Sự khác biệt ý thức hệ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa
Trong thập kỷ qua, lập trường về chính sách đối ngoại và vai trò của Mỹ trên trường quốc tế đã tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, phản ánh sự chuyển đổi sâu sắc trong nội bộ của những người bảo thủ.
Một thập kỷ thay đổi
Khi đảng Dân chủ tập trung tại Chicago vào tuần này để tham gia Đại hội đảng toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần (từ 19 - 22.8), tâm trạng lạc quan của đảng này đã tăng lên đáng kể so với chỉ một tháng trước.
Vào thời điểm đó, ứng cử viên tổng thống của đảng, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang tụt hạng trong các cuộc thăm dò sau màn tranh luận bị đánh giá kém cỏi và phải đối mặt với viễn cảnh thất bại. Giờ đây, với ứng cử viên mới là Phó Tổng thống Kamala Harris, đảng Dân chủ đang tận hưởng làn sóng hưng phấn khi qua các cuộc thăm dò, điểm số đã được cải thiện và cảm thấy gần như chạm đến chiến thắng.
Mặc dù quyết định rút lui và ủng hộ bà Harris của Tổng thống Biden đã thay đổi cơ bản cuộc đua bầu cử, song vẫn còn nhiều điều không thay đổi. Đây vẫn là cuộc bầu cử sít sao, nơi mà vài nghìn phiếu bầu ở một số bang chiến trường có thể sẽ quyết định kết quả và bản thân đất nước vẫn bị chia rẽ và phân cực sâu sắc.
Chia rẽ này không chỉ liên quan đến sự ủng hộ của cử tri đối với các đảng ưa thích và ứng cử viên của họ, mà còn liên quan đến các vấn đề quan trọng như chính sách đối ngoại và an ninh. Trong đó, chính sách đối ngoại, theo truyền thống là lĩnh vực có sự đồng thuận của lưỡng đảng, hiện trở thành điểm nóng tranh cãi.
Thay đổi mới đặc biệt rõ nét trong số các cử tri đảng Cộng hòa. Trước đây, những người ủng hộ đảng Cộng hòa thời cựu Tổng thống Reagan luôn đề cao các liên minh mạnh mẽ, thị trường tự do và sự thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài. Tuy nhiên, giờ đây quan điểm đó đang dần trở nên hiếm hoi. Cuộc khảo sát thường niên mới nhất, do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện vào cuối tháng 6, cho thấy sự khác biệt lớn trong cách những cử tri Cộng hòa và Dân chủ nhìn nhận thế giới và vai trò của Mỹ trong đó.
Một trong những chỉ số rõ ràng nhất về sự phân chia nói trên là phản ứng đối với việc liệu Mỹ có nên tích cực tham gia vào các vấn đề thế giới hay nên đứng ngoài. Trong khi 68% cử tri Dân chủ tin vào vai trò tích cực của Mỹ trên trường quốc tế, chỉ có 54% người Cộng hòa chia sẻ quan điểm này. Mặc dù có sự cải thiện nhẹ so với năm trước, nhưng tỷ lệ trên vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều thập kỷ trước. Thực tế, ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với vai trò của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu đã giảm mạnh, hiện đang ở mức thấp thứ hai trong vòng 50 năm qua.
Sự rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu này cũng thể hiện rõ trong lập trường của Đảng Cộng hòa về trách nhiệm quốc tế. Chỉ có 13% đảng viên phái “con voi” tin rằng, với tư cách là quốc gia mạnh và giàu có nhất thế giới, Mỹ có trách nhiệm lãnh đạo các vấn đề thế giới, trong khi 57% cho rằng “cần giảm tham gia vào các vấn đề toàn cầu”, thay vào đó tập trung vào các vấn đề nội bộ do nguồn lực hạn chế. Ngược lại, phần lớn đảng viên Dân chủ (65%) ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế trong khi vẫn giải quyết các thách thức trong nước.
Ưu tiên khác biệt
Sự khác biệt về quan điểm giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cũng thể hiện rõ rệt trong các ưu tiên chính sách cụ thể. Chẳng hạn, chỉ có 20% đảng viên Cộng hòa cho rằng việc bảo vệ các quốc gia yếu hơn khỏi sự xâm lược hoặc thúc đẩy nhân quyền ở nước ngoài là rất quan trọng. Tương tự, chỉ có 1 trên 7 người cho rằng chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng yếu. Ngược lại, 44% đảng viên Dân chủ ưu tiên bảo vệ các quốc gia yếu hơn, 47% nhấn mạnh đến nhân quyền, 57% ủng hộ việc củng cố vai trò của Liên Hợp Quốc và 74% coi chống biến đổi khí hậu là mục tiêu chính sách đối ngoại mấu chốt.
Sự khác biệt này cũng dễ dàng nhận thấy ở các trụ cột truyền thống của chính sách đối ngoại Mỹ, chẳng hạn như các liên minh quốc tế. 4 trong 10 cử tri Cộng hòa cho rằng các liên minh chủ yếu có lợi cho các quốc gia “đồng minh” với lý do cho rằng các quốc gia này không đóng góp công bằng và Mỹ đã phải "gánh vác" quá nhiều; trong khi 3/4 cử tri Dân chủ tin tưởng các liên minh có lợi cho cả hai bên hoặc mang lại lợi ích nhiều nhất cho đất nước cờ hoa. Sự hoài nghi này đối với các liên minh đánh dấu thay đổi đáng kể so với lập trường trước đây của đảng Cộng hòa.
Hơn nữa, ủng hộ của đảng Cộng hòa đối với thương mại tự do cũng giảm đi. 55% cử tri “con voi” hiện ủng hộ việc giảm thương mại và tìm kiếm “sự tự cung, tự cấp lớn hơn trong mọi lĩnh vực”. Chỉ có 20% số người được hỏi ủng hộ thương mại tự do toàn cầu và 21% mong muốn thiết lập khối thương mại với các đối tác. Trong khi đó, 2/3 người Dân chủ có quan điểm ngược lại.
Những quan điểm “một trời, một vực” về vai trò toàn cầu và mức độ tham gia của Mỹ vào phần còn lại của thế giới tất nhiên dẫn đến khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận của nước này đối với các cuộc xung đột toàn cầu, chẳng hạn như ở Ukraine và Israel. Phần lớn người Cộng hòa (51%) phản đối viện trợ kinh tế và quân sự thêm cho Ukraine, trong khi hơn 80% người Dân chủ ủng hộ duy trì hoặc tăng mức viện trợ. Ở Trung Đông, đảng Cộng hòa ủng hộ nhiều hơn các hành động quân sự của Israel, với 53% người được hỏi biện minh cho hành động này, so với 51% người của đảng Dân chủ tin rằng Israel đã đi quá xa.
Khoảng cách ngày càng rộng giữa hai đảng về chính sách đối ngoại phản ánh sự thay đổi lớn hơn về mặt tư tưởng trong đảng Cộng hòa. Việc đảng Cộng hòa chuyển hướng khỏi chủ nghĩa quốc tế thời cựu Tổng thống Reagan sang lập trường biệt lập hơn đã thể hiện rõ ràng ở cấp cao nhất, khi những chính trị gia như cựu Tổng thống Donald Trump và người liên danh tranh cử JD Vance đều lặp lại quan điểm về chủ nghĩa dân tộc từ những người tiền nhiệm của họ từ gần một thế kỷ trước.
Tất cả những thay đổi đó, biểu hiện của khác biệt sâu sắc giữa hai đảng chính trị lớn nhất, báo hiệu một cuộc tranh luận gay gắt và kéo dài về định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ, sẽ không chỉ dừng lại ở tháng 11, mà còn tiếp diễn trong tương lai.