Sự khởi sắc của nghệ thuật hàn lâm
Có thể nói, trong mấy năm gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã không ngừng nỗ lực mang tới cho công chúng những vở nhạc kịch, ballet kinh điển của thế giới. Từ vở ballet 'Hồ thiên nga', 'Giselle' đến nhạc kịch 'Những người khốn khổ', và sắp tới đây là vở opera 'Carmen', cho thấy sự khởi sắc của nghệ thuật hàn lâm ở Việt Nam và nỗ lực của những nghệ sĩ trẻ trong địa hạt vốn kén khán giả này.
Vở opera “Carmen” phiên bản Việt
Không phải sang tận châu Âu hay ở các khán phòng âm nhạc nước ngoài, mà ngay tại Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực, các nghệ sĩ Việt Nam đã có thể trình diễn những vở ballet, opera kinh điển của thế giới, thú vị và không kém phần hấp dẫn. Lần này là một trong những tác phẩm opera được yêu thích nhất mọi thời đại, vở “Carmen”, sẽ diễn ra trong 3 đêm 14, 15 và 16 tháng 3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
“Carmen” là vở opera thuộc thế kỷ 19 của nhà soạn nhạc người Pháp Georges Bize. Đây là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của loại hình nghệ thuật opera, mặc dù ban đầu nó đã gây sốc cho khán giả vì phá vỡ các quy ước và kỳ vọng.
“Carmen” là một kiệt tác vượt thời gian làm say đắm khán giả bằng câu chuyện hấp dẫn và âm nhạc đầy đam mê. Lấy bối cảnh ở Tây Ban Nha, phim kể câu chuyện của Carmen, một phụ nữ đam mê, vướng vào những người đàn ông bị ám ảnh và ghen tuông. Nhân vật mang tính biểu tượng này dấn thân vào con đường bi kịch khi cô gặp Don José, một hạ sĩ quân đội đang tìm kiếm tình yêu.
“Carmen” do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thực hiện, được cô đọng trong khoảng 120 phút nhưng vẫn giữ nguyên giá trị của một tác phẩm kinh điển. Cùng với các yếu tố truyền thống, “Carmen” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch có sự đổi mới mang tính hiện đại, đưa nàng Carmen của thế kỷ XIX vào khoảng không gian của thế kỷ XXI với những tiết tấu hiện đại của Tap Dance hay K-Pop thông qua kinh nghiệm lão luyện từng 7 lần dựng “Carmen” của đạo diễn Leung Siu Kwan, Cindy. Câu chuyện đầy kịch tính được khắc họa sống động, với trang phục đầy màu sắc và vũ đạo sôi động, làm tăng thêm sự phong phú về mặt hình ảnh cho tác phẩm.
Với lần đưa “Carmen” đến với sân khấu này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mong muốn sẽ đưa khán giả đến với nghệ thuật opera thực sự đỉnh cao, xen kẽ với vũ đạo hấp dẫn và hiện đại. NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật, chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang thực hiện đúng hướng tiêu chí nghệ thuật, chúng tôi mong muốn sẽ mang đến cho khán giả cảm nhận thực sự về một tác phẩm opera mang tầm thế giới, kỹ thuật opera điêu luyện cùng khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ, tạo nên một không gian đầy lãng mạn, quyến rũ và đậm chất nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng”.
Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã mời bà Leung Siu Kwan, Cindy, một trong những đạo diễn opera hàng đầu của Hong Kong sang dàn dựng. Để tạo nên một góc nhìn mới về người phụ nữ hiện đại cũng như tạo nên một số điểm nhấn, bà Cindy đã quyết định dựng vở opera “Carmen” với nhiều sự thay đổi.
Bà chia sẻ: “Tôi muốn đưa “Carmen” đến gần hơn nữa với xu thế của dòng chảy nghệ thuật hiện đại. Vì vậy, đi cùng với truyền thống đã tạo dựng từ hàng trăm năm nay, “Carmen” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch sẽ mang thêm nhịp thở của thời đại mới với những điệu nhảy mà giới trẻ đang ưa chuộng như Tap Dance, K-Pop. Mặt khác, “Carmen” 2024 sẽ giúp thay đổi cách nhìn về người phụ nữ. Carmen sẽ là người phụ nữ đẹp, tự tin, quyền lực và được nhiều người mê, chứ không phải người con gái lẳng lơ, chuyên đi tán tỉnh và phá nát sự nghiệp của người đàn ông”.
Sự nỗ lực của nghệ sĩ trẻ với nghệ thuật hàn lâm
Trước đó, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã rất thành công khi dựng lại vở “Giselle”. Đây là vở ballet kinh điển mang dấu ấn lịch sử của một thời kỳ lãng mạn. Lấy cảm hứng từ bài thơ của Victor Hugo nói về một cô gái đã chết sau buổi dạ tiệc xuyên đêm năm 1841 tại Paris, “Giselle” là kết tinh sáng tạo của biên đạo múa Jean Corali và nhà soạn nhạc Adolphe Adam. Xuyên suốt vở ballet là thông điệp về tình yêu và lòng vị tha. Có lẽ không có năng lượng nào mạnh hơn tình yêu và sự vị tha của con người cũng bắt nguồn từ tình yêu. Nó có thể hóa giải tất cả những ẩn ức và hận thù. "Cặp đôi vàng" trong làng ballet Việt, Thu Hằng - Đức Hiếu tiếp tục giữ vai trò soloist của vở diễn khi vào vai Giselle và hoàng tử Albrecht. Trong khi đó, một số vai khác do các nghệ sĩ trẻ tài năng đảm nhận. Đây được coi là một hơi thở mới, đầy phong phú cho vở diễn. Ở tác phẩm mới, “Carmen”, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam giới thiệu đến công chúng là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa dàn nghệ sĩ ưu tú nổi tiếng và nhiều kinh nghiệm như NSƯT Huy Đức, giọng Mezzo Soprano Hương Diệp, chất giọng Terno đầy nội lực Anh Vũ... và sức trẻ của các nghệ sĩ tài năng như Lan Nhung - Giải Nhất, Trường Linh - Giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc 2023... cùng sự góp mặt của các nghệ sĩ ballet nổi tiếng như Giải Nhất tài năng múa 2022 Đức Hiếu... "Carmen" của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch tiếp tục có sự tham gia của Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Mỗi nghệ sĩ, mỗi diễn viên đều có cá tính và sức hút của riêng mình, tất cả góp phần tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chất lượng và đầy cảm xúc.
Những nghệ sĩ trẻ tài năng và cống hiến cho nghệ thuật múa ballet, opera đã góp phần quyết định làm nên thành công của vở diễn. Tôi đã chứng kiến họ trên sàn tập, có thể nói, đó là sự khổ luyện, cả mồ hôi và máu cho những vai diễn để đời. Như nghệ sĩ ballet Thu Hằng chia sẻ: “Phía sau những bộ váy áo lộng lẫy, những phút thăng hoa trên sân khấu với những bước nhảy mềm mại hay những cú xoay người lôi cuốn là những tháng ngày tập luyện miệt mài. Đó là một hành trình đầy vất vả, nhưng tôi vẫn muốn dành trọn tình yêu và tuổi trẻ cho ballet, hy vọng bộ môn nghệ thuật này sẽ đến gần hơn với công chúng”.
Dấu ấn cho sự trở lại của loại hình nghệ thuật đỉnh cao này có lẽ từ khi NSND Trần Ly Ly về làm Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, chị đã mang lại sức sống mới cho nhà hát, thổi lửa đam mê nghề cho các nghệ sĩ và nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhà hát. Còn nhớ những đêm diễn ballet “Hồ thiên nga” cháy vé, những đêm nhạc kịch “Những người khốn khổ” hấp dẫn được diễn đi diễn lại trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là những thành quả của nhiều năm nỗ lực mang nghệ thuật đỉnh cao đến với công chúng.
Điều đáng nói là chúng ta đang có một thế hệ nghệ sĩ trẻ yêu nghề và cống hiến cho nghệ thuật đỉnh cao. Giọng opera số 1 Việt Nam hiện nay, nghệ sĩ Đào Tố Loan chia sẻ: “Với chị, được vào vai trong vở “Carmen” là một niềm hạnh phúc và một giấc mơ với bất kỳ nghệ sĩ opera nào”. Chị đã có một hành trình không ngừng khổ luyện và dám sống chết với lựa chọn của mình, theo đuổi opera, dòng nhạc đỉnh cao vốn kén chọn khán giả. Đào Tố Loan có mặt trong hầu hết các vở opera kinh điển trong và ngoài nước. Chính những nghệ sĩ như chị đã góp phần thúc đẩy nghệ thuật đỉnh cao ở Việt Nam phát triển.
Hay, giọng ca Tenor Nguyễn Anh Vũ - người bạn diễn ăn ý của Tố Loan trong những trích đoạn nổi tiếng của những vở opera cũng được đánh giá là “của hiếm” của âm nhạc hàn lâm. Anh đảm nhiệm giọng tenor soloist trong Requiem (Verdi) và Giao hưởng số 9 (Beethoven) trong các buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam...
Ông Phan Mạnh Đức chia sẻ: “Nhà hát đã và đang thực hiện đúng hướng tiêu chí nghệ thuật, mong muốn sẽ mang đến cho khán giả cảm nhận thực sự về kỹ thuật ballet cổ điển, opera cổ điển, cùng khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ, tạo nên một môi trường nghệ thuật hàn lâm chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/su-khoi-sac-cua-nghe-thuat-han-lam-i725352/