Sự hài lòng của người dân, 'thước đo' xây dựng Nông thôn mới

Cụ thể hóa phương châm: 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra' theo tư tưởng 'lấy dân làm gốc' của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tỉnh ta đã lấy ý kiến hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng Nông thôn mới (NTM) đối với những xã chuẩn NTM. Đây chính là kênh thông tin quan trọng, vừa phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành, vừa giúp các cấp, ngành đánh giá, kiểm chứng kết quả xây dựng NTM.

Đa dạng các mô hình kinh tế, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Quang (Bắc Quang) lên 41 triệu đồng/người/năm.

Đa dạng các mô hình kinh tế, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Quang (Bắc Quang) lên 41 triệu đồng/người/năm.

Năm 2020, BTV Tỉnh ủy đã giao Văn phòng Tỉnh ủy thành lập tổ công tác để chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố triển khai lấy ý kiến hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng NTM đối với những xã đạt chuẩn, giai đoạn 2014 – 2018. Theo đó, việc lấy ý kiến hài lòng của nhân dân được thực hiện tại 344 thôn/33 xã/9 huyện, thành phố với sự tham gia của 34.288 hộ dân. Phiếu lấy ý kiến đánh giá gồm 2 mức hài lòng, chưa hài lòng và lý do chưa hài lòng đối với bộ câu hỏi liên quan đến kết quả xây dựng NTM. Tổng hợp của tổ công tác cho thấy: Người dân 3/33 xã, gồm Quản Bạ (Quản Bạ), Kim Thạch (Vị Xuyên), Xín Mần (Xín Mần) có sự hài lòng về kết quả xây dựng NTM cao, đạt trên 90%. Song, tại nhiều địa phương, nhân dân cũng bày tỏ chưa hài lòng về kết quả xây dựng NTM (từ 10% trở lên) chủ yếu liên quan đến: Công tác quy hoạch, đường bê tông xuống cấp, kênh mương hư hỏng, thiếu công trình cấp nước sạch, lò đốt rác thải mini không đạt chuẩn, gây ô nhiễm môi trường…

Từ thực tế trên, tháng 6.2020, BTV Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo cơ quan hữu quan, các địa phương rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế mà nhân dân phản ánh; tập trung các giải pháp cải thiện chỉ số hài lòng của người dân về xây dựng NTM. Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, UBND các huyện đã quan tâm, chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phụ trách thực hiện từng tiêu chí; phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã khắc phục, hoàn thiện tiêu chí không đạt và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; niêm yết nội dung tổng hợp lấy ý kiến của nhân dân về kết quả xây dựng NTM tại trụ sở xã, thôn…

Để khắc phục ý kiến chưa hài lòng của người dân đối với việc quy hoạch, bố trí các khu sản xuất, khu chế xuất, khu dân cư tập trung trên địa bàn một số xã, như: Phú Linh, Đạo Đức (Vị Xuyên); Vĩnh Phúc, Đồng Yên (Bắc Quang); Vĩ Thượng (Quang Bình); Yên Định (Bắc Mê); Phương Độ (thành phố Hà Giang)... UBND các huyện, thành phố đã bổ sung quy hoạch khu dân cư, bố trí quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị. Cụ thể như, UBND thành phố Hà Giang quy hoạch vùng trồng cây dược liệu (Thảo quả), chè Shan tuyết quy mô trên 530 ha tại 3 thôn vùng cao Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài của xã Phương Độ. Xã Đạo Đức (Vị Xuyên) điều chỉnh cục bộ quy hoạch NTM để di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ra xa khu dân cư, bố trí lại khu dân cư tập trung tại trung tâm xã…

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, lồng ghép bố trí nguồn vốn, các địa phương tập trung tu sửa, nâng cấp một số tuyến đường đã xuống cấp nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân: UBND huyện Bắc Mê bố trí đầu tư số tiền gần 4,8 tỷ đồng để xã Minh Ngọc thực hiện 4 công trình đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 5,7 km; nâng tổng số đường liên thôn được cứng hóa là 18,71/23 km. UBND xã Xuân Giang (Quang Bình) vận động nhân dân xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 140 m đường ngõ xóm tại thôn Quyền và làm mới 128 m đường trục chính nội đồng tại thôn Trung với tổng kinh phí quy thành tiền gần 314 triệu đồng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, do điều kiện khó khăn chung của tỉnh nên nguồn vốn đầu tư cho các xã đạt chuẩn NTM chỉ ở mức sàn. Do đó, khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí sau đạt chuẩn NTM, nhất là tiêu chí về kết cấu hạ tầng (phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí của nhà nước cấp hàng năm). Qua quá trình sử dụng từ khi đạt chuẩn đến nay, các công trình như đường giao thông, thủy lợi, trường học… đã xuống cấp, hư hỏng trong khi kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hơn nữa, công tác thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM còn có trường hợp “châm chước”, chưa thực sự đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu chất lượng của tiêu chí theo quy định (tiêu chí non), thậm chí còn để nợ tiêu chí (tuy có yêu cầu phải hoàn thành các tiêu chí sau thẩm định, công nhận)… Song, thông qua việc lấy ý kiến hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng NTM; bằng những việc làm cụ thể của cấp ủy, chính quyền các xã, nhiều hạn chế đã, đang được khắc phục. Tính đến hết năm 2020, có 9/11 xã đã khắc phục hạn chế, đạt 19/19 tiêu chí NTM, điển hình như: 4/4 xã của huyện Bắc Quang (Vĩnh Phúc, Quang Minh, Đồng Yên, Việt Vinh), 2/2 xã của huyện Xín Mần (Khuôn Lùng, Xín Mần). 32/33 xã có thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm trở lên; riêng xã Mậu Duệ (Yên Minh) mới đạt 28,45 triệu đồng/người/năm.

Nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua sự tham gia của người dân trong nỗ lực chung xây dựng NTM, tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi và dân quản lý”. Trong đó, chú trọng giải pháp thúc đẩy các nhóm nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, như: Vai trò của chính quyền; sự am hiểu, tiếp cận của người dân cũng như vai trò kiểm tra, đánh giá của người dân.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202105/su-hai-long-cua-nguoi-dan-thuoc-do-xay-dung-nong-thon-moi-775754/