'Sự im lặng của bầy cừu': Người ngoài cuộc của vụ bạo lực học đường có vô can?

Trong khi người ta thường chỉ chú ý nhiều đến kẻ bắt nạt và nạn nhân, vai trò của những người ngoài cuộc trong các vụ bạo lực học đường thường bị bỏ qua.

"Sự im lặng của bầy cừu" là là cụm từ thường được sử dụng như một phép ẩn dụ để mô tả tình huống các cá nhân đồng loạt giữ im lặng trước sự bất công hoặc hành vi gây tổn hại cho người khác.

Xét trong bối cảnh các vụ bắt nạt học đường, câu hỏi về trách nhiệm của những người ngoài cuộc cũng được đặt ra.

Những người ngoài cuộc có mặt ở hầu hết vụ bắt nạt nhưng gần như không can thiệp để ngăn chặn nó. Ảnh minh họa.

Những người ngoài cuộc có mặt ở hầu hết vụ bắt nạt nhưng gần như không can thiệp để ngăn chặn nó. Ảnh minh họa.

Những người chứng kiến

Theo 2 nhà nghiên cứu Hong JS và Espelage DL trong bài báo "Một đánh giá phân tích hệ sinh thái về nạn bắt nạt và ngược đãi bạn bè ở trường học", bắt nạt học đường được coi là một hiện tượng mang tính nhóm.

Theo đó, ngoài những kẻ bắt nạt và nạn nhân, còn có sự tham gia của một số lượng lớn những người ngoài cuộc chứng kiến hành vi bắt nạt (gọi là "bystander).

Người ngoài cuộc (bystander) là những cá nhân chứng kiến hành vi bắt nạt nhưng không trực tiếp tham gia vào hành vi đó. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), trong các tình huống bắt nạt, những người ngoài cuộc có thể đảm nhận 4 vai trò: (1) trợ giúp, tham gia cùng những kẻ bắt nạt (2) ủng hộ và khuyến khích những kẻ bắt nạt (3) đứng ngoài thụ động quan sát và (4) bảo vệ nạn nhân. Trong đó, trường hợp thứ 3 là phổ biến nhất.

Nghiên cứu "Những quan sát tự nhiên về sự can thiệp của bạn bè trong bắt nạt" của nhóm tác giả Hawkins DL, Pepler DJ, Craig WM đều chỉ ra những người ngoài cuộc đã có mặt ở hơn 83% và 90% số vụ bắt nạt nhưng họ hầu như không can thiệp để ngăn chặn nó.

Một số nguyên nhân lý giải cho xu hướng này bao gồm nỗi sợ bị trả thù và trở thành nạn nhân tiếp theo, không phải là bạn của người bị bắt nạt, sự vô cảm, hờ hững hoặc đơn giản không biết làm gì.

Nền tảng bắt nạt cũng trở nên đa dạng hơn, với sự lên ngôi của bắt nạt trên mạng (cyberbullying). Những đứa trẻ từng bị bắt nạt trên mạng cho biết mức độ trầm cảm và ý nghĩ tự tử cao hơn, cũng như đau khổ về cảm xúc, thù địch và phạm pháp nhiều hơn so với những đứa trẻ bình thường, theo HHS.

Khi những người ngoài cuộc không can thiệp và im lặng, điều đó cũng gửi một thông điệp tới kẻ bắt nạt rằng hành vi của họ có thể chấp nhận được và nạn nhân sẽ càng cảm thấy đơn độc và bất lực. Khi đó, kẻ bắt nạt được thế lấn tới trong khi nạn nhân vô vọng và nghĩ quẩn.

'Chìa khóa' giải bài toán bạo lực học đường

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng người ngoài cuộc đều đóng một phần vai trò gián tiếp trong các vụ bắt nạt. Họ hoàn toàn có thể thực hiện các hành động tích cực để ngăn chặn hành vi bắt nạt và giải quyết vấn đề đó trong khi nó đang xảy ra hoặc sau khi nó xảy ra.

Người ngoài cuộc đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường.

Người ngoài cuộc đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường.

Tổ chức Liên minh chống bắt nạt Anh khẳng định, các biện pháp can thiệp chủ động và phòng ngừa được thực hiện ở cấp độ cá nhân, lớp học, trường học và cộng đồng có khả năng làm giảm bắt nạt, bên cạnh các chiến lược phản ứng để đối phó khi chúng xảy ra.

Sự can thiệp của người ngoài cuộc có thể ở nhiều hình thức và điều quan trọng là những người này phải chọn cách tiếp cận mà họ cảm thấy an toàn và thoải mái.

Can thiệp trực tiếp: Đối mặt trực tiếp với kẻ bắt nạt và yêu cầu họ dừng hành vi của mình, bao gồm can thiệp về vật lý để ngăn chặn hoặc bằng lời nói.

Can thiệp gián tiếp: Báo cáo hành vi cho người lớn có trách nhiệm, chẳng hạn như bảo vệ, giáo viên, hoặc ban giám hiệu. Cách tiếp cận này đặc biệt hiệu quả khi người ngoài cuộc không chắc chắn về cách can thiệp trực tiếp hoặc khi hành vi bắt nạt đặc biệt nghiêm trọng.

Đánh lạc hướng kẻ bắt nạt:Thay đổi chủ đề hoặc chuyển hướng sự chú ý của kẻ bắt nạt, tuy nhiên, phụ thuộc vào tình huống cụ thể. Ví dụ, người ngoài cuộc có thể đánh lạc hướng bằng cách bắt đầu cuộc trò chuyện về một chủ đề mà người bắt nạt quan tâm hoặc bằng cách pha trò tạo sự không tập trung.

Cung cấp sự hỗ trợ và an ủi cho nạn nhân: Những người ngoài cuộc có thể đề nghị đi cùng nạn nhân đến lớp học tiếp theo, ngồi ăn trưa với họ hoặc đề nghị nói chuyện nếu họ cần. Cách tiếp cận này đặc biệt hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động tâm lý của việc bắt nạt và giúp nạn nhân cảm thấy bớt bị cô lập.

Đối với các trường học và cộng đồng, thúc đẩy sự can thiệp của người ngoài cuộc là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược ngăn chặn bắt nạt học đường và thúc đẩy một môi trường an toàn, hỗ trợ cho tất cả học sinh.

Bằng cách trao quyền cho những người ngoài cuộc can thiệp vào các trường hợp bắt nạt, chúng ta có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một nền văn hóa tôn trọng và tử tế trong các trường học và cộng đồng.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-im-lang-cua-bay-cuu-nguoi-ngoai-cuoc-trong-bao-luc-hoc-duong-co-vo-can-2136033.html