Lê Văn Hưu (1230 – 1322) là nhà sử học lỗi lạc đời Trần, tác giả của cuốn Đại Việt Sử ký – bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Ông cũng là người đỗ Bảng nhãn trong khoa thi 1247 dưới thời vua Trần Thái Tông.
Sử gia Lê Văn Hưu là người làng Thần Hầu (còn gọi là Kẻ Rị), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Người dân quê hương Kẻ Rị truyền tụng những câu chuyện về thần đồng Lê Văn Hưu có khả năng đối nhanh, đối giỏi.
Có lần thấy Lê Văn Hưu thích cái dùi vở trong lò rèn, người thợ rèn ra vế đối, đối được sẽ cho: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”. Lê Văn Hưu đối ngay: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.
Không chỉ đối mà được dùi vở, cũng chỉ bằng câu đối mà Lê Văn Hưu còn lấy được vợ. Khi đó, thầy đồ có hai cô con gái xinh đẹp, nhất là cô chị khiến Lê Văn Hưu thầm yêu trộm nhớ. Hôm hai cô phơi đậu ở sân, Lê Văn Hưu mải ngắm, quên cả bài.
Thầy đồ ra vế đối, đối được sẽ tha: “Sân trước phơi đậu, sân sau phơi đậu, ngươi muốn đậu ta cho đậu”. Lê Văn Hưu đối luôn: “Cô lớn hái hoa, cô bé hái hoa, ông Thám hoa, tôi thám hoa”. Vế ra và vế đối chan chát, đầy ngụ ý. Nhờ đó, Lê Văn Hưu được thầy gả con gái đầu cho.
Với tài học lừng danh, lại chăm dùi mài kinh sử, Lê Văn Hưu đã đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Đinh Mùi (1247). Đây là khoa thi có tam khôi trẻ nhất trong lịch sử: Trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.
Sau khi thi đỗ, ông giữ nhiều chức vụ như: Kiểm pháp quan (chức quan trông coi việc hình luật), Binh bộ Thượng thư, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu. Ông cũng là thầy học của thượng tướng Trần Quang Khải, một trong những danh tướng của cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông.
Khi làm ở Quốc sử viện giám tu, thực hiện lệnh của vua, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài để biên soạn nên bộ Quốc sử có tên Đại Việt sử ký.
Đại Việt sử ký ghi lại những sự việc quan trọng từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đây được xem là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta. Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272.
Bộ sách hiện nay không còn. Tuy nhiên, những nội dung cơ bản của sách được nhà sử học thời Lê là Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có 29 lời bình sử của Lê Văn Hưu với phần ghi rõ “Lê Văn Hưu nói…”.
Trong 29 lời bình đó, nội dung cơ bản là những bài học trị nước quan trọng gắn với sự thịnh, suy của một quốc gia.
Sau này nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa". (Ảnh: Đền thờ Lê Văn Hưu).
Lê Văn Hưu mất năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi, táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm (thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Hiện nay quần thể lăng mộ và đền thờ Lê Văn Hưu vẫn còn ở đây.
Mời độc giả xem video:Quảng Ninh: Nhanh chóng khắc phục hậu quả ngập lụt, sạt lở do mưa lớn. Nguồn: QTV.
Thu Hà (TH)