới tiêu đồng thời tích cực học hỏi, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, vườn vải phát triển xanh tốt, sai quả và sau ba năm cho thu hoạch. Vụ đầu vải được giá, gia đình thu hơn 150 triệu đồng, nhờ vậy, anh có điều kiện đầu tư trồng rừng cùng các loại cây ăn quả như táo, bưởi, dưa leo.
Các loại cây trồng mang lại thu nhập 200 triệu đồng/năm giúp gia đình trả hết nợ ngân hàng và thoát nghèo. Năm nay, anh tiếp tục được vay 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi hươu lấy nhung. Anh Nguyên phấn khởi cho biết sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của gia đình tiêu thụ thuận lợi, tiểu thương đến tận nhà thu mua.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại xã Đồng Cốc có động lực phát triển kinh tế. Ông Lưu Văn Phú, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm trước đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo đều được vay vốn đầu tư trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hằng năm, xã phối hợp tổ chức 8-10 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân sản xuất hiệu quả. Bình quân mỗi năm, xã giảm từ 3-4% hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,46%, thấp hơn mức bình quân của toàn huyện".
Cùng với xã Đồng Cốc, nguồn vốn này còn hỗ trợ nhiều người nghèo trong huyện vươn lên. Nhờ 80 triệu đồng vay với lãi suất ưu đãi, 3 năm nay, gia đình chị Vi Thị Mạnh, thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận đầu tư chăn nuôi dê hiệu quả. Từ hơn chục con ban đầu, hiện đàn dê đã tăng lên 40 con và liên tục được xuất bán. Sau khi thoát nghèo, chị Mạnh mua được xe ô tô để vận chuyển, kinh doanh hoa quả ở các chợ trong và ngoài tỉnh.
Áp dụng chính sách đặc thù chống tái nghèo
Huyện miền núi Lục Ngạn có gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ người dân vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân hơn 268 tỷ đồng cho hơn 5,6 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay. Trong đó hơn 1 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay gần 90 tỷ đồng. Để chống tái nghèo, Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách đặc thù tạo điều kiện cho 328 lượt hộ vay vốn để duy trì, mở rộng mô hình sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ năm 2020 đến nay đã có hơn 4 nghìn hộ trên địa bàn huyện Lục Ngạn thoát nghèo. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 - 2%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,86%, cận nghèo 5,92%.
Thông qua nguồn vốn vay này, từ năm 2020 đến nay đã giúp hơn 4 nghìn hộ trên địa bàn thoát nghèo. Hiện hộ nghèo của huyện chiếm 4,86%, hộ cận nghèo 5,92%. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 - 2%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu từ 6,06% đến 9,78% như: Phú Nhuận, Kim Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Đèo Gia, Phong Vân...
Những năm gần đây, mức vay ưu đãi đã được nâng lên, tối đa là 100 triệu đồng/hộ, giải ngân nhanh chóng, thuận lợi. Nhờ vậy, các hộ có điều kiện mua sắm vật tư, thiết bị, máy móc, cây, con giống để sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể địa phương là: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên ủy thác, hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng thôn, bản, đưa vốn vay ưu đãi của chính phủ đến đúng đối tượng. Quan tâm phổ biến, hướng dẫn các hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi; việc thu lãi, trả nợ gốc được thực hiện kịp thời.
Đơn cử như Hội LHPN huyện. Đến nay, hội quản lý 210 tổ tiết kiệm và vay vốn với 7.278 khách hàng, dư nợ gần 400 tỷ đồng. Chị Lục Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Nhuận cho biết: “Cùng với nguồn vốn vay của ngân hàng và các chương trình, dự án ưu đãi khác, hội viên phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được trang bị máy móc, phương tiện như: Máy phát cỏ, máy bơm, téc nước, phân bón, con giống... phục vụ sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững”.
Năm 2023, Lục Ngạn phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 3%. Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện, theo ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, đơn vị tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân trên địa bàn. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác bình xét, bảo đảm nguồn vốn vay đến được đúng đối tượng.
Thường xuyên tổ chức lồng ghép các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đối với hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng vay vốn. Với đặc thù địa bàn, đơn vị sẽ tập trung cho vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trồng cây ăn quả, chăn nuôi.
Vi Lệ Thanh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/412556/su-dung-hieu-qua-von-vay-uu-dai.html