Trung Quốc công bố gói hỗ trợ 1.400 tỷ USD
Ngày 8/11, Trung Quốc tung gói hỗ trợ trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD), tập trung giải quyết áp lực 'nợ ẩn' tại các địa phương, đồng thời củng cố nền kinh tế dài hạn.
Theo CNN, Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD), giúp giảm áp lực nợ cho các chính quyền địa phương và cung cấp nguồn lực tài chính mới để đối phó với tình hình tăng trưởng kinh tế bất ổn định, đặc biệt sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Bộ trưởng Tài chính Lan Fo’an cho biết Trung Quốc sẽ cho phép các chính quyền địa phương vay tối đa 6.000 tỷ nhân dân tệ (838 tỷ USD) trong 3 năm để xử lý "nợ ẩn".
Ông cũng cho hay chính phủ sẽ phát hành 800 tỷ nhân dân tệ (11,6 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt mỗi năm trong 5 năm tới nhằm hoán đổi khoản nợ ẩn khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ (560 tỷ USD) mà các địa phương đang phải gánh.
"Nợ ẩn" là các khoản nợ mà các địa phương vay thông qua các công ty tài chính do chính quyền sở hữu, nhưng lại không ghi nhận vào bảng cân đối kế toán chính thức. Những khoản nợ này không được kiểm soát chặt chẽ và có thể gây rủi ro lớn cho hệ thống tài chính.
Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 5 ngày của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) của Trung Quốc. "Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, doanh thu tài chính của chính quyền trung ương và địa phương không đạt như kỳ vọng", ông Lan tiết lộ.
"Việc cho phép đảo nợ giúp giảm chi phí lãi vay, từ đó giải phóng nguồn lực để các chính quyền chi tiêu vào các mục đích khác", Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics đánh giá.
Tuy nhiên, gói hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP hiện tại, trải dài trong suốt 5 năm của kế hoạch. "Điều này rõ ràng sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể cho nền kinh tế. Thông báo hôm nay sẽ để lại thất vọng đối với những ai kỳ vọng vào một gói kích thích lớn", Williams nhận xét.
Nhiều năm hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch cùng khủng hoảng bất động sản đã làm cạn kiệt nguồn ngân sách của chính quyền địa phương ở Trung Quốc, khiến họ phải vật lộn với núi nợ. "Thiếu tiền đồng nghĩa với việc các chính quyền không đủ nguồn lực để tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng đến mức một số thành phố tại nước này không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản và nguy cơ vỡ nợ đang gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính tiết lộ rằng tính đến cuối năm 2023, khoản nợ ẩn khổng lồ của Trung Quốc đã lên tới 14.300 tỷ nhân dân tệ (1.990 tỷ USD). Các quan chức đặt mục tiêu giảm số nợ này xuống còn 2.300 nghìn tỷ nhân dân tệ (320 tỷ USD) vào năm 2028.
Mặc dù gói tài trợ kinh tế lần này được cho là không đủ lớn để giải quyết tình hình hiện tại, chính sách này vẫn vượt qua kỳ vọng của Larry Hu, chuyên gia kinh tế tại Macquarie Bank. Ông cho rằng kỳ vọng vào một gói kích thích lớn là không thực tế, vì mục tiêu chính sách là đạt tăng trưởng GDP và giảm rủi ro, không phải phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ.
Để phục hồi nền kinh tế, Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng đồng thời chống lại tình trạng giảm phát, một vấn đề khó giải quyết tại quốc gia này. Điều đó đòi hỏi các chính sách mạnh mẽ hơn, không chỉ đơn giản là đảo nợ.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III chỉ đạt 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn một chút so với dự báo 4,5% của các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát. Với tốc độ tăng trưởng này, Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức 5% trong năm nay.
Quốc gia này đã quyết định triển khai gói kích thích chủ yếu tập trung vào các biện pháp tiền tệ từ cuối tháng 9. Kể từ đó, các chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng vào các biện pháp kích thích bổ sung để khôi phục bức tranh lạc quan cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-cong-bo-goi-ho-tro-1400-ty-usd-post1509994.html