Sự giống nhau kỳ lạ giữa đại dịch Covid-19 với trận cúm Tây Ban Nha 1918

Hơn 100 năm trước, phản ứng ban đầu đối với đợt bùng phát cúm ở Tây Ban Nha năm 1918 là đánh giá thấp nguy cơ của nó, nhưng sau đó các nỗ lực khử trùng và ổn định xã hội không đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã giết chết hơn 147.000 người ở Tây Ban Nha trong vòng 1 năm.

Tương tự như bệnh cúm nhưng với các triệu chứng nhẹ hơn

Vào ngày 22-5-1918, trang nhất của tờ báo tiếng Tây Ban Nha ABC đã đăng tải về một căn bệnh mới, được mô tả là tương tự như bệnh cúm nhưng với các triệu chứng nhẹ hơn. Cùng tháng đó, Madrid đã tổ chức lễ hội San Isidro hàng năm, cung cấp các điều kiện hoàn hảo cho sự lây lan hàng loạt. Bệnh cúm mới đã được đặt tên một cách nhẹ nhàng là Soldado de Nápoles (Người lính Napoli) theo một bài hát trong một vở nhạc kịch nổi tiếng, nghe có vẻ khá hấp dẫn.

Tại thời điểm Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn tiếp diễn, các quốc gia có liên quan đến cuộc xung đột đã không thông báo về căn bệnh này để giữ tinh thần và không tạo cho kẻ thù một lợi thế. Nhưng Tây Ban Nha, một bên trung lập trong cuộc chiến, đã lên tiếng cảnh báo đầu tiên. Đó là lý do tại sao đại dịch thế kỷ 20, giết chết hơn 50 triệu người trên toàn thế giới, được đặt biệt danh là cúm Tây Ban Nha mặc dù nguồn gốc của nó không phải ở Tây Ban Nha.

Theo tài liệu nghiên cứu của ông Antoni Trilla, Trưởng phòng dịch tễ học tại bệnh viện Clínic của Barcelona hiện tại, đại dịch cúm năm 1918 cho thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc với cuộc khủng hoảng virus Corona ngày nay. Cụ thể, vào năm 1918, một nửa dân số Tây Ban Nha không biết chữ và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao gấp đôi so với các nước nghèo nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đã được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh tương tự như các biện pháp được sử dụng ngày nay. Các trường đại học và trường học đã bị đóng cửa. Các đội khử trùng được triển khai dọc theo các tuyến đường sắt trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Chính quyền địa phương cũng áp đặt các hạn chế. Mặc dù, ngành y tế khi đó kỹ thuật còn thô sơ hơn nhiều nhưng các bác sĩ đổ dồn vào cứu chữa bệnh nhân cúm.

Dịch bệnh kéo dài 3 năm

“Một số vaccine đã được thử nghiệm mà không thành công. Người Tây Ban Nha bắt đầu tự hỏi liệu các bác sĩ và nhà khoa học có bất kỳ manh mối nào về những gì đang diễn ra không”, ông Trilla viết. Không được lý giải về mặt khoa học, nhiều người đã quay sang niềm tin tôn giáo. Tại Zamora, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Đức cha Álvaro Ballano đã nói với con chiên của mình rằng, tà ác đang treo lơ lửng trên đầu là hậu quả của tội lỗi và sự báo thù của công lý vĩnh cửu. Ông này đã tổ chức một thánh lễ tại nhà thờ lớn của tỉnh và có lẽ tạo điều kiện thêm cho virus lây lan. Về mặt này, thời thế đã thay đổi và hiện nay, các giám mục không chỉ tôn trọng lời khuyên từ các cơ quan y tế mà còn khuyên răn các tín hữu hạn chế tiếp xúc, kể cả tham dự đám tang của các thành viên trong gia đình.

Đáng nói, giai đoạn đầu tiên của đại dịch cúm năm 1918 cũng khoảng vào mùa xuân, tương tự như hiện nay nhưng nó không phải là giai đoạn nguy hiểm nhất. Mùa hè năm đó, dịch bệnh đã lắng xuống nhưng tiếp tục bùng phát vào mùa thu. Số người chết chính thức vì bệnh cúm năm 1918 ở Tây Ban Nha, một quốc gia chỉ có hơn 20 triệu dân vào thời điểm đó, thật đáng sợ: 147.114 người năm 1918; 21.245 sinh mạng vào năm 1919 và năm 1920, nó đã giết chết 17.825 người. Dịch bệnh kéo dài 3 năm và nó đặc biệt nhắm đến những người ở độ tuổi 20 hoàn toàn khỏe mạnh.

Chuyên gia dịch tễ học Antoni Trilla cũng cho biết thêm, trong đại dịch cúm hơn 100 năm trước, một số thành phố của Tây Ban Nha cạn kiệt quan tài, họ phải đề nghị quân đội trợ giúp vận chuyển và chôn cất người chết. Điều này tới nay chưa xảy ra ở Tây Ban Nha, nhưng nó đang xảy ra ở Italia, tâm điểm của đại dịch Covid-19.

Theo Theo El Pais

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/su-giong-nhau-ky-la-giua-dai-dich-covid-19-voi-tran-cum-tay-ban-nha-1918-post427846.antd