Sử dụng thuốc giảm cân: Lợi bất cập hại
Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm thuốc giảm cân được rao bán tràn lan. Các sản phẩm được quảng cáo với thông tin về sự tiện lợi và hiệu quả tức thời, nhưng lại mập mờ về chất lượng, nguồn gốc, cũng như những tác dụng phụ lên cơ thể người sử dụng.
Tăng cân là nỗi lo lắng của nhiều chị em phụ nữ. Với mong muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Nhiều chị em đã sử dụng thuốc giảm cân được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ một vài từ khóa trên mạng xã hội như “thuốc giảm cân”, “kẹo giảm cân”, là có thể tìm thấy nhiều địa chỉ bán các loại thuốc, với những lời quảng cáo có cánh như “giảm nhanh 4 - 8kg trong vòng 30 ngày, không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục, kiểm soát cân nặng, giảm mỡ...”.
Các sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm vẫn được rao bán trên mạng xã hội.
Nhiều người thử mua và sử dụng sản phẩm mà không cần sự hướng dẫn, chỉ định của thầy thuốc. Chị L.T.K.P, nhân viên văn phòng một công ty trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cho biết, tôi tăng cân khá nhiều nên đã đặt mua một hộp thuốc giảm cân 30 viên có giá trên 500 nghìn đồng, với hy vọng giảm cân nhanh. Tuy nhiên, mới uống được hơn một tuần, thì thấy có những dấu hiệu khác thường trong cơ thể, cảm giác chán ăn, bủn rủn tay chân. Tôi đi khám thì được chẩn đoán rối loạn điện giải và suy nhược cơ thể.
Chị N.T.H (47 tuổi), ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), cũng tăng gần 4kg, vì những bữa ăn ngày Tết. Chị được bạn bè giới thiệu một loại thạch giảm cân của Thái Lan. Mỗi ngày trước khi ăn vào buổi sáng và buổi tối, chị H chỉ ăn một gói thạch, sau đó chị không còn cảm giác thèm ăn. “Từ khi dùng thạch, tôi không còn cảm giác thèm ăn hay bị đói. Tôi cũng đã giảm được cân, nhưng khi không dùng nữa, thì lại tăng cân rất nhanh”, chị H chia sẻ.
Không chỉ có thuốc, hiện nay sản phẩm giảm cân còn "biến tấu" nhiều loại như thạch, kẹo, hoặc cafe được giới thiệu 100% chiết xuất từ thiên nhiên... Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng hiệu quả. Ngay trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát của hàng chục loại thực phẩm chức năng giảm cân có chứa các chất cấm như: Lady Slim, Diamond Slim, Slim Phục Linh plus, Seven days, Feo Dứa, Mộc Slim, Slimming TIGI MAX 28...
Các sản phẩm này đều được giới thiệu chiết xuất 100% từ thảo mộc, nhưng thực tế chứa chất cấm Sibutramin, dược chất có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mặc dù đã được cảnh báo có chất cấm, nhưng đến nay, các sản phẩm này vẫn được quảng cáo và bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Trước thực trạng “loạn” thị trường sản phẩm giảm cân như hiện nay, khi quyết định sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm giảm cân nào, chị em cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin quan trọng của thuốc như thành phần, cơ chế tác dụng, nhà sản xuất- phân phối, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; số đăng ký... để tránh gây hại cho sức khỏe. Theo lời khuyên của các bác sĩ, không nên hạn chế giảm cân bằng thuốc mà thay bằng các hình thức khác an toàn hơn như có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, luyện tập TDTT đều đặn... để giảm cân an toàn và hiệu quả; đừng tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở khoa học, dẫn đến “tiền mất tật mang”.
Bài, ảnh: Vũ Yến