Sứ giả hòa bình đem văn hóa Việt Nam đến Nam Sudan
Có một nguồn năng lượng đặc biệt toát ra từ vóc dáng nhỏ bé mà rắn rỏi của nữ sĩ quan cảnh sát Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan. Cô đang cho thấy sức vóc nhỏ bé của phụ nữ Việt Nam có thể làm được nhiều điều từ sức mạnh của trí tuệ, sức bền của sự dẻo dai, sự mềm mại, đầy nữ tính và trên hết là thái độ tích cực, lạc quan để chinh phục mọi thử thách. Đó là câu chuyện đầy thú vị mà Trung tá Lương Thị Trà Vinh đang viết trên mảnh đất Nam Sudan xa xôi trong hành trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của một nữ sĩ quan Công an, một sứ giả văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Hành trình đến Nam Sudan
Có lẽ nguồn năng lượng dồi dào tưởng như vô tận của Lương Thị Trà Vinh được ấp ủ trong cô từ thời niên thiếu với các cuộc chơi không mấy khi dành cho con gái - trò chơi trận giả và thi chạy. Cô đã nỗ lực, quyết tâm biến niềm mơ ước trở thành sinh viên Học viện An ninh nhân dân trở thành hiện thực và đi suốt nhiều năm quân ngũ với một tinh thần không bao giờ lùi bước. Chặng đường trước khi trở thành nữ sĩ quan Công an Việt Nam gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (GGHB LHQ), Trà Vinh luôn chứng tỏ bản lĩnh, ý chí đó trong bất kỳ hoàn cảnh, nhiệm vụ nào.
Nếu bạn muốn biết cô ấy đã đến Nam Sudan xa xôi, hiện diện ở phái bộ LHQ để giúp đỡ người dân tại quốc gia còn vô vàn khó khăn này như thế nào, thì hãy nhìn lại cả một hành trình đầy chông gai của cô ấy. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, nhưng cũng không có con đường nào là không thể vượt qua, Vinh đã luôn tâm niệm: “Tôi không cho phép mình thất bại mà luôn nỗ lực cố gắng. Một khi đã cố gắng, thì thất bại khi đó trở thành bài học quý giá. Và như vậy thì không còn gọi là “thất bại” nữa”.
Khi đã gắn bó với ngành, Trà Vinh luôn say mê tìm hiểu về các vấn đề nhân đạo, vì hòa bình và an ninh, vì phụ nữ và trẻ em cũng như các vấn đề về bạo lực và xâm hại tình dục, các tội phạm liên quan đến tình dục xảy ra trong môi trường xung đột...
Học từ thực tiễn công tác, học thêm từ những khóa học, tập huấn ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài. Đến năm 2016, Trung tá Trà Vinh đã có cơ hội tham gia các khóa đào tạo, tập huấn hoạt động gìn giữ hòa bình do LHQ, cảnh sát một số quốc gia, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Bộ Công an tổ chức.
Sau các khóa đào tạo, tập huấn, Trung tá Trà Vinh đã đáp ứng được các tiêu chuẩn như kỹ thuật lái xe, kỹ thuật bắn súng tốt, đặc biệt các kỹ năng mềm để phục vụ công tác ở môi trường phái bộ như xử lý tình huống, kỹ năng sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột, kỹ năng sử dụng bản đồ, bộ đàm và các thiết bị liên lạc vệ tinh, các kỹ năng sơ cứu thương và nhận biết về bom mìn… Suốt 6 năm nỗ lực rèn luyện, Trà Vinh đã vinh dự là người được chọn trở thành nữ sĩ quan đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đạt yêu cầu tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Và có lẽ, đối với một nữ sĩ quan, ngoài các khóa học nghiệp vụ, Trà Vinh còn phải trải qua một khóa học đặc biệt, khóa học tâm lý sẵn sàng cho hai con đều đang trong tuổi “ẩm ương”. Hành trình dạy con cách sống tự lập từ nhỏ, tự chăm sóc bản thân, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình để khi bố mẹ đi công tác xa nhà thì chính các con có thể tự xoay xở. Sự kiên trì, nhẫn nại, ý chí quyết tâm của Trà Vinh cũng đã thuyết phục được người chồng kỹ sư, từ chỗ lo lắng cho sự an toàn của vợ, chuyển sang ủng hộ, động viên và hết lòng đồng hành cùng vợ viết tiếp những trang sự nghiệp sôi nổi và đầy nhiệt huyết.
“Với chiến sĩ CAND, lời thề danh dự “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến” là cả sự nghiệp, việc được chọn là một trong những sĩ quan đi tiên phong, hơn nữa với những tâm huyết mà tôi đã dành cho hoạt động này khiến chồng tôi dần bị thuyết phục. Sau này, với chính sách hậu phương, sự quan tâm rất chu đáo của Bộ Công an, của Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, chồng và gia đình tôi yên tâm hơn, tự hào về tôi nên càng thêm ủng hộ và khích lệ tôi trong công việc”, Trung tá Lương Thị Trà Vinh chia sẻ.
Với một người phụ nữ, hạnh phúc nào hơn được làm công việc mình yêu thích và được gia đình ủng hộ. Trà Vinh đã có những năm tháng cháy hết mình với công việc và giờ đây, nữ sĩ quan Công an Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng, thể hiện bản lĩnh trước các đồng nghiệp quốc tế khi chỉ trong một thời gian ngắn làm quen với nhiệm vụ mới trong môi trường làm việc đa quốc gia, Trà Vinh đã vượt qua vòng tuyển chọn của Phái bộ, trở thành sĩ quan tham mưu tác chiến, Đội Quản lý Công tác nghiệp vụ, Phòng Công tác địa bàn thủ đô Juba. Đây là vị trí công tác quán xuyến, điều phối các hoạt động nghiệp vụ và tham mưu cấp trên trong triển khai hoạt động tác chiến với các đơn vị quân đội và dân sự. Nhiệm vụ này đòi hỏi sỹ quan phải có khả năng bao quát, khả năng tổng hợp, làm việc một cách khoa học, cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác mới có thể xử lý rất nhiều thông tin từ các địa bàn chuyển về, cần đối chiếu, tổng hợp để xây dựng kế hoạch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bộ phận trong và ngoài đơn vị, trong và ngoài lực lượng.
Trung tá Lương Thị Trà Vinh cho biết, tất cả các vị trí việc làm của Cảnh sát LHQ (UNPOL) đều trải qua thi tuyển theo các tiêu chuẩn được nêu cụ thể, chi tiết trong mô tả công việc. Tùy từng vị trí khác nhau mà tỉ lệ “chọi” cũng khác nhau, có vị trí thu hút vài chục ứng viên đăng ký mỗi đợt trống chỗ. Khi đã trúng tuyển, sĩ quan phải trải qua ít nhất 3 tháng làm việc trước khi muốn thay đổi, ứng tuyển vào vị trí khác và phải còn ít nhất 4 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ.
“Tôi không cho phép mình thất bại mà luôn nỗ lực cố gắng. Một khi đã cố gắng, thì thất bại khi đó trở thành bài học quý giá cho những thành công lớn hơn. Và như vậy thì không còn gọi là “thất bại” nữa”.
(Trung tá Lương Thị Trà Vinh)
Và sự nhập vai đầy biến hóa
Cũng như các đồng nghiệp nam, Trà Vinh cũng đã trải qua nhiệm vụ đầu tiên tại Đội Tuần tra. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện để nắm tình hình chung về địa bàn, đồng thời là cơ hội cho các sĩ quan tiếp xúc, trao đổi, thăm hỏi người dân địa phương và tìm hiểu văn hóa bản địa, phong tục tập quán. Hoạt động tuần tra cũng nhằm xây dựng hình ảnh đẹp và hoạt động ý nghĩa của LHQ tại Nam Sudan. Tham gia nhiệm vụ tuần tra đòi hỏi các sĩ quan phải thông thạo nhiều kỹ năng như: lái xe trên mọi địa hình, điều kiện thời tiết, thời gian và tình trạng giao thông; kỹ năng quan sát, xử lý tình huống; đặc biệt là khả năng vận động quần chúng, tiếp cận và thu thập thông tin.
Trà Vinh đã vượt qua nhiệm vụ khá phức tạp đối với nữ giới này, nhất là những chuyến tuần tra dài ngày, mọi sinh hoạt đều phải “ăn lều và ngủ trại”. Khí hậu khô nóng khắc nghiệt hoàn toàn khác biệt với nóng ẩm của Việt Nam: ngày nắng thì gay gắt, chói chang đến “váng đầu hoa mắt”; ngày mưa thì “thối đất, thối cát” và rất dễ bị ngập lụt. Nhờ những năm tháng học tập, công tác trong môi trường Công an, Trà Vinh và các đồng nghiệp Việt Nam đều đã được rèn luyện, dày dạn kỹ năng sống nên đã nhanh chóng thích nghi.
Dù công việc Cảnh sát LHQ tại Phái bộ làm việc không kể giờ giấc, máy bộ đàm cá nhân luôn phải đặt chế độ mở, sẵn sàng phản ứng trong mọi tình huống khẩn cấp nhưng với sự sắp xếp công việc khoa học, Trà Vinh vẫn có những khoảng thời gian ngoài giờ làm việc để làm những công việc mình thích như chạy bộ, làm vườn và nấu ăn.
Trang Facebook cá nhân của Trà Vinh luôn tràn ngập những dòng trạng thái tươi vui. Dù có mướt mải mồ hôi sau trận diễn tập tình huống giả định, Trà Vinh vẫn chia sẻ những dòng trạng thái đầy lạc quan: “Trận chiến nào thì chiến, cứ mãi “trận giả” là vui từ ấu thơ đến khi đầu bạc. Mong nơi đây và cả thế giới chỉ có hòa bình ngự trị, để trận mạc chỉ là trò chơi của trẻ con, chỉ là diễn tập của lực lượng GGHB LHQ”.
Hình ảnh nữ sĩ quan Công an Việt Nam trong bộ áo dài truyền thống nấu xôi gấc và trang trí thành hình lá cờ Tổ quốc giới thiệu văn hóa Việt Nam đã làm nức lòng các đồng nghiệp quốc tế. Trà Vinh đã luôn thể hiện sự nhiệt huyết trong từng công việc nhỏ nhất. Những nguyên liệu được cô cẩn thận gói ghém, chắt chiu từ quê nhà sang đã thực sự sống động, như có một Việt Nam tươi đẹp, xua tan những bộn bề, vất vả của vùng đất chiến sự.
Nữ sĩ quan Công an Việt Nam cũng biến những thử thách trong công việc thành những điều lạc quan tích cực nhất. Ngay từ những ngày đầu sang Phái bộ, cô đã luyện chạy bộ mỗi sáng theo các cung đường trong khu căn cứ để “vẽ bản đồ” cả 2 căn cứ LHQ tại Juba là căn cứ UN House và căn cứ Tomping. “Tôi có kế hoạch sẽ tham gia một giải chạy ở Hà Nội sau khi kết thúc chuyến công tác nên tôi cần chăm chỉ luyện tập” cũng là cách Trà Vinh tìm cho mình động lực và rèn luyện sự dẻo dai để thực hiện nhiệm vụ trong những ngày đầu bỡ ngỡ.
“Một khu vườn Việt Nam” nảy mầm từ những hạt giống mà Trà Vinh mang theo từ Việt Nam, nó nằm ngay sát căn phòng cô ở. Màu xanh của những giống rau của Việt Nam nhanh chóng thu hút sự chú ý của sĩ quan các nước và người dân địa phương.
Nhiều đồng nghiệp đã ghé tai Trà Vinh bảo: “Khi đi làm thì rõ Vinh là Cảnh sát rồi. Buổi sáng thì là vận động viên chạy bộ, buổi chiều thì làm nông dân; nhưng thi thoảng lại biến thành đầu bếp. Những khi có sự kiện, Vinh mặc áo dài rất dịu dàng xinh đẹp, nhất là khi đội trên đầu chiếc nón quê hương”. Một sự biến hóa đầy màu sắc, một nữ sĩ quan đa tài, một cô gái Việt Nam tinh tế trong từng việc làm, cho dù là nhỏ nhất, thuần chất phụ nữ nhất như việc nấu ăn cũng được Vinh nâng lên thành nghệ thuật. Những món ăn truyền thống Việt Nam tự tay Vinh làm như: nem rán, phở gà, bún bò chuẩn vị đã chiếm được cảm tình của các đồng nghiệp LHQ. Trà Vinh trở thành sứ giả của văn hóa Việt Nam, vì thế, Cảnh sát LHQ tại Phái bộ đã dành cho các sĩ quan Công an Việt Nam nhiều thiện cảm và sẵn sàng hỗ trợ đoàn Việt Nam trong thực thi nhiệm vụ tại Phái bộ.
Những ngày tháng ở Nam Sudan không trôi đi lặng lẽ. Trà Vinh đã thêm vào những mảng màu tươi sáng trong những ngày nắng gắt hay mưa dầm ở vùng đất còn gian khó này. Những người dân địa phương khi cảm nhận được sự chân thành, gần gũi từ một nữ sĩ quan Công an Việt Nam đã vô cùng hào hứng, đã không còn giữ khoảng cách. Mỗi lần gặp Trà Vinh, họ lại tranh thủ hỏi thăm về tình hình hiện tại của Việt Nam, họ bày tỏ sự khâm phục người dân Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và chắc chắn từ những câu chuyện về Việt Nam, Trà Vinh đã khơi dậy trong họ những tia hi vọng về tương lai một Nam Sudan bình yên và phát triển.
Phẩm chất của nữ chiến sĩ GGHB LHQ chính là phẩm chất của người chiến sĩ CAND Việt Nam, với 6 điều Bác Hồ dạy, với 5 lời thề danh dự, luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và Nhân dân cần đến, mà trong xu thế hội nhập, “Nhân dân” ở đây có thể hiểu rộng ra là người dân yêu chuộng hòa bình, cần hòa bình trên toàn thế giới. Là nữ chiến sĩ, đó là tinh thần “bản lĩnh, nhân văn, kỷ cương, trách nhiệm…”. Những phẩm chất đó, những ý nghĩa bao trùm đó có thể xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND Việt Nam ở bất cứ đâu cũng đều đẹp đẽ và đáng trân trọng, kể cả trong môi trường quốc tế.