Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 17/1
Vốn hóa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng thứ 2 thị trường chứng khoán; ca sĩ Khánh Phương trở thành cổ đông lớn của CTCP Sông Đà 1…là những thông tin sự kiện chứng khoán ngày 17/1.
Sự kiện doanh nghiệp niêm yết
* Vn-Index: Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,51 điểm (+0,61%) lên 1.066 điểm. HNX-Index giảm 0,38 điểm xuống 210 điểm và UPCoM-Index tăng 0,13 điểm lên 72,22 điểm.
* HOSE: Trên sàn HOSE trong phiên giao dịch ngày 16/1 ghi nhận khối ngoại mua ròng 227 tỷ đồng. Theo đó, quỹ FUESSVFL được mua ròng nhiều nhất với giá trị 124 tỷ đồng, cổ phiếu HPG xếp tiếp theo danh sách mua ròng mạnh trên HoSE với 30 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng cổ phiếu BID và quỹ đầu tư chứng khoán FUEVFVND với giá trị lần lượt 30 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
* IBC: Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Giáo dục Egroup công bố bị Công ty chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 900.000 cổ phiếu CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) trong khoảng thời gian từ ngày 9-11/1/2023. Sau giao dịch, Egroup chỉ còn nắm giữ hơn 35,8 triệu cổ phiếu, tương đương 43,03% vốn điều lệ của IBC.
* FLC: CTCP Tập đoàn FLC công bố thông tin họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, thời gian dự kiến ngày 5/2/2023.
* VRC: CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC công bố nhận đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Thành Hưng.
* BID: Trong phiên 16/1, cổ phiếu BID đạt mức giá 44.700 đồng/cp, vốn hóa thị trường Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt gần 226.116 tỷ đồng, tăng hơn 5.300 tỷ đồng trong vòng 1 năm trở lại đây. Qua đó trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ hai thị trường.
* DAG: CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á công bố nhận đơn từ chứ vị trí Phó Tổng giám đốc của ông Bùi Thẩm Châu. Ông Châu đề nghị HĐQT DAG chấp thuận từ nhiệm từ ngày 19/1.
* SJC: Ca sĩ Khánh Phương trở thành cổ đông lớn của CTCP Sông Đà 1 sau khi mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 45,51% vốn.
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động đến TTCK
* Thị trường dầu thế giới hiện đang tập trung vào báo cáo hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ công bố vào ngày 17/1. Ngoài ra, thị trường đang chờ xem liệu tổ chức này có thay đổi dự báo về nhu cầu toàn cầu trước sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hay không.
Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc và Venezuela đạt mức cao trong hai tháng cuối năm 2022, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
* Đầu phiên giao dịch ngày 16/1 ở châu Á, giá dầu Brent tương lai giảm 0,5% xuống 85,09 một thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 0,6% xuống 79,67 USD/thùng.
* Hầu hết các đồng tiền châu Á đều tăng giá so với đồng USD vào ngày 16/1, bởi triển vọng tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). So với đồng USD, đồng yen Nhật tăng 0,4%; đồng rupiah của Indonesia và đồng peso của Philippines tăng lần lượt 0,8% và 0,6%; đồng đô la Úc tăng 0,5% và vượt qua mức 0,7; đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 0,1%.
* Đầu phiên giao dịch ngày 16/1, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,03%, lên mức 102,23.