Sử dụng thật hiệu quả
(HNM) - Quỹ thời gian của năm 2019 không còn nhiều, tuy nhiên, đến hết tháng 8-2019, kết quả giải ngân vốn ngân sách mới đạt 41,39% kế hoạch được giao và 37,92% so dự toán năm. Đáng nói, hiện có đến 8 đơn vị chưa đạt 10%. Những con số đó cho thấy, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2019 là rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương để đạt kế hoạch đề ra.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu bắt nguồn từ việc thực thi của người có trách nhiệm, bởi cùng một mặt bằng chính sách nhưng tiến độ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương chênh lệch rất lớn. Đó còn là tâm lý chủ quan, dựa vào quy định được “chủ động thực hiện thủ tục kéo dài vốn đầu tư công sang năm sau”, nên các tháng đầu năm, nhiều đơn vị, địa phương chỉ tập trung giải ngân vốn kéo dài của kế hoạch năm 2018 chuyển sang. Đó là sự lúng túng khi thực hiện các quy định về phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư áp dụng đối với kế hoạch năm 2019. Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương khi được bố trí dự án khởi công mới phải hoàn thành nhiều thủ tục theo quy định nên tỷ lệ giải ngân rất thấp do chưa có khối lượng thi công xây lắp.
Đáng nói là có những lý do chủ quan mà nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để. Ví dụ như năng lực một số chủ đầu tư hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công kịp thời… Ở một số dự án trọng điểm, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương nên gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài liên quan đến việc giải ngân; đền bù, giải phóng mặt bằng…
Rõ ràng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế và đời sống dân sinh. Do đó, yêu cầu đặt ra từ nay đến cuối năm là các bộ, ngành, địa phương phải “tăng tốc” giải ngân nguồn vốn này đạt hiệu quả, đúng pháp luật. Việc này phải thực hiện trên cơ sở quản trị tốt, trong đó có việc tổ chức, năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhất là người đứng đầu, không để tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm và các khâu trung gian không cần thiết.
Ngay từ bây giờ là các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân theo nhóm dự án. Theo đó, đối với các dự án hoàn thành trong năm 2019, tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất việc nghiệm thu, thanh toán, khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Với dự án chuyển tiếp thì tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành... gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để dồn vào cuối năm. Đồng thời bám sát tình hình thực hiện, tiếp tục đánh giá, nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thanh toán, qua đó xử lý triệt để vướng mắc phát sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được giao từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt. Mặt khác, cơ quan quản lý theo dõi sát tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương. Từ đó, có kiểm điểm, đánh giá về khả năng giải ngân trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án điều chỉnh, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công năm 2019.
Sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn đầu tư công sẽ bảo đảm phát huy vai trò của nguồn lực này trong đời sống xã hội, rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/944863/su-dung-that-hieu-qua