Sử dụng năng lượng xanh trong giao thông đô thị: Sớm hoàn thiện khung chính sách

Bắt kịp với xu hướng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai nhiều dự án sử dụng năng lượng xanh trong giao thông đô thị nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, khung chính sách cần sớm được hoàn thiện.

Sử dụng năng lượng xanh trong giao thông đô thị cần chính sách khuyến khích. (Ảnh: Bộ GTVT)

Sử dụng năng lượng xanh trong giao thông đô thị cần chính sách khuyến khích. (Ảnh: Bộ GTVT)

Xu hướng tất yếu

Tại Hội thảo về chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh mới đây, TS. Lê Văn Nghĩa, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, số liệu ấn tượng khi lượng khí CO2 giảm từ hơn 7.984 tấn xuống còn khoảng 4.077 tấn mỗi ngày thông qua việc chuyển đổi từ xe buýt sử dụng diesel sang năng lượng điện. Như vậy, việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn cải thiện chất lượng không khí đô thị. Đồng tình, PGS.TS Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TP HCM cũng khẳng định lợi thế của xe buýt điện so với xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, xe buýt điện ngày càng được ưa chuộng nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Hà Nội là một trong những thành phố tiên phong tại Việt Nam triển khai xe buýt điện. Từ cuối năm 2021, Hà Nội đã đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện đầu tiên. Dự án này không chỉ giúp giảm khí thải mà còn giảm tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí đô thị. Tuy nhiên, việc mở rộng hệ thống xe buýt điện tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

TP HCM cũng đang nỗ lực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ xe điện, bao gồm việc lập kế hoạch đầu tư và xây dựng các trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xe buýt điện. Theo đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố, thành phố hiện có 2.209 xe buýt đang hoạt động, trong đó có 546 xe sử dụng năng lượng xanh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt mới sẽ chuyển sang sử dụng điện và năng lượng xanh. Với việc mở mới 72 tuyến xe buýt từ nay đến năm 2030, mục tiêu của thành phố không chỉ thay thế mà còn mở rộng phương tiện xe buýt xanh, hướng tới 100% xe buýt ở TP HCM sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030.

“Thành phố xanh” Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều dự án xanh hóa giao thông như triển khai dự án xe buýt điện từ năm 2021, phát triển hệ thống xe đạp công cộng. Đặc biệt, Đà Nẵng còn thực hiện nhiều chương trình giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện và chiến dịch nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và xe buýt điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.

Dù xu hướng tất yếu nhưng các thành phố, đô thị trong nước đều đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, cũng như sự chung tay, đồng thuận của người dân trong việc sử dụng các phương tiện giao thông xanh.

Yếu tố then chốt là hoàn thiện khung chính sách

Theo Chương trình hành động của ngành Giao thông vận tải đề ra trong Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 nhằm hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 năm 2050, các thành phố lớn cần bảo đảm lộ trình chuyển đổi sử dụng năng lượng trong vận tải hành khách công cộng. Theo đó, từ năm 2025, 100% xe buýt đô thị thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đầy thách thức này, các thành phố cần phải chuẩn bị đầy đủ khung chính sách thể chế, nguồn lực thực hiện, kích hoạt và huy động sự tham gia của khối tư nhân trên cơ sở các khuyến nghị từ các nghiên cứu, nhà khoa học. Đơn cử, mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp hiện nay là quy hoạch phát triển và cung cấp các hạ tầng trạm sạc phù hợp với đặc tính và lộ trình vận hành của xe buýt điện nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn năng lượng cho xe buýt điện vận hành.

Bên cạnh đó, khung chính sách thúc đẩy quá trình sử dụng năng lượng xanh trong giao thông đô thị cũng cần cân nhắc các cơ chế khuyến khích tăng cường hợp tác, đầu tư nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng, các biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy các sáng kiến nghiên cứu, phát triển công nghệ giao thông xanh. Việc học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất từ các quốc gia khác là rất quan trọng. Các thành phố cần tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia vào các dự án và chương trình hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa giao thông.

Sử dụng năng lượng xanh trong giao thông đô thị là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Việc hoàn thiện khung chính sách là điều kiện tiên quyết, then chốt để đạt được mục tiêu này, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững và chất lượng cho thế hệ mai sau.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/su-dung-nang-luong-xanh-trong-giao-thong-do-thi-som-hoan-thien-khung-chinh-sach-post520585.html