Sự kiện trọng đại 'truyền lửa' cho đời sau
Chiều ngày 2/9/1945, khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao và khẳng định tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) qua bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập cũng tạo tiền đề xây dựng những điều tươi đẹp trong cuộc trung hưng mới của dân tộc Việt Nam.
Khẳng định tinh thần độc lập, tự do
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng duy nhất trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc. Cuộc cách mạng này đã làm nên sự khác biệt căn bản so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc, đó là: Thiết lập một nền dân chủ và khẳng định quyền con người. Với dân tộc Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập đánh dấu kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Độc lập - chấm dứt ách nô lệ thực dân và Tự do - chấm dứt chế độ cai trị phong kiến.
Cho đến tháng 8/1945, mục tiêu đấu tranh trên hết và trước hết của nhân dân Việt Nam là giành lại độc lập dân tộc, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân - một vết nhơ trong văn hóa nhân loại. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám khẳng định mạnh mẽ những giá trị dân tộc và dân chủ. Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng tuyên đọc trong buổi chiều ngày 2/9/1945 tuyên bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới sự lựa chọn chính thể Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cuộc cách mạng. Lần đầu tiên nền dân chủ được xác lập trên đất nước Việt Nam, theo kịp với trào lưu dân chủ thế giới.
Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam thắng lợi gây một niềm tin, là nguồn động viên tiếp sức cho các dân tộc còn đang bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập cho mình.
Đoạn tuyệt với quá khứ nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm của nhân dân xây dựng chế độ xã hội mới: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[1] và “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2]. Ý chí đó được phát triển và đúc kết thành chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Chân lý đó đã đi cùng dân tộc Việt Nam qua những năm tháng khốc liệt của các cuộc kháng chiến chống xâm lược sau này, làm nên những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công trọn vẹn như một điều tất yếu hợp với quy luật phát triển xã hội, với sự đồng thuận vùng lên của đông đảo nhân dân. Đó là cuộc cách mạng khẳng định quyền con người. Trích “những lẽ phải không ai chối cãi được” trong hai bản Tuyên ngôn bất hủ của Cách mạng Hoa Kỳ và Cách mạng Pháp, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định quyền của con người - cũng chính là nền tảng quyền của dân tộc.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một cuộc cách mạng nhân dân. Đó là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân tiến hành vì lợi ích của nhân dân, đem lại quyền làm người cho mỗi người dân, nhằm đích đến xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nhân dân vừa là động lực vừa là mục tiêu giải phóng của cách mạng. Với mục đích đấu tranh cho những quyền cơ bản của dân tộc, của con người, phấn đấu vì hạnh phúc của con người, cuộc cách mạng này chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Cuộc trung hưng mới của dân tộc vẫn còn tiếp tục
Với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, cuộc khởi nghĩa toàn dân “Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông” (Hồ Chí Minh) đã mở ra cuộc trung hưng mới cho dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc cách mạng này cũng mở ra tiền đồ và tương lai tươi sáng, gây niềm tin và hy vọng, động viên, tiếp sức cho tinh thần dân tộc vươn lên. Tuy có thời gian gián đoạn vì chiến tranh, nhưng có thể tính cuộc đổi thay này ở Việt Nam đã chính thức bắt đầu sau Ngày Độc lập 2/9/1945.
Nền độc lập của “nước Việt Nam mới” bắt đầu được xây dựng từ Ngày Độc lập là nền độc lập hoàn toàn, độc lập thật sự - trong đó độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Chính quyền cách mạng đã là của nhân dân, ngay lập tức đã đặt ra và giải quyết nhiệm vụ rất nặng nề là phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nhằm đến mục tiêu cuối cùng vì hạnh phúc của con người. Sau khi hoàn thành cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc kiên cường và hào hùng trong suốt 30 năm giữa thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng đất nước phát triển, tiến lên cường thịnh.
Với tinh thần độc lập, tự do trường tồn, chúng ta khơi dậy mãnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước. Công cuộc Đổi mới được Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay chính là sự khẳng định những bài học và những giá trị lịch sử sâu sắc của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Độc lập, tự chủ dân tộc là nền tảng cơ bản, là điều kiện tiên quyết để đánh thức và phát huy các tiềm năng địa chính trị, địa kinh tế, phát huy, phát triển các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, phấn đấu vì một nước Việt Nam phát triển phổn thịnh, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thành tựu công cuộc 40 năm đổi mới có ý nghĩa lịch sử, đem lại những thay đổi lớn lao, tốt đẹp cho đất nước, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Hôm nay chúng ta tiếp tục khẳng định và phát huy tinh thần độc lập, tự do đã được nêu cao trong bản Tuyên ngôn độc lập. Nền độc lập dân tộc trong bối cảnh mới còn yêu cầu bảo đảm quyền bình đẳng, quyền tự quyết trong các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia; bảo vệ và duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau giữa các quốc gia, các mối liên kết kinh tế; đa phương, đa dạng mở cửa hướng ra thế giới, góp phần xây dựng nền hòa bình, tình hữu nghị, sự thịnh vượng và tiến bộ chung.
Một sử gia đã nói (đại ý): Truyền lại một ký ức và làm sống lại một bản sắc không phải chỉ là để lại một di sản, mà còn là vạch ra một cách sống. Việc làm sống lại lịch sử hào hùng còn khơi dậy ý thức về quá khứ cho thế hệ sau, chuyển thành những điều hiện hữu trong hiện tại, đặt cơ sở cho sự phát triển tương lai. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc và là sự kiện xứng đáng để truyền lại lẽ sống cho đời sau đúng với ý nghĩa như vậy.
(1), (2) Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh: Toàn tập -
Nxb. Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 3