Sự lãng phí và nghèo nàn của một số thư viện chuẩn quốc gia

Thư viện toàn sách giáo khoa, sách mẫu, sách bài tập, một số tờ báo kén người đọc thì ai còn hứng thú để bước vào thư viện nhà trường nữa?

Những năm gần đây, nhiều trường học phổ thông đã chú trọng để đầu tư, phát triển văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh với nhiều hình thức khác nhau. Những trường đang trọng lộ trình để được công nhận hoặc đã được công nhận là thư viện chuẩn quốc gia thì các đầu sách được mua mới rất nhiều.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều thư viện trường học chưa thu hút được bạn đọc bởi số lượng sách thì nhiều nhưng sách mà để giáo viên, học sinh trong trường đọc được thì lại rất hạn chế. Thậm chí, một số trường mới chú trọng về “lượng” chứ chưa chú trọng về “chất” để phát triển đầu sách trong thư viện.

Học sinh thích thú với những cuốn sách phù hợp, lôi cuốn (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Học sinh thích thú với những cuốn sách phù hợp, lôi cuốn (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sự lãng phí ở các thư viện được công nhận là chuẩn quốc gia

Lãng phí trong giáo dục thì có rất nhiều nhưng lãng phí khi xây dựng thư viện trường học thành thư viện chuẩn quốc gia của nhiều trường học hiện nay thể hiện ở sự máy móc, hình thức theo hướng dẫn của cấp trên.

Những tủ, những kệ đựng sách, bàn ghế phục vụ bạn đọc đang đẹp nhưng vì xây dựng thư viện chuẩn quốc gia nên nhà trường phải thay mới cho đúng chuẩn. Hàng chục triệu đồng đầu tư mua sắm mới, những thứ cũ vứt lăn lóc ở một góc kho nhà trường sau một thời gian thì xuống cấp và thanh lý hoặc phải bỏ đi.

Sách mua mới rất nhiều bởi theo hướng dẫn hiện hành về tiêu chuẩn của thư viện trường phổ thông thì phải có sách, báo, tạp chí, bản đồ và tranh ảnh giáo dục đầy đủ theo quy định.

Đối với sách giáo khoa thì được quy định trang bị mỗi học sinh có 1 bộ sách để 100% học sinh khó khăn có thể thuê, mượn.

Sách nghiệp vụ của giáo viên; sách bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; các sách nâng cao trình độ chuyên môn. Mỗi tên sách nghiệp vụ của giáo viên phải đủ cho giáo viên có 01 bản và 03 bản lưu tại thư viện .

Đối với sách tham khảo thì số lượng sách tham khảo trong thư viện phải đạt bình quân như sau :

Trường tiểu học: Trường ở thành phố, thị xã và đồng bằng tối thiểu 1 học sinh có 02 cuốn sách; Trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, và đặc biệt khó khăn tối thiểu 02 học sinh có 01 cuốn sách.

Trường Trung học cơ sở : Trường ở thành phố, thị xã và đồng bằng tối thiểu 1 học sinh có 03 cuốn sách; Trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, và đặc biệt khó khăn tối thiểu 01 học sinh có 01 cuốn sách.

Trường Trung học phổ thông: Trường ở thành phố, thị xã và đồng bằng tối thiểu 1 học sinh có 04 cuốn sách; Trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, và đặc biệt khó khăn tối thiểu 01 học sinh có 02 cuốn sách;

Số sách tham khảo phải có đầy đủ tên sách theo danh mục sách dùng cho thư viện các trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hàng năm. Ngoài ra, nhà trường còn phải đặt mua một số loại báo, tạp chí của ngành, của địa phương...

Sách báo nhiều nhưng không thu hút được bạn đọc

Mặc dù nhà trường hàng năm mua thêm rất nhiều loại sách, hàng ngày có rất nhiều báo nhưng đa phần chỉ nhận, nhập về thì bỏ xó. Sách thì bỏ lên kệ, thậm chí nhân viên thư viện vứt lăn lóc trong bao nhiều tháng không thèm mở ra.

Báo chí thì đều là những loại báo kén người đọc. Nhu cầu của giáo viên, học sinh không mấy người đọc trừ một số giáo viên đọc tờ báo ngành để nắm thông tin. Mặc dù nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh dù có ít hơn trước nhưng vẫn nhiều người vẫn đọc sách, báo hàng ngày.

Nhưng, những lúc không có tiết dạy, giáo viên có vào thư viện thì cũng khó tìm được cuốn sách hay một tờ báo nào phù hợp để đọc. Bởi, sách thì toàn sách giáo khoa đã phủ bụi qua hàng chục năm.

Sách tham khảo chuyên môn thì đa phần là những sách bài tập, hướng dẫn ra đề kiểm tra, đề kiểm tra…đã xuất bản khá lâu mà ngành thì thay đổi qua từng năm. Vì thông thường những loại sách cũ, những loại sách mà các công ty sách chào bán đa số là sách đã không còn nhu cầu thì họ mới chào đến trường học.

Ban giám hiệu nhà trường họ mua cũng vì để đủ chuẩn số lượng theo quy định, chứ có ai xem nội dung hay yêu cầu các giáo viên trong trường báo cáo, thảo luận những loại sách có nhu cầu.

Nhưng đổi lại, những loại sách như vậy thì các nhà sách chiết khấu phần trăm khá cao cho người mua. Thông thường, giảm ít nhất từ 20% so với giá bìa nên một số hiệu trưởng thường mua các loại sách này về thư viện trường mình cho đủ số lượng mà cũng là một công đôi việc.

Báo thì chỉ trừ tờ báo Đảng của tỉnh là đến được trong ngày, các tờ báo khác đều đến chậm nên tính thời sự không còn. Trong khi đọc báo mà không có tính thời sự thì ai đọc làm gì. Hơn nữa, những báo vào trường học đều là những báo cực kỳ kén người đọc.

Những lúc giáo viên không có tiết, những lúc học sinh ra chơi hay chờ đợi học trái buổi nhưng vào thư viện thì học sinh khó tìm được những tờ báo nào phù hợp. Trường đặt 1 tờ báo Thiếu niên mà trong trường mấy trăm học sinh thì báo đâu mà đọc?

Những tờ báo phù hợp với lứa tuổi học trò như: Mực tím, Hoa học trò, Áo trắng, Tạp chí toán học trẻ, tạp chí văn học trẻ…rất ít khi xuất hiện trong các nhà trường, nhất là đối với những trường quê. Nếu có cũng chỉ đặt 1-2 đầu báo, tạp chí với số lượng mỗi số mỗi tờ cho có.

Như vậy, giáo viên và học sinh vào thư viện dù sách báo nhiều nhưng chủ yếu để trưng cho đẹp để đủ đầu sách khi cấp trên về kiểm tra hàng năm và công nhận để đạt thư viện chuẩn quốc gia mà thôi.

Văn hóa đọc đang sa sút đó là điều mà xã hội đã lên tiếng nhưng với cách mua sắm, quy định thư viện nhà trường đặc biệt là thư viện chuẩn quốc gia chỉ mới hướng vào số lượng, hướng vào hình thức mà chưa hướng tới nhu cầu người đọc cần gì.

Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường không khó bởi nhu cầu đọc vẫn có, số lượng giáo viên, học sinh đông, thời gian rảnh rỗi trong trường vẫn có. Những lúc ấy, thư viện nhà trường sẽ là nơi mọi người hướng đến…

Nhưng, thư viện toàn sách giáo khoa, sách bài tập, những tờ báo kén người đọc thì ai còn hứng thú để bước vào thư viện nhà trường nữa? Nhất là khi trong tay cả thầy và trò đều có những chiếc điện thoại thông minh với rất nhiều chức năng.

Chính vì thế, một số thư viện nhà trường, thậm chí cả thư viện chuẩn quốc gia luôn vắng hoe, không có bạn đọc cũng là một điều rất dễ hiểu.

Việc chuẩn bị để công nhận thư viện chuẩn quốc gia được chuẩn bị, đầu tư rầm rộ nhưng chỉ tiếc một số nhà trường lại chưa chú trọng những cuốn sách có chất lượng, phù hợp với thị hiếu của giáo viên và học sinh trong nhà trường!

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/su-lang-phi-va-ngheo-nan-cua-mot-so-thu-vien-chuan-quoc-gia-post205261.gd