Sự kỳ thị với những ngôi sao bị trầm cảm ở Hàn Quốc
Ngày càng có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc thông báo dừng hoạt động để điều trị vấn đề tâm lý. Trước đó, họ từng sợ bị kỳ thị, chỉ trích nên không dám nghỉ ngơi, kể cả khi trầm cảm.
Sức khỏe tinh thần không phải chủ đề được bàn tán cởi mở ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi. Ngày càng có nhiều ngôi sao Kpop thẳng thắn và trung thực về việc họ cần nghỉ ngơi để tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Nhận thức về sức khỏe tinh thần được nâng cao
Ngày 22/2, Starship Entertainment thông báo Dawon của nhóm nhạc nữ WJSN sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và điều trị chứng rối loạn lo âu. "Dawon được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và đang được điều trị. Khi tham khảo ý kiến của Dawon, cô ấy muốn tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thực hiện các phương pháp điều trị để cô ấy sớm hồi phục. Cô ấy cần được nghỉ ngơi nhiều hơn", công ty cho biết.
Công ty thông báo tin tức trên chỉ một ngày sau khi WJSN xác nhận tham gia chương trình Queendom của đài Mnet. Tạm dừng hoạt động ngay thời điểm nhóm chuẩn bị tham gia chương trình được mong đợi có lẽ là quyết định khó thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết người hâm mộ ủng hộ quyết định của Dawon. Họ hy vọng cô có nhiều thời gian nghỉ ngơi và sớm hồi phục.
"Không có sự cạnh tranh nào quan trọng hơn sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của bạn", một người hâm mộ bình luận.
Đầu tháng, Jiyoon của nhóm nhạc nữ Weeekly cũng thông báo cô tạm dừng hoạt động vì mắc chứng lo lắng. Jiyoon trước đó đã tạm ngừng hoạt động 4 tháng kể từ 8/2021 đến 12/2021 với lý do tương tự. Không lâu sau khi hoạt động trở lại cùng nhóm nhạc, Jiyoon xuất hiện các triệu chứng lo lắng nghiêm trọng.
IST Entertainment tuyên bố: “Sau nhiều cuộc thảo luận với gia đình và bác sĩ, chúng tôi kết luận Jiyoon khó tiếp tục hoạt động với tư cách thành viên Weeekly. Điều tốt nhất lúc này là cô ấy tập trung vào việc hồi phục sức khỏe".
Đây không phải lần đầu tiên các thần tượng Kpop tiết lộ về sức khỏe tinh thần của họ. Sau khi Kang Daniel, Jungyeon, Mina (TWICE) tạm dừng hoạt động vào năm 2021 vì chứng rối loạn hoảng sợ, vấn đề này được biết rộng rãi hơn ở Hàn Quốc. Thậm chí, vào năm 2020, cả nhóm nhạc nam DAY6 tạm dừng hoạt động do chứng lo lắng.
Các công ty giải trí hiện giờ có nhận thức tốt và ưu tiên sức khỏe tinh thần của nghệ sĩ hơn lịch trình. Các công ty sẵn sàng thông báo về việc nghệ sĩ tái phát và sắp xếp lịch nghỉ bổ sung. Công chúng cũng đang phản ứng tích cực hơn với những tin tức liên quan đến sức khỏe tinh thần của giới thần tượng.
Một số ngôi sao tiến một bước xa hơn. Họ không chỉ nghỉ ngơi mà còn tích cực thể hiện sự đấu tranh tinh thần thông qua âm nhạc. Bài hát Paranoia (2021) của Kang Daniel đã thể hiện những cuộc đấu tranh nội tâm thông qua vũ đạo và video âm nhạc.
Ca khúc Borderline (2019) của ca sĩ Sunmi có giai điệu u ám và nói về những năm tháng cô mắc chứng rối loạn nhân cách. Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến sự ổn định cảm xúc của một người.
Sunmi từng từ chối phát hành Borderline vì cô cảm thấy bài hát nhạy cảm. Nhưng sau đó, nữ ca sĩ quyết định đưa bài hát vào sản phẩm phát hành năm 2021. Lời bài hát thẳng thắn và đào sâu hơn về những gì Sunmi trải qua trong quá khứ. Nhiều khán giả cho biết họ xúc động đến bật khóc khi đọc lời bài hát.
Một fan Kpop người Indonesia tên Liz, 29 tuổi, cho biết: “Tôi thích cách một số công ty dành thời gian nghỉ ngơi thích hợp cho các ngôi sao thần tượng vì sức khỏe tinh thần của họ. Mọi công ty đều nên làm điều đó. Hầu hết xã hội châu Á không nói về sức khỏe tâm thần một cách công khai. Tôi không phải Once (tên fan của TWICE), nhưng thật ấm lòng khi thấy các thành viên và người hâm mộ đã ủng hộ như thế nào khi Mina, Jungyeon gặp vấn đề tâm lý".
Vì sao người nổi tiếng dễ gặp vấn đề tâm lý?
Tờ Korea JoongAng Daily nhận định các vấn đề sức khỏe tâm thần từng bị kỳ thị ở Hàn Quốc. Tuy nhiên hiện nay, ai cũng biết các thần tượng Kpop phải trải qua vô số áp lực trong suốt quá trình đào tạo và trở thành ngôi sao. Điều đó góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong ngành giải trí.
Tiến sĩ Kwon Jun Soo của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, đồng thời là giáo sư tâm thần học, cho biết người nổi tiếng dễ bị rối loạn lo âu và hoảng sợ hơn. Ngoài những áp lực khi trở thành người của công chúng, họ được kỳ vọng thể hiện nhiều cảm xúc mãnh liệt mà người bình thường không có.
Họ thường trải qua sự lo lắng và thay đổi tâm trạng. Vì vậy, nhiều người nổi tiếng cảm thấy họ có thể cởi mở về cuộc đấu tranh của mình với sức khỏe tinh thần. Và nhờ có thể tiếp cận được lượng lớn khán giả, nên vấn đề này ngày càng được trao đổi công khai, thoải mái hơn.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi xã hội này, những người nổi tiếng từng phải đối mặt với những câu trả lời khắc nghiệt khi chia sẻ về vấn đề sức khỏe tinh thần. Nhiều khán giả thậm chí cho rằng áp lực tinh thần là cái giá không thể tránh khỏi của sự nổi tiếng và giàu có.
Đặc biệt, các thần tượng Kpop, hầu hết ở độ tuổi 20 luôn được kỳ vọng thể hiện hình ảnh tươi sáng và vui vẻ. Vì vậy, họ càng gặp khó khăn trong việc bày tỏ bất kỳ cuộc đấu tranh tinh thần nào mà bản thân có thể phải đối mặt.
Theo nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik, một số thần tượng Kpop hàng đầu tự kết liễu đời mình trong khoảng thời gian ngắn giữa năm 2017 và 2019 sau khi chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội.
"Từ trường hợp của ca sĩ, diễn viên Sulli và nhiều người khác, mọi người bắt đầu coi những cuộc đấu tranh tinh thần là vấn đề nghiêm trọng, cần sự đối thoại. Đặc biệt, lượng công việc và mức độ căng thẳng mà thần tượng Kpop phải đối mặt hiện giờ nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây. Giờ đây, họ có người hâm mộ không chỉ ở Hàn Quốc mà trên toàn thế giới. Do đó, ngành công nghiệp Kpop cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần", Kim Heon Sik nói với Korea JoongAng Daily.
Tiến sĩ Kwon Jun Soo nói thêm: "Mọi người từng giữ kín về các vấn đề sức khỏe tâm thần vì bị kỳ thị. Nhưng điều đó thay đổi trong vài năm qua. Mọi người hiện giờ sẵn sàng bày tỏ khi họ cảm thấy lo lắng và tìm kiếm sự trợ giúp từ y tế. Bệnh nhân của tôi từng lo sợ họ có thể đụng độ người quen ở bệnh viện, nhưng giờ đây, nhiều người trong số họ đến thăm khám mà không hề xấu hổ".
Nhà phê bình Kim Heon Sik nói tiếp: “Việc đến một phòng khám sức khỏe tâm thần trước đây gặp thành kiến. Nhưng giờ đây, nó trở thành thuật ngữ phổ biến ở Hàn Quốc. Tôi hy vọng việc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia sẽ được chấp nhận rộng rãi và khuyến khích. Sẽ còn tốt hơn nếu các công ty giải trí, dù lớn hay nhỏ, thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp bắt buộc trong công ty".
Tiến sĩ Kwon nói rằng phạm vi của cuộc thảo luận về vấn đề sức khỏe tinh thần của giới nghệ sĩ cũng nên mở rộng. Ông cho rằng thời gian qua, nhiều nghệ sĩ chỉ chia sẻ việc họ bị lo lắng. Trong khi đó, chứng trầm cảm hay rối loạn nặng như tâm thần phân liệt vẫn chưa được nhắc đến.
"Ngay cả trầm cảm cũng ít được nói đến hơn so với lo lắng. Bởi những người nổi tiếng không muốn nói về điều tồi tệ trước mặt người hâm mộ. Đặc biệt, mọi người vẫn thấy xung đột nếu phải sử dụng thuốc. Họ cho rằng chỉ cần nghỉ ngơi, trị liệu và tránh các hoạt động căng thẳng là đủ để phục hồi”, tiến sĩ nhận định.
Ông tiếp tục: “Nhưng mỗi người có tính khí và hóa chất não khác nhau. Vì vậy một số người tự nhiên dễ bị căng thẳng hơn dẫn đến rối loạn tâm thần. Vì sự kỳ thị dùng thuốc là ‘yếu ớt’ nên nhiều người lặng lẽ chịu đựng. Sự cởi mở cần phát triển bao gồm cả các tình trạng nghiêm trọng và thuốc men".