Sử dụng vi khuẩn để phân hủy rác thải nhựa

Phân lập nhóm vi khuẩn có đặc tính phân hủy nhựa từ các bãi thu gom rác ở Hà Nội là dự án của nhóm 5 sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Dự án nhằm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, góp phần giảm tác động ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa.

 Các thành viên của nhóm dự án “Phân lập nhóm vi khuẩn có đặc tính phân hủy nhựa từ các bãi thu gom rác ở Hà Nội” trong phòng thí nghiệm

Các thành viên của nhóm dự án “Phân lập nhóm vi khuẩn có đặc tính phân hủy nhựa từ các bãi thu gom rác ở Hà Nội” trong phòng thí nghiệm

Hiện nay, ở nước ta, việc tiêu thụ và xử lý rác thải nhựa, cụ thể là sản phẩm túi nilon, túi nhựa còn nhiều bất cập. Dù đã có nhiều dự án, phong trào kêu gọi giảm thiểu việc sử dụng hay tìm sản phẩm thay thế nhưng vẫn còn một lượng lớn túi nhựa chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khỏe người dân. Đó là lý do khiến 5 sinh viên ngành Công nghệ Sinh học - Phát triển thuốc (trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội) ứng dụng tiềm năng của nhiều loại vi khuẩn thu thập và phân lập từ các bãi rác dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội để đưa vào nghiên cứu khả năng phân hủy Low-Density Polyethylene (LDPE) - một dạng polymer được sử dụng làm nguyên liệu túi nilon trên thị trường.

Chia sẻ về dự án, Phạm Nhật Hà, đại diện nhóm, cho biết: "Với những thành quả sau 4 tháng nghiên cứu và phát triển, chúng em đưa ra sản phẩm thử nghiệm Pedric, chế phẩm sinh học có thành phần gồm chất nền bột trấu và những chủng vi sinh đặc hiệu. Nguồn nguyên liệu sẵn có như bột trấu cộng với những chủng vi sinh có sẵn trong đất tại các bãi rác dân sinh, đóng góp một phần không nhỏ vào việc giảm chi phí sản xuất và phát triển sản phẩm. Dựa trên nguyên lý Bio-augmentation, hay còn gọi là "làm giàu sinh học", khi được đưa vào xử lý môi trường sẽ làm giảm thời gian phân hủy túi nilon trong tự nhiên từ hàng trăm năm xuống chỉ còn vài chục năm. Dù cần thêm nhiều thời gian để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhưng chúng em tin rằng, ý tưởng này đã mở ra một hướng đi mới cho bài toán xử lý rác thải nhựa".

Theo Nhật Hà, ngày đầu tiên khởi động dự án, nhóm đã phải đi bới đất và rác tại nhiều điểm để thu mẫu đất đạt yêu cầu. Sau khi đã có mẫu đất, nhóm chuyển đến giai đoạn thực hành trong phòng thí nghiệm. Vì kinh nghiệm chưa nhiều, thao tác còn chậm nên khoảng 1-2 tháng đầu, có ngày, Nhật Hà phải dành 6 tiếng trong phòng thí nghiệm. Nhưng càng về sau, tốc độ làm việc được cải thiện. Sau khi tìm hiểu thị trường, nhóm nhận ra, ở Việt Nam hiện chưa có sản phẩm nào có nguồn gốc vi sinh đặc chế cho xử lý rác thải nhựa vô cơ. Vì vậy, nhóm tin rằng, đây sẽ là một cơ hội lớn để phát triển một chế phẩm mới, một giải pháp mang tính ứng dụng cao với chi phí sản xuất vừa phải, phù hợp cho cả quy mô đa dạng.

Với hiệu năng phân hủy cao, thời gian rút ngắn đáng kể so với việc phân hủy trong tự nhiên, sự đơn giản trong cách sử dụng sản phẩm thử nghiệm, Dự án đã nhận được sự đánh gia cao từ các chuyên gia và cộng đồng.

Nhật Hà cho biết: Dự án đang ở bước đầu trên hành trình hiện thực hóa ý tưởng, là nền móng cho sự phát triển trong tương lai. Với đề tài nặng tính chuyên môn này, nhóm vẫn còn một quãng đường dài phía trước để không ngừng học hỏi kiến thức và cải thiện kỹ năng. Dự án không chỉ đưa ra giải pháp xử lý rác thải mà còn gửi thông điệp về sự chung tay của toàn xã hội vì một cuộc sống "xanh", thuận tự nhiên và giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa.

Quỳnh Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/su-dung-vi-khuan-de-phan-huy-rac-thai-nhua-20240708154134215.htm