Sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp

Ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 36 cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao'.

Báo cáo dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân… và đưa ra đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Phạm vi giám sát trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam

Thống nhất với cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, tập trung sâu vào vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để phát hiện được những mặt mạnh, những việc làm được trong thời gian vừa qua; đồng thời, thấy được mặt hạn chế đối với vấn đề này. Từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Về đối tượng giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kế hoạch rất hợp lý khi giám sát trực tiếp tại chính địa phương theo tiêu chí đại diện cho các vùng, miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, trung tâm phát triển mới, sử dụng nhiều lao động, địa bàn khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có phân tích, dự báo đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho phù hợp. “Đất nước muốn phát triển đi lên thì phải thật sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo. Khoa học công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu. Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính; tránh việc đi nhiều địa phương, nhiều ngành nhưng hiệu quả mang lại không lớn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cơ bản thống nhất với kế hoạch, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần xác định rõ hơn trọng tâm của 4 nội dung giám sát. Về phương thức giám sát, ông đề nghị việc tổ chức các đoàn công tác giám sát trực tiếp hay tổ công tác để làm việc trước với các bộ ngành và không ảnh hưởng đến công việc của các lánh đạo bộ. Tổ công tác có thể làm việc sâu hơn giúp cho lượng thông tin nhiều hơn… Có thể mời hoặc thuê chuyên gia trong khả năng, nhất là những chuyên gia có kinh nghiệm để tham khảo, giúp đưa ra những kiến nghị độc lập và hiệu quả hơn nếu không sẽ rất lãng phí.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đây là một chuyên đề giám sát hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Một lĩnh vực không chỉ là đột phá của nhiệm kỳ này mà chắc chắn sẽ tiếp tục là đột phá của những nhiệm kỳ tiếp theo. Bà đề nghị, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Tổ giúp việc làm việc cụ thể với các bộ, ngành có liên quan để thống nhất về nội dung chuyên môn của đề cương giám sát. Hoàn thiện kế hoạch giám sát, đề cương giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/su-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-phu-hop-154799.html