Sứ giả Như Lai

Tôi vừa thực hiện một chuyến 'phượt' bằng xe máy, xuyên Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Trên đường đi, tôi đã gặp những 'sứ giả Như Lai'.

Quảng cáo

Các vị ấy, có khi trong hình thức tu sĩ, có vị là Phật tử. Và rồi tôi “ngộ” ra, xung quanh mình cũng có nhiều “sứ giả Như Lai” khác, họ đã bằng cách này cách khác đem Phật vào đời…

Chuyện của một Phật tử cao niên

Phật tử ấy có pháp danh Tịnh Tứ, bà cụ cho biết mình đã 73 tuổi, trông coi quán chay và nước uống mang tên Huy Hoàng, ở xã An Bình (huyện Phú Giáo, Bình Dương).

Khi chúng tôi đến, bà đang làm thức ăn, theo lời bà là “ngon như mẹ nấu”. Và quả thật, cơm ngon, canh ngọt, lại rẻ nữa. Chỉ 15.000 đồng một đĩa với thật nhiều món ăn. Bà bảo “đi đường xa, thanh niên ăn nhiều vô kẻo đói”. Có lẽ bà nhìn thấy chiếc xe máy của chúng tôi lỉnh kỉnh đồ đạc. Rồi còn nói, muốn lắng nghe góp ý của thực khách, là chúng tôi, ngon dở gì nói để bà biết và sửa cho hợp vị.

Quán chay nhỏ và tâm tu của Phật tử Tịnh Tứ

Quán chay nhỏ và tâm tu của Phật tử Tịnh Tứ

Ở tuổi đó, bà vẫn chạy xe đi chợ, “trước khi bước qua tuổi 70, bà còn chạy xe xuống Sài Gòn, thấy bình thường, không xa mấy”, cụ Tịnh Tứ kể.

Vì cần chợp mắt một lát trước khi lên đường, chúng tôi gọi 2 trái dừa, với mong muốn xuống quán cà-phê võng sát đó. Bà nói, cứ xuống nghỉ đi, uống cà-phê mang theo được rồi! Bà quan sát thấy chúng tôi đã có sẵn cà-phê mua mang theo trước đó nên từ chối bán hàng, bằng cách sợ chúng tôi tốn kém thêm.

Thực ra, quán nhỏ này, theo lời bà là của cô con gái bị chồng bỏ, thấy tội nên bà ra phụ con. Đúng là tình mẹ! Riêng bà, có cái cốc chuyên tu ở chỗ khác, cách quán không xa lắm! Bà chia sẻ rằng mỗi ngày thường niệm A Di Đà, tuổi này rồi, ngoài việc làm cho vui, còn cái quan trọng nữa là chuẩn bị hành trang cho con đường giải thoát. Chẳng hạn, bán hàng bằng cái tâm, nấu nướng cho khách cũng như cho mình ăn, đó là một trong những “hành trang” cho đường lành. Ngẫm cách vui đạo và mưu sinh của cụ bà, thấy vui trong dạ. Lắng nghe được một tâm nguyện tu hành, cảm được sự chân tình, nhẹ nhàng phảng phất trong nụ cười ấm áp của cụ bà Tịnh Tứ - cũng là một sự sách tấn cho tôi. Mai mốt mình già, cũng tập xả ly nhẹ nhàng như thế.

Sư cô ẩn tu

Trên hành trình của chuyến “phượt”, tôi đã thực hiện được lời hứa với Sư cô Huệ Quang. Cô Huệ Quang là người tôi có duyên được biết trong thời gian ngắn cô vâng lời bổn sư ra Báo Giác Ngộ phụ việc ở Ban Từ thiện xã hội. Tôi thích phong cách điềm đạm, nhẹ nhàng của cô, cũng như ai gặp cô cũng đều nhận xét “nhìn cô hiền quá chừng”.

Do nhiều nhân duyên, cô chọn thôn 6, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông để dừng chân. Thất nhỏ của cô nằm ở nơi gần giáp với tỉnh Bình Phước và khá dễ tìm - vì từ Quốc lộ 14 (đi từ hướng Sài Gòn lên), tới Đắk Ru rẽ phải vào không xa là tới.

“Cô cứ tưởng cậu không lên tới thất cô luôn đó chứ” - cô nhắc lại lời hứa lên thăm cô 3-4 năm trước của tôi rồi kết luận như vậy. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã tới, như đã hứa, dù chậm.

Giống như sự cẩn trọng, điềm đạm nơi cô, thất nhỏ gọn gàng, sạch sẽ dù chỉ tạm bợ với mái tôn, vách ván, sàn cũng lót đơn sơ, mỗi bước đi nghe ộp oạp. Trong thất, có mười mấy bạn tắc kè đến “thăm” và “tu chung” với cô. Người lạ chưa quen nghe tiếng kêu hay nhìn thấy mấy bạn này chắc... hơi hoang mang, bởi âm thanh phát ra hơi lớn và cả hình thức của các bạn ấy.

Cô kể, từ ngày có thất và cô về ở, Phật tử gần đó tới tụng kinh hàng đêm, nhiều người thay đổi tính tình, trở nên tích cực, bỏ vài thói quen xấu, còn đến hộ thất, giúp đỡ cô. Dù cũng có vài người chưa thay đổi nhưng theo cô - phải tùy duyên nghiệp của họ, cứ để mọi chuyện tự nhiên, mình nghe họ cãi không phiền, chỉ thương!

Trước sân là nơi thờ tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Cô cho biết, việc dựng tượng cũng hơi... khó khó vì đây chưa phải là cơ sở thờ tự trực thuộc Giáo hội. Nhưng có lẽ nhờ cô hiền nên địa phương sau đó hoan hỷ. Đó là tín hiệu vui cho nơi này, vì biểu tượng của sự “lắng nghe”, “cứu khổ” hiện diện, dù ít nhiều cũng giúp cho lòng người bớt lao xao, bớt khổ.

Dù cô mang tâm nguyện “ở ẩn”, để đóng góp năng lượng tích cực của mình qua hành trì, công phu của riêng mình. Nhưng tôi vẫn mong, sau thời gian nữa, cô sẽ tiếp tục kiến tạo thất nhỏ thành nơi tu bình an cho người dân nơi này, dù khiêm tốn, để họ thay đổi tâm tánh thuần thiện hơn như cô kể. Thêm một người biết đạo, hiểu nhân-quả để “làm lành, lánh ác” thì xã hội cũng thêm yên ổn, bớt việc cho những nhà chức trách lo việc an ninh. Tôi tin thế và cầu nguyện...

Cốc nhỏ của nhà sư cao nguyên

Nhà sư đó, giản dị và khiêm cung. Tôi chỉ gọi điện hay có duyên gặp sư chủ yếu vì công việc. Đến thăm tịnh xá Ngọc Đạt (TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông), nơi sư kiến tạo và trụ trì hơn 3 năm nay mới thấy, những việc sư làm thật dễ thương. Từ mảnh đất chỉ có cỏ cây, ngôi tịnh xá đã dần hình thành, được công nhận và trở thành điểm đến của người dân, Phật tử địa phương cũng như nhiều nơi khác.

Cốc nhỏ của Sư Giác Nhường, trụ trì tịnh xá Ngọc Đạt

Cốc nhỏ của Sư Giác Nhường, trụ trì tịnh xá Ngọc Đạt

Bỏ qua hình thức của tịnh xá, việc xây dựng Tăng thân thanh tịnh, hòa hợp của một người làm công tác văn hóa, giảng dạy, tôi được sư dắt đi tham quan nội tự. Tôi cảm mến, xúc động khi tận mắt nhìn thấy những chỗ ngủ đơn sơ trong từng cốc của chư Tăng và cả cốc sư trụ trì. Phòng ốc nhỏ xíu, nói như sư là đủ để nghỉ ngơi, tu tập, tĩnh tâm. Tôi nhìn chiếc giường nhỏ, góc làm việc và những cuốn sách sư đọc mà xúc động. Sự nhẹ nhàng, khiêm hạ, ân cần với đệ tử và người ngoài cùng đời sống vật chất giản dị của sư là một bài pháp, ít nhất với tôi.

Trong việc dạy đệ tử, sư nói: “Thầy không làm gì to tát hết, mình cứ sống chung với chúng, nhắc nhở từ từ, tùy duyên của từng người mà dìu họ đi”.

Việc Phật sự bên ngoài, sư vẫn đảm trách vài chức vụ nhưng “việc chính vẫn là tu tập, chạy theo duyên ngoài rất khó để giữ tâm mình vững chãi”. Do vậy, không ôm đồm là cách sư chọn để phụng sự, sẵn sàng từ chối một vài vị trí nếu thấy mình “quá tải”.

Chuyện ở Quán Không

Tên của cốc cũng là pháp danh của Thượng tọa Quán Không, một vị tu sĩ Nam tông ở Lagi (Bình Thuận). Tôi đến được cốc Quán Không qua sự kết nối của Sư cô Liên Duyên. Cô cho biết, “sư bác” là người rất dễ thương, giỏi nữa. Và khi tiếp xúc, tôi cảm được sự dễ thương của sư. Cũng với cung cách điềm đạm, sư cho biết, được tông môn giao cho quản lý một ngôi chùa ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng sư không nhận. Sư chọn công việc dạy học - môn Vi diệu pháp - để chia sẻ cái hiểu, sự thực tập của mình về Phật pháp với đàn hậu học. Ở tuổi 70, nhà sư rắn rỏi và tỏa ra năng lượng vững chãi, nhất là khi nói về việc học Phật: “Khi hiểu giáo lý rồi, mình sống bình thường giữa cuộc đời. Chỉ khác là mình sống có Phật chất hơn”.

Sư Quán Không chia sẻ về việc học, việc tu - Ảnh: Liên Duyên

Sư Quán Không chia sẻ về việc học, việc tu - Ảnh: Liên Duyên

Chữ Phật chất mà sư dùng chính là sự thấy biết lẽ thật cuộc đời để bớt, rồi hết dính mắc. Bởi, ở đời, nếu không được soi sáng bởi lời Phật dạy, đa số chúng sinh sẽ kẹt tâm, chấp tướng, sở hữu năm món dục thế gian rồi khổ hoài với nó. Nhà sư dặn, “các chú làm gì làm, là Phật tử phải dành thời gian học hỏi, suy nghiệm, quán chiếu lời dạy của Phật để làm chất Phật trong mình sáng tỏ hơn. Không cần làm gì nhiều, đôi khi không cần nói gì, từ cách sống của mình, người ta cảm mến đạo mà đến, rồi họ sẽ ‘thấy Phật, thấy Pháp’”.

*

Phật vào đời qua đệ tử của mình - những sứ giả Như Lai - như lời sư Quán Không là từ lối sống thấm đẫm Phật chất của người học Phật.

Một vị tôn đức lớn nhận việc Giáo hội và làm tròn, nghĩ đó là việc Tăng sai, việc Phật bổ xứ; đến lúc cần nghỉ thì liền nghỉ, không vướng bận điều gì. Một nhà sư nhẹ nhàng trong công việc, trong dạy đệ tử, hay một vị thầy từ chối nhận chùa để sống đơn giản nơi cốc nhỏ. Một sư cô ẩn tu, mang bình an tới xóm nhỏ của mình hay một Phật tử bán thức ăn bằng cái tâm, chuyên tâm niệm Phật. Một doanh nhân Phật tử không bất chấp vì lợi nhuận; một bác sĩ chăm sóc bệnh nhân như “mẹ hiền” - ân cần, chu đáo; một nhân viên làm việc không cắt xén thời gian để nhẹ cho riêng mình; một người con chọn hiếu đạo để tôn thờ… Tất cả mang danh Phật tử, cả trên giấy căn cước lẫn chứng điệp thọ giới, đã âm thầm thuyết pháp không lời. Bài pháp không đao to búa lớn nhưng cứ thế nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đạo pháp trường tồn.

Các vị ấy xưng tán Như Lai qua công việc, lối sống thường ngày. Nghĩ về họ, ta có thể biết ơn sâu sắc và nguyện học theo để sống tương tự…

Bài và ảnh: Lưu Đình Long

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/su-gia-nhu-lai-post56546.html