Sự hiện diện Ấn - Nga tạo hiệu ứng ở Đông Nam Á
Ấn Độ và Nga đều đang do dự trong việc mở rộng ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai bên để cùng phát triển tại khu vực này có thể mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Theo nhận định từ trang The Diplomat, khi Trung Quốc gia tăng thanh thế khiến nhiều nước láng giềng tại Đông Nam Á lo ngại, việc tăng cường quan hệ với các quốc gia ngoài khu vực được coi là yếu tố then chốt đối với các nước nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi cuộc cạnh tranh quyền lực Trung – Mỹ vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt, các nước Đông Nam Á cũng cảnh giác với việc coi Washington là đối trọng duy nhất với Bắc Kinh trong khu vực. Chính vì vậy, sự chú ý của các quốc gia này đã chuyển sang vai trò tiềm năng của Nga và Ấn Độ.
Cân nhắc thế lực ảnh hưởng truyền thống
Sự hiện diện của hai nước này lâu nay đã được đông đảo các nước Đông Nam Á đón nhận và hoan nghênh. Trên thực tế, có nhiều nước vẫn luôn mong muốn New Delhi và Moscow tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Tuy nhiên, tùy thuộc vào những giới hạn nhất định đối với chính sách Đông Nam Á của hai nước này, việc điều chỉnh chiến lược của họ có thể theo hướng tiếp cận tập thể hơn với khu vực.
Gần đây, đã có một loạt diễn biến đáng chú ý về sự kết nối của hai nước này trong khu vực Đông Nam Á. Trong cuộc Tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nga lần thứ 10 vào tháng 9 năm nay, Nga và ASEAN đã bày tỏ mong muốn chung là tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Hai bên cũng nhất trí thông qua Chương trình hợp tác đầu tư và thương mại ASEAN-Nga sửa đổi cho giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ tư vào ngày 28/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gặp các nhà lãnh đạo ASEAN và hướng tới Kế hoạch hành động toàn diện nhằm tăng cường hợp tác về nhiều lĩnh vực. Chuỗi sự kiện gặp gỡ cấp cao này cho thấy Nga cũng có mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của mình với các nước Đông Nam Á.
Mặt khác, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh các cam kết trong khu vực. Trong khi trước đây, nhiều cam kết của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á thường thiếu động lực, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, thì đến nay, lĩnh vực này đã chứng tỏ là một nền tảng quan trọng để Ấn Độ chủ động thể hiện thiện chí và thu hẹp khoảng cách với các nước Đông Nam Á. Có thể thấy điều này thông qua việc ký kết một số thỏa thuận quan trọng và tăng cường tương tác cấp cao giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á. Hơn nữa, vào tháng 8 vừa qua, tàu chiến Ấn Độ đã tham gia các cuộc tập trận hàng hải lớn với hải quân Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Bên cạnh đó, trong cuộc họp trực tuyến Ấn Độ-ASEAN gần đây, đã có sự đồng thuận về việc tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới trong an ninh mạng, biến đổi khí hậu, kinh tế và y tế.
Còn nhiều không gian cho Ấn Độ và Nga
Mặc dù cả Ấn Độ và Nga đều đang có những bước đi hiệu quả để sự hiện diện của họ được cảm nhận một cách rõ ràng tại Đông Nam Á, vẫn còn nhiều điều có thể làm để mở rộng quan hệ đối tác của Ấn Độ và Nga với các nước khu vực. Ngoại giao quốc phòng của Nga ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung vào mua bán vũ khí và hợp tác năng lượng (đặc biệt là với Việt Nam). Các mức độ tương tác khác vẫn ở mức thấp. Các chuyến thăm cảng của Hải quân Nga tới Đông Nam Á, cùng với các cuộc tập trận chung với khu vực này có số lượng không nhiều và quy mô nhỏ. Hơn nữa, cả Ấn Độ và Nga vẫn luôn có sự cảnh giác đối với việc kết nối riêng lẻ với các nước tại Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, việc hai nước lớn này hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cụ thể của khu vực có thể dẫn đến kết quả tốt hơn.
Vì Nga đã nắm giữ vai trò là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu ở Đông Nam Á với tổng doanh số 6,6 tỷ USD từ năm 2010-2017, nên vai trò của Ấn Độ trong việc vận hành và bảo trì các thiết bị quân sự của Nga có thể được thúc đẩy bằng cách mở rộng các dịch vụ huấn luyện và bảo dưỡng trong khu vực.
Hơn nữa, khi cả hai quốc gia đang xem xét nâng cao mức độ hợp tác sản xuất quốc phòng chung, động thái này có thể thúc đẩy doanh số bán hàng chung của họ trong bối cảnh cạnh tranh đang nổi lên trong khu vực. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc sản xuất số lượng lớn vaccine Sputnik của Nga ở Ấn Độ cũng có thể làm tăng thêm giá trị cho mối quan hệ đối tác giữa họ và các nước Đông Nam Á. Hơn nữa, hành lang Hàng hải Chennai-Vladivostok cũng giúp bổ sung thêm một khía cạnh quan trọng cho các vấn đề hợp tác với Đông Nam Á, và báo hiệu cách cả hai quốc gia này có nhiều điểm hội tụ trong việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong khu vực.
Xét về phía hai nước lớn này, mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa họ cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho chính hai nước này. Trong khi các cam kết chiến lược của Nga ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung ở Việt Nam, Myanmar và Lào, phạm vi tiếp cận rộng hơn của Ấn Độ có thể bổ sung cho phạm vi quan hệ đối tác của hai bên. Ngoài ra, sự hiện diện liên tục của Nga trong khu vực cũng sẽ mang lại cho Ấn Độ nhiều tín hiệu thân thiện hơn trong khu vực.
Hơn nữa, trong khi Nga còn lưỡng lự về việc tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực Trung-Mỹ leo thang, thì một cam kết tập thể giữa Nga và Ấn Độ dường như sẽ ít gây tranh cãi hơn, và điều này sẽ cho phép họ tập trung nhiều hơn vào các cấp độ can dự khác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế và quốc phòng, bên ngoài yếu tố cạnh tranh siêu cường.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/su-hien-dien-an-nga-tao-hieu-ung-o-dong-nam-a-20211123114129988.htm