Sự khác nhau giữa nợ khó đòi và nợ không có khả năng thu hồi?

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án sai phạm trong quá trình CP hóa Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1). Điều đáng chú ý trong phiên xét xử, trong phần xét hỏi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Phạm Dũng và Tổng GĐ Cấn Hồng Lai đều cho biết, họ không phân biệt được hai khái niệm 'nợ khó đòi' và 'nợ không thể thu hồi'.

Hai cựu lãnh đạo của Cienco 1 cho rằng hai khái niệm “nợ khó đòi” và “nợ không thể thu hồi” không khác nhau.

Hai cựu lãnh đạo của Cienco 1 cho rằng hai khái niệm “nợ khó đòi” và “nợ không thể thu hồi” không khác nhau.

Theo công bố cáo trạng, Cienco1 thành lập từ năm 1995, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ GTVT đại diện làm chủ sở hữu. Năm 2013, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt danh sách DN thuộc bộ thực hiện CP hóa, trong đó có Cienco 1. Ban Chỉ đạo CP hóa DN này do ông Phạm Dũng làm Trưởng ban, ông Lai làm phó. Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, quá trình CP hóa, dàn cựu lãnh đạo Cienco 1 đã có nhiều sai phạm gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền lớn.

Cụ thể, để xử lí tài chính trước khi CP hóa, với mục đích Cienco 1 không còn các khoản nợ xấu, ông Dũng và Lai cùng các thuộc cấp đã thống nhất cùng nhau xử lí các khoản nợ phải thu trái quy định pháp luật. Viện Kiểm sát cáo buộc hành vi trên của cựu lãnh đạo Cienco 1 dẫn đến không tính vào giá trị DN khi CP hóa số tiền gần 185 tỷ đồng. Viện Kiểm sát xác định, ông Lai phải chịu trách nhiệm xuyên suốt trong quá trình xác định giá trị DN và CP hóa tại Cienco 1. Ông Lai đã chủ trì cuộc họp để xử lí khoản nợ hơn 364 tỉ đồng phải thu của 50 Cty.

Tuy nhiên, cựu Tổng GĐ Cienco 1 cùng các thuộc cấp sau đó quyết định xóa gần 185 tỉ đồng trong số nợ trên vì xác định "đây là khoản nợ khó thu hồi". Sau khi chuyển thành Cty CP, Cienco 1 tiếp tục tiến hành thu hồi các khoản nợ đối với 6 Cty trực thuộc trước đây. DN này đã thu hồi được 65 tỉ đồng nhưng lại không đề xuất bàn giao cho Nhà nước mà chỉ đạo chi cho các hoạt động khác. Cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu Cienco 1 "nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính" nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Cũng theo cáo trạng, Cienco 1 khi CP hóa còn không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị DN. Bốn khu đất bị "bỏ quên" này đều nằm ở vị trí đẹp, rộng từ 422m2 đến hơn 16.000m2 tại TP HCM, Long An, Tiền Giang và Gia Lai. Trả lời Hội đồng xét xử, về việc có phân biệt được nợ khó đòi và nợ không thể thu hồi khác nhau thế nào không, cả ông Lai và ông Dũng và cùng nhận về lời đáp "không biết".

Theo đó, cựu Chủ tịch Phạm Dũng nói "nghĩ rằng hai khái niệm này giống nhau, không phân biệt được". Song HĐXX ngay sau đó cho biết, quá trình điều tra, bị cáo từng viện dẫn các văn bản phân biệt rõ ràng hai khái niệm này. Trong khi đó cựu tổng GĐ Cấn Hồng Lai thừa nhận "chỉ ký mà đọc không kỹ. Đến giờ mới thấy hai cái khái niệm khác nhau". Vậy nợ khó đòi và nợ không có khả năng thu hồi khác nhau thế nào, theo đó, Nghị định 206/2013/NĐ-CP đã quy định:

Nợ phải thu khó đòi là các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán trên 6 tháng (tính theo thời hạn trả nợ ban đầu, không kể thời gian gia hạn trả nợ), DN đã áp dụng các biện pháp xử lý như đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng DN vẫn chưa thu hồi được; hoặc là các khoản nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ là tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định nợ không có khả năng thu hồi là các khoản nợ phải thu quá thời hạn thanh toán hoặc chưa đến thời hạn thanh toán thuộc một trong các trường hợp:

Khách nợ là DN, tổ chức đã hoàn thành việc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Khách nợ là DN, tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả, không có người kế thừa nghĩa vụ trả nợ. Khách nợ là cá nhân đã chết, mất tích, cá nhân còn sống nhưng không còn khả năng lao động hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người thừa kế theo luật nhưng không có khả năng chi trả. Khách nợ đã được cơ quan có thẩm quyền Quyết định cho xóa nợ theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch còn lại của các khoản nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể phải bồi thường vật chất.

Các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ một năm trở lên, tuy khách nợ còn tồn tại, đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục từ 3 năm trở lên và quá khó khăn, hoàn toàn không có khả năng thanh toán, DN đã tích cực áp dụng các biện pháp nhưng vẫn không thu được nợ.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/su-khac-nhau-giua-no-kho-doi-va-no-khong-co-kha-nang-thu-hoi-340262.html