Sự kiện Lâm Bưu (Kỳ 8): Chu Ân Lai gọi Diệp Quần, vô tình 'đả thảo kinh xà'
Chu Ân Lai gọi điện cho Diệp Quần để thăm dò tình hình và cảnh báo khéo, khuyên họ đừng đi; nhưng không ngờ ông đã vô tình đánh động họ khiến mẹ con Diệp Quần nghĩ kế hoạch đã lộ, quyết định chạy sang Liên Xô.
Lâm Đậu Đậu quyết định báo cáo, thông qua Lý Văn Phổ, Khương Tác Thọ, Trương Hồng, Trương Diệu Từ, rồi Uông Đông Hưng “6 cửa ải”, tin tức mới được chuyển tới Chu Ân Lai vào khoảng 10h30 tối.
Đây là cuộc điện thoại bất ngờ nhất mà Chu Ân Lai nhận được trong đời, ông hoàn toàn không có chuẩn bị trước về tư tưởng. Theo hồi ức của ông, thực sự trong quá khứ Lâm Đậu Đậu đã bị bệnh và mâu thuẫn gia đình này rất nghiêm trọng, Chu Ân Lai cũng đã đích thân xử lý. Trước đó ông không có bất kỳ nguồn tin nào khác, đối mặt với tin tức đột ngột như vậy, rất khó để ông tin vào phản ánh đơn phương của Lâm Đậu Đậu. Đặc biệt lại là liên quan đến người kế nhiệm có địa vị cao trong đảng như Phó Thống soái, Chu Ân Lai càng phải thận trọng, nhưng muốn điều tra thêm cũng không có thời gian. Trong tình huống khẩn cấp mà không có nguồn thông tin nào khác, ngăn cản cấp trên di chuyển bằng cách chỉ nghe lời Lâm Đậu Đậu là không phù hợp về mặt tổ chức. Cần phải được thực hiện một cách tỉ mỉ hơn, vừa để đề phòng các tình huống có thể xảy ra, vừa để lại một không gian có thể thay đổi, để không mất lòng Lâm Bưu.
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này, Chu Ân Lai quyết định trước hết thông báo cho Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến và Tư lệnh Hải quân Lý Tác Bằng là những người phụ trách chiếc chuyên cơ số 256 và phụ trách sân bay Sơn Hải Quan nơi chiếc máy bay đang có mặt. Thông qua hai người này, buộc chiếc chuyên cơ 256 từ Bắc Đới Hà bay về Bắc Kinh ngay lập tức.
Khi Phan Cảnh Dần, phi công của chiếc chuyên cơ số 256 tại sân bay Sơn Hải Quan, nhận được lệnh máy bay phải bay về Bắc Kinh ngay lập tức, về mặt tư tưởng anh ta đã hoàn toàn chịu sự kiểm soát của Lâm Lập Quả và Chu Vũ Trì (xem chi tiết ở phần sau). Anh ta cố tình trả lời rằng máy bay đang bị trục trặc, nó đang được bảo dưỡng, không thể bay về Bắc Kinh.
Diệp Quần (thứ 3, trái sang) và vợ chồng 4 "ái tướng" của Lâm Bưu là Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác (Ảnh: kanlishi).
Để ngăn máy bay cất cánh sau đó, Chu Ân Lai lập tức yêu cầu Ngô Pháp Hiến gọi cho Không quân Bắc Kinh, đơn vị chủ quản chuyên cơ số 256, sau đó chỉ thị Lý Tác Bằng gọi cho sân bay Sơn Hải Quan, ra lệnh nếu không được 4 người Chu Ân Lai, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng chấp thuận, cấm bất kỳ máy bay nào tại sân bay Sơn Hải Quan cất cánh.
Cả Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng đều thuộc đường dây của Lâm Bưu. Chu Ân Lai đã đưa hai người vào cùng giải quyết vấn đề, cho thấy vào thời điểm đó ông không hề nghi ngờ Lâm Bưu và những thuộc hạ cũ liên kết và hành động. Nếu ông nghi ngờ về những người này, hoàn toàn có thể bỏ qua Ngô, Lý và trực tiếp ra lệnh cho cấp trên của họ là Đại tướng Tiêu Kình Quang. Chu Ân Lai vẫn làm theo trình tự bình thường và phát lệnh ngăn chặn sự việc xảy ra.
Từ đó có thể thấy, ngay cả khi máy bay ở lại sân bay Sơn Hải Quan, cho dù nó đã được sửa chữa, bất kỳ máy bay nào cũng không thể bay nếu không có sự đồng ý của bốn người. Lâm Bưu không thể rời khỏi Bắc Đới Hà bằng cách khác. Chu Ân Lai không có quyền ngăn cản các hoạt động tự chủ của Lâm Bưu, nhưng ông có thể tìm lý do để không cho máy bay cất cánh. Cần phải nói rằng cách xử lý của Chu Ân Lai theo cách này là hợp lý trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, thậm chí có thể nói là không hề sai sót gì.
Sau khi giải quyết theo cách này, vào khoảng 11 giờ 20 phút tối, Chu Ân Lai gọi trực tiếp cho Diệp Quần ở dinh thự của Lâm Bưu tại Bắc Đới Hà.
Chu Ân Lai hỏi bà có biết có chuyên cơ ở Bắc Đới Hà không?
Diệp Quần lúc đầu nói không biết, sau khi dừng lại một lúc, lại thành thật thừa nhận rằng có một chiếc chuyên cơ, do con trai tôi đi về đây. Nếu thời tiết tốt, ngày mai, chúng tôi sẽ lên bay một vòng.
Chu Ân Lai và Lâm Đậu Đậu (Ảnh: kanlishi).
Chu Ân Lai hỏi, có phải ông bà định đi nơi khác không? Diệp Quần trả lời rằng muốn đến Đại Liên, dạo này thời tiết hơi lạnh.
Chu Ân Lai nói, bay đêm không an toàn. Diệp Quần nói, chúng tôi sẽ không bay vào ban đêm, sẽ bay lại vào sáng hoặc trưa mai khi thời tiết tốt hơn.
Chu Ân Lai nói, đừng bay nữa, không an toàn, nhất định phải nắm chắc điều kiện thời tiết. Nếu cần, tôi sẽ đến Bắc Đới Hà thăm đồng chí Lâm Bưu.
Diệp Quần nghe thế giật mình, vội vàng khuyên Thủ tướng không nên đến. Thật vậy, Chu Ân Lai đã yêu cầu Dương Đức Trung (chính ủy Cục Cảnh vệ Trung ương) đang ở sân bay Tây Giao Bắc Kinh chuẩn bị máy bay. ("Sự kiện Lâm Bưu: Lời chứng của người trong cuộc", trang 266, "Bút lục cuộc phỏng vấn Thời Niệm Đường").
Trên thực tế, Chu Ân Lai đã nhắc nhở Diệp Quần một cách lịch sự để bà biết rằng chính quyền trung ương đã biết rằng họ có thể sẽ đi chiếc máy bay này vào ngày mai và lấy cớ thời tiết xấu khéo léo thuyết phục họ không nên rời đi. Nói như thế không xúc phạm Lâm Bưu, cần phải nói rằng rất đúng khuôn phép.
Trong điều kiện lúc đó, Chu Ân Lai làm điều này, bề ngoài rất ổn thỏa: bây giờ tôi, Chu Ân Lai, đã thông báo các vị đừng bay nữa. Nếu ngày mai các vị phát hiện ra rằng máy bay cần phải bốn người chấp thuận mới được cất cánh, xin đừng trách tôi, vì tôi đã nói trước. Nếu cần thiết, tôi có thể đến đó. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, tôi sẽ đến trao đổi. Nói như thế, vẫn rất ôn hòa uyển chuyển, giống như chiến hữu cũ nói chuyện gia đình, Chu Ân Lai cho rằng đó là cách giải quyết tốt nhất.
Tại sao Chu Ân Lai nói ông sẽ tự mình đến Bắc Đới Hà vào lúc đêm muộn? Trong mắt người khác, nó có vẻ hơi phiền phức. Nhưng thực tế không phải vậy. Theo một nghĩa nào đó, Chu có thể đoán rằng nếu Lâm Bưu thực sự muốn rời đi, điều đó có liên quan đến việc Mao đích danh chỉ trích Lâm Bưu trong chuyến công du phía Nam mấy ngày trước. Chu rất sẵn lòng thảo luận vấn đề này một cách riêng tư với Lâm Bưu, làm một người hiểu chuyện thảo luận hòa giải mối quan hệ của Mao – Lâm, không nên làm lớn chuyện. Trên thực tế, Chu cho rằng mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác. Lúc này ông cần tỏ ra thành tâm hóa giải mâu thuẫn giữa hai người. Vào thời điểm đó, Chu Ân Lai không biết gì về cuộc đảo chính của Lâm Lập Quả.
Chu Vũ Trì, "phó tướng" của Lâm Lập Quả (Ảnh: dazhong).
Sau khi Chu Ân Lai nhận được một báo cáo quan trọng như vậy từ Bắc Đới Hà, nhưng ông không trực tiếp nói với Mao, lý do là ông ta không muốn dùng chuyện ông chưa làm rõ được để kinh động Mao Trạch Đông vừa trở về từ miền nam và đang ngủ. Ngoài ra, ông hy vọng không bước vào giai đoạn suy nghĩ và xử lý mang tính đối địch ngay lập tức, vì không cho Mao Trạch Đông biết, ông sẽ có quyền tự do định đoạt nhiều hơn.
Chu Ân Lai đã làm như thế. Mặc dù nó có vẻ không hề sơ suất, nhưng trên thực tế, đã có một "lỗ hổng trình tự" trong đó mà ông đã không nghĩ tới. Đó là, liệu ông có thể đảm bảo rằng Phan Cảnh Dần, phi công điều khiển máy bay, sẽ nghe theo ông? Nếu cơ trưởng chuyên cơ số 256 thực sự chỉ nghe Lâm Lập Quả chứ không phải Chu Ân Lai, thì việc Chu Ân Lai gọi điện trực tiếp cho Diệp Quần, không những vô ích mà còn “đả thảo kinh xà” (rút dây động rừng), khiến Diệp Quần biết rằng chính quyền trung ương đã nắm được tin tức rằng gia đình họ sắp chạy trốn. Điều này sẽ kích thích bên kia có bước đi khẩn trương hơn, thực tế thì đây là điều đã xảy ra sau đó.
Diệp Quần và Lâm Lập Quả quyết định bỏ trốn sang Liên Xô ngay trong đêm
Nếu Chu Ân Lai không gọi cú điện đó cho Diệp Quần, lịch sử sẽ được viết lại. Bởi vì nhóm Lâm Lập Quả sẽ đến sân bay Sơn Hải Quan vào sáng sớm ngày mai, sau đó đáp chuyên cơ 256 do Phan Cảnh Dần lái để bay đến Quảng Châu một cách thuận lợi. Sẽ chỉ có hai tình huống xảy ra sau đó.
Tình huống đầu tiên là Trung ương có đủ thời gian để trực tiếp đóng cửa sân bay Sơn Hải Quan, ngăn không cho Phan Cảnh Dần cất cánh và gia đình Lâm Bưu về cơ bản là không thể đi được.
Tình huống thứ hai là ngay cả khi Lâm Bưu và bầu đoàn của ông bay thành công đến Quảng Châu, họ sẽ trở thành chim trong lồng, Lâm Bưu và nhóm Lâm Lập Quả sẽ bị xóa sổ ở Quảng Châu và Onduhan sẽ không có sự kiện tai nạn hàng không.
Lâm Bưu, Giang Thanh và Diệp Quần (Ảnh: kanlishi).
Tuy nhiên, tất cả điều này đã được thay đổi bởi cú điện thoại của Chu Ân Lai.
Trong tình huống chưa rõ tình hình, Chu Ân Lai muốn qua cuộc gọi để kiểm tra tình hình thực tế và ngụ ý rằng máy bay của các vị sẽ không thể bay vào sáng mai (vì Chu đã chỉ thị bốn người phải cùng ký tên, máy bay mới được cất cánh). Tuy nhiên, nếu xét về những hậu quả sau đó thì hiệu quả thực sự ngược lại. Đầu tiên, Chu Ân Lai không ngờ rằng thái độ của phi công Phan Cảnh Dần hoàn toàn ngả về phía Lâm Lập Quả, bởi vì quyền chủ động cất cánh của máy bay hoàn toàn nằm trong tay Phan Cảnh Dần. Trong con mắt của Phan Cảnh Dần, Lâm Lập Quả chắc chắn là đại diện cho Phó Thống soái Lâm Bưu. Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng không còn có thể kiềm chế phi công của chiếc chuyên cơ 256.
Thứ hai, vấn đề của Lâm Lập Quả nghiêm trọng hơn nhiều so với suy nghĩ của Chu Ân Lai. Chu Ân Lai vốn chỉ cho rằng ngay cả khi Lâm Đậu Đậu báo cáo rằng Lâm Bưu sẽ đến Quảng Châu hay Hồng Kông, cũng là vì Lâm Bưu đã bị chỉ trích trong phát biểu “Nam tuần” của Mao Trạch Đông, nhưng ông cho rằng vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Chu nói ông sẽ đến Bắc Đới Hà để thăm Lâm Bưu, là có ý định xoay chuyển. Ông gọi cho Diệp Quần với một thái độ ôn hòa, cũng là vì nguyên nhân này.
Sau khi Diệp Quần đặt điện thoại xuống, bà lập tức gọi điện trực tiếp đến nhà riêng của Hoàng Vĩnh Thắng, nhưng không có người nghe máy. Do lo lắng và sợ hãi, Diệp Quần cho rằng trợ thủ đắc lực nhất của Lâm Bưu là Hoàng Vĩnh Thắng cũng đã bị trung ương khống chế. Bà cho rằng trung ương đã nắm được âm mưu đảo chính của họ. Thực ra, Hoàng Vĩnh Thắng lúc đó đang có cuộc họp với Chu Ân Lai tại Đại lễ đường Nhân dân và ông ta đang chơi bài trong giờ nghỉ.
Vào thời điểm then chốt trong lịch sử, tố chất tâm lý cực kỳ thấp của Diệp Quần đã khiến bà đưa ra một phán đoán sai lầm chết người. Thật ra bà có thể phán đoán bằng cách bình tĩnh suy nghĩ, nếu Chu Ân Lai đã thực sự nắm được mọi âm mưu của Lâm Lập Quả, liệu Chu có tự mình tới mà không tính đến an nguy của bản thân hay không? Chu Ân Lai nói rằng ông sẽ đến Bắc Đới Hà ngay lập tức, có nghĩa là vấn đề vẫn chưa bị bại lộ. Nhưng người đang lo sợ thường nghĩ ngược lại. Bà và Lâm Lập Quả cho rằng tình hình không tốt, phải sớm chạy trốn. Hai người này đang lo lắng và hoảng sợ tột độ nên ngay lập tức đưa ra quyết định từ bỏ kế hoạch chạy trốn sang Quảng Châu vào sáng hôm sau và quyết định bay thẳng sang Liên Xô ngay trong đêm hôm đó.
Gia đình Lâm Bưu (Ảnh: VCG).
Một mặt, Chu Ân Lai do điều kiện có hạn, không thể hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, gọi điện tìm hiểu nhưng lại “đả thảo kinh xà”, mặt khác Diệp Quần lại “kinh cung chi điểu, thảo mộc giai binh”. Sự tương tác giữa Chu Ân Lai và Diệp Quần đã thúc đẩy một sự kiện chấn động thế giới sắp xảy ra.
Diệp Quần và Lâm Lập Quả vội vàng đánh thức Lâm Bưu, ra sức kêu "có người tới để bắt", cần phải nhanh chóng rời đi để thoát thân. Lâm Bưu vừa chìm vào giấc ngủ không lâu đột nhiên bị đánh thức khi dược lực của thuốc ngủ đang phát tác. Khi bị đánh thức, ông hoàn toàn không phục hồi được khả năng phán đoán hàng ngày. Trong tình thế không có khả năng tự chủ phán đoán, Lâm Bưu đã quen với việc bị Diệp Quần chi phối trong nhiều năm. Lâm Lập Quả ra lệnh cho Tiểu Trần và Tiểu Trương nhanh chóng mặc quần áo cho Lâm Bưu. Cần vụ Trương Hằng Xương nhớ lại, Lâm Bưu đã uống thuốc ngủ trước khi đi ngủ, và ngủ muộn hơn bình thường 15 phút và bị lôi ra khỏi giường. Ông ta còn đang mơ màng khi mặc quần áo, không có bất kỳ hành động tự chủ nào, hoàn toàn do hai người cần vụ mặc cho.
Trước khi khởi hành từ dinh thự ở Bắc Đới Hà đến sân bay, Lâm Lập Quả đã làm hai việc quan trọng. Đầu tiên là vào khoảng 11 giờ 40, Lâm Lập Quả gọi điện cho Chu Vũ Trì đang ở nhà ở Bắc Kinh. Khi đó Chu Vũ Trì đang chuẩn bị đi Quảng Châu từ sân bay Không quân Tây Giao Bắc Kinh vào sáng sớm hôm sau. Lâm Lập Quả thông báo cho Chu Vũ Trì hủy bỏ kế hoạch đến Quảng Châu, đồng thời nói với anh ta rằng mình cùng Lâm Bưu, Diệp Quần và những người khác sẽ lập tức chạy trốn sang Liên Xô. Chu Vũ Trì cũng phải cố gắng tìm một chiếc máy bay để trốn về phía bắc và gặp nhau ở nước ngoài sau đó. Theo ký ức của con gái Chu Vũ Trì nhiều năm sau đó, thời tiết ở Bắc Kinh đêm đó rất nóng và người nhà nghe thấy giọng điệu lo lắng của Chu Vũ Trì khi trả lời cuộc gọi qua cửa sổ mở ở phòng bên cạnh.
(Nhân tiện, muốn nói thêm về số phận của Chu Vũ Trì. Vào ngày 13/9/1971, Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã và Lỹ Vĩ Tín chạy về phía bắc bằng máy bay trực thăng từ sân bay Sa Hà Bắc Kinh. Sau khi cất cánh ít lâu, phi công trực thăng đã phát hiện ra ý đồ chạy trốn của họ và sau đó đã giấu họ quay đầu máy bay bay về phía nam và hạ cánh ở ngoại ô Bắc Kinh. Phi công bị chết, Chu Vũ Trì và Vu Tân Dã tự sát, còn Lý Vĩ Tín bị bắt).
Việc thứ hai Lâm Lập Quả làm là trực tiếp gọi điện cho Phan Cảnh Dần đang nghỉ ngơi trong ký túc xá sân bay Sơn Hải Quan, thông báo ngay đêm hôm đó, Thủ trưởng sẽ đi Quảng Châu và đến sân bay sau hơn nửa tiếng nữa, yêu cầu anh ta ngay lập tức chuẩn bị bay. Anh ta cũng yêu cầu Phan Cảnh Dần dẫn theo càng ít nhân viên phi hành đoàn càng tốt, vì Phó Thống soái đang gặp nguy hiểm, cần hành động tuyệt mật, đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và vẻ vang. Để thề chết bảo vệ Thủ trưởng, phải kiên quyết giữ bí mật hàng đầu của đảng, của đất nước, nhất định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà đảng giao cho.
Cuộc gọi này cho Phan Cảnh Dần, theo suy luận của tác giả (Tiêu Công Tần-ND), phải do Lâm Lập Quả tự gọi tại nhà riêng ở Bắc Đới Hà, chứ không phải Chu Vũ Trì gọi từ nhà riêng của ông ở Bắc Kinh. Theo hồi ký của con gái Chu Vũ Trì sau này, cha cô đang ở nhà ở Bắc Kinh vào thời điểm đó và điều kiện thông tin tại nhà rất tệ.
Mọi người sẽ hỏi Lâm Lập Quả và Phan Cảnh Dần đều chết trên sa mạc Onduhan, và Chu Vũ Trì cũng chết trên cánh đồng ở ngoại ô Bắc Kinh. Họ có gọi điện thoại không và họ đã nói gì trên điện thoại, làm sao biết được? Ở đây tác giả chỉ có thể nói rằng đây là suy luận hợp tình hợp lý duy nhất được đưa ra dựa trên sự thật lịch sử đã xảy ra.
(Kỳ tới: Ngăn chặn không thành công)