'Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo năng lực lãnh đạo'
'Ðổi mới phương thức lãnh đạo gắn với nâng cao kỷ cương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra'. Ðồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân về kết quả và những bài học kinh nghiệm bước đầu quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội 2020-2025.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả mà Ðảng bộ thành phố Hà Nội đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng: Hơn hai năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình trạng khó khăn về kinh tế vĩ mô toàn cầu do lạm phát, tăng lãi suất, nhưng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn xác định rõ trọng trách gương mẫu, đi đầu; tiếp tục kiên trì mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Ðảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Ðảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Nhận thức sâu sắc công tác xây dựng Ðảng là then chốt, Ðảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Ngày 31/5/2021, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo", ban hành kế hoạch, quy định về luân phiên chuyển đổi vị trí công tác; bổ sung hoàn thiện quy định, ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá cán bộ; triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử"… Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cả nước thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay sau chỉ đạo của Trung ương. Thành ủy Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 bằng Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Thành phố dành hơn 49.200 tỷ đồng đầu tư ba lĩnh vực y tế, giáo dục và tôn tạo di tích văn hóa lịch sử giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo.
Dù mới ban hành ngày 22/2/2022, nhưng Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy đã đi vào đời sống, đem lại những kết quả cụ thể. Trong hai năm 2021-2022, thành phố đã hoàn thành xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 150 công trình y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám đa khoa); hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố); hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Ðồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Ngày 18/4/2023, Ban chỉ đạo đã họp, đốc thúc triển khai nhanh hai dự án rất quan trọng này nhằm phát huy nguồn lực văn hóa to lớn của Thăng Long-Hà Nội, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho Thủ đô.
Ðồng thời, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục được Ðảng bộ thành phố lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo; đã đạt những kết quả khả quan. Năm 2022, thực hiện mục tiêu kép, ngay khi dịch Covid-19 được khống chế, thành phố đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tạo được sức bật đáng kể. Hà Nội đã hoàn thành toàn bộ 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong mười năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Ðặc biệt, năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước với hơn 303 nghìn tỷ đồng, mặc dù hơn hai năm qua, Hà Nội không cấp mới dự án bất động sản nào ngoài một số điều chỉnh của các dự án đã có trước đây. Nguồn thu của thành phố chủ yếu là từ dịch vụ - khoản thu có tính bền vững, thể hiện thực lực của nền kinh tế. Ba tháng đầu năm 2023, GRDP của thành phố tăng trưởng 5,08% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân chung của cả nước (3,32%). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 138.859 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán (tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2022) và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Vừa nỗ lực giải quyết tốt nhiệm vụ trước mắt, thành phố vừa tổ chức thực hiện những chủ trương, dự án lớn có tính chiến lược, lâu dài vì sự phát triển của Thủ đô và với tinh thần "Hà Nội vì cả nước" như Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, xây dựng Quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030; triển khai cải tạo chung cư cũ…
Vừa nỗ lực giải quyết tốt nhiệm vụ trước mắt, thành phố vừa tổ chức thực hiện những chủ trương, dự án lớn có tính chiến lược, lâu dài vì sự phát triển của Thủ đô và với tinh thần "Hà Nội vì cả nước" như Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, xây dựng Quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030; triển khai cải tạo chung cư cũ…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Phóng viên: Ðồng chí có thể chia sẻ về những bài học kinh nghiệm quan trọng đã giúp Ðảng bộ thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực trong nửa nhiệm kỳ qua?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng: Theo tôi, đó là sự đồng thuận trong Ðảng, trong dân. Thời điểm tôi vừa về làm Bí thư, Hà Nội đang phải căng mình để phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế. Có những giai đoạn căng thẳng, tưởng như vỡ trận khi hệ thống y tế quá tải, số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, kéo theo rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Trong lúc ấy, người dân Thủ đô đã vào cuộc cùng hệ thống chính trị, đồng lòng tham gia, chấp hành tốt các quy định của thành phố, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhau bằng tinh thần tương thân tương ái. Ðây chính là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn giúp Thủ đô vượt qua đại dịch.
Vừa qua tôi cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố đi thực tế tại nhiều địa phương để kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ðến đâu cũng thấy mọi người phấn khởi, thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với việc thực hiện dự án quan trọng này. Nhiều gia đình dù chưa nhận tiền đền bù, nhưng cũng sẵn sàng di chuyển mồ mả hay phần đất đang canh tác để bàn giao cho dự án. Ðây là nhân tố rất quan trọng, qua đây càng đòi hỏi các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng như đã đề ra; nhất là làm thật tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định.
Phóng viên: Hiện nay, thành phố dồn lực thực hiện dự án trọng điểm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Xin đồng chí cho biết tình hình triển khai dự án?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, được Trung ương giao cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng chúng ta quyết tâm làm, vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Ðây còn là công trình cụ thể hóa nội dung và tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhận thức thống nhất, cho nên ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ba địa phương có dự án đi qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và ý chí quyết tâm cao. Nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay, tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc di chuyển mồ mả ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão; lãnh đạo các địa phương cũng cam kết bảo đảm, thậm chí là vượt tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ðến thời điểm này, tôi có thể tự tin khẳng định, Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào dịp 30/6. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, có thể khởi công trên toàn tuyến vào cùng một ngày.
Ðến thời điểm này, tôi có thể tự tin khẳng định, Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch vào dịp 30/6. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, có thể khởi công trên toàn tuyến vào cùng một ngày.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Phóng viên: Ngoài dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, trong năm 2023, thành phố sẽ triển khai các nhiệm vụ quan trọng nào khác, thưa đồng chí?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17. Thành phố phấn đấu hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó cố gắng GRDP tăng 6,5-7%. Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta đồng thời phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Ðó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, thành phố sẽ quy hoạch hai thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Ðông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc-Xuân Mai. Ðây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn khó khăn, "vùng trũng" của Thủ đô. Trong năm 2023, thành phố phấn đấu đưa hai huyện Ðông Anh, Gia Lâm lên quận. Cùng với đó, đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; thực hiện các dự án trọng điểm về thủy lợi, môi trường như dự án tiếp nước và cải tạo khôi phục sông Tích, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất. Trong năm 2022, chúng tôi đã ra văn bản thu hồi 23 dự án; đang hoàn thiện hồ sơ chấm dứt hoạt động với 21 dự án khác và tới đây, thành phố sẽ đốc thúc, quyết liệt hơn với vấn đề này để tránh lãng phí nguồn lực.
Phóng viên: Với khối lượng công việc lớn như vậy, thành phố có những giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng: Mục tiêu đã rõ, nhưng nếu không thực hiện một cách quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm thì khó mà thành công. Tôi yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gắn với kiểm soát quyền lực, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi thực tế vẫn còn nhiều vấn đề của thành phố phải giải quyết, ở nhiều nơi có những dự án bỏ hoang hàng chục năm nay, trong khi thiếu trường học, bãi đỗ xe… Kỷ cương hành chính, dù đã tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Ngay trong các cơ quan của thành phố, có những nội dung triển khai còn nhiều lúng túng, chưa chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm. Năm nay thành phố đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền để cho công việc "chạy" hơn. Muốn vậy, từng cấp ủy, chính quyền, từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm hơn, đừng có hô hào chung chung rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi coi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, hiệu quả công việc, sản phẩm cụ thể là thước đo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ.
Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp thành phố chọn chủ đề là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". Ðể thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tôi đề nghị, các cấp, các ngành và từng cán bộ chủ chốt của thành phố phải vào cuộc bằng tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chủ trương một quyết tâm phải mười, hành động phải hai mươi. Chúng ta phải có niềm say mê với công việc và tình yêu đối với Hà Nội mới có thể vượt qua mọi khó khăn để đạt kết quả tốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2023, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17.