Sự khác biệt giữa lo lắng và stress

Về mặt sinh học, lo lắng và stress đều mô tả những cách thức mà não bộ, cơ thể, và tâm trí sẽ phản ứng khi cảm nhận được một mối đe dọa.

Sự khác biệt giữa lo lắng và stress

Lo lắng và stress (căng thẳng) có sự tương đồng và liên kết rất chặt chẽ. Thường thì bạn có thể sử dụng hai từ này thay thế cho nhau, nhưng khi bạn nhận định kỹ hơn, chúng không hoàn toàn giống nhau.

Về mặt sinh học, lo lắng và stress đều mô tả những cách thức mà não bộ, cơ thể, và tâm trí sẽ phản ứng khi cảm nhận được một mối đe dọa. Như bạn đã biết, khi não bộ phát hiện ra mối nguy, nó sẽ kích hoạt một phản ứng tức thì để chúng ta sẵn sàng cho bất kỳ hành động nào có thể là cần thiết. Phản ứng đó bao gồm các khía cạnh kể cả thể chất hay tinh thần.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Medium.

Ảnh minh họa. Nguồn: Medium.

Bạn có thể nghĩ về “stress” như những phản ứng thể chất và “lo lắng” là những phản ứng tinh thần.

Những phản ứng thể chất thường xuất hiện trước và ngay lập tức - nhịp tim và hơi thở tăng, cơ bắp co cứng. Những phản ứng tinh thần sẽ xuất hiện ngay sau đó - lo lắng, suy nghĩ, phân tích, cảm nhận. Hãy thử tưởng tượng bạn nhìn thấy một người tiến đến gần bạn: tim bạn đập nhanh hơn và các cơ bắp bạn trở nên căng cứng, sau đó bạn mới bắt đầu suy nghĩ “Điều gì đang xảy ra? Điều này có phải là một sự nguy hiểm cho tôi không? Tôi nên bỏ chạy hay nên hét lên?” Phản ứng thể chất sẽ xuất hiện trước.

Đôi khi phản ứng tinh thần có thể xuất hiện trước. Cho ví dụ như khi bạn đột nhiên nghĩ đến một bài kiểm tra hay một buổi biểu diễn sắp tới: suy nghĩ lo âu về những chuyện đó sẽ kích hoạt các phản ứng thể chất như đổ mồ hôi, thở gấp, và tim đập nhanh.

Trong khi bạn cảm thấy lo lắng, những lo ngại đó của bạn cũng kích hoạt thêm nhiều phản ứng căng thẳng. Như vậy, stress và lo lắng trở nên liên kết với nhau theo một vòng tròn mà cái này sẽ kích thích cái kia. Chúng trở nên khó phân biệt - ta có thể mô tả chúng theo cách khác nhau nhưng cả hai đều là một phần của cùng một loạt trải nghiệm.

Một số người có thể trải nghiệm hoặc nhận ra các triệu chứng thể chất nhiều hơn và tự mô tả bản thân mình là “bị stress”, trong khi những người khác có thể cảm nhận những triệu chứng tinh thần nhiều hơn và mô tả bản thân mình bằng từ “lo âu” hay “lo lắng”. Tuy nhiên trên thực tế, cả hai nhóm người đều trải qua các triệu chứng thể chất và tinh thần - dù họ chỉ nhận biết và bị ảnh hưởng bởi một số triệu chứng này hơn là những triệu chứng khác. Điều này cũng là bình thường và hữu ích, bởi vì việc nhận thức được điều gì đang xảy ra trong cơ thể và trong tâm trí chúng ta giúp ta bắt đầu kiểm soát chúng cách hiệu quả.

Giờ đây bạn có thể thấy rằng có một sự khác biệt giữa stress và lo lắng nhưng chúng thực sự rất gắn kết với nhau. Chúng đều bắt nguồn từ bộ não; chúng đều là những phản ứng tự nhiên với các mối đe dọa; và cả hai đều hữu ích vì chúng nâng cao mức độ đề phòng của bạn dé bạn có thể xử lý bất kỳ tình huống nào. Mặc dù là tự nhiên và có ích, stress và lo lắng có thể là vấn đề nếu chúng trở nên quá nhiều, hoặc chúng ta không thực hiện một số hành động cụ thể để kiểm soát chúng.

Nicola Morgan/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-khac-biet-giua-lo-lang-va-stress-post1522459.html