Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Cách đây 79 năm, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, từ sớm, từ xa - Nhân tố quan trọng dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Điều quan trọng trước tiên là sự chuẩn bị về con người, đặc biệt đội ngũ cán bộ. Đây là vấn đề được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, bởi đó không chỉ là vấn đề có ý nghĩa trước mắt mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

Ngay từ đầu năm 1941, khi chuẩn bị về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho cán bộ. Tiếp đó, rất nhiều hình thức huấn luyện, đào tạo cán bộ được tổ chức tại căn cứ địa Việt Bắc và các chiến khu, các địa phương nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị và cán bộ quân sự. Đặc biệt, trong các nhà tù đế quốc, mặc dù bị kẻ thù kiểm tra chặt chẽ, các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức được nhiều lớp huấn luyện và luyện tập quân sự. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ được đào tạo trong giai đoạn này hầu hết là những thanh niên giàu lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đi sát quần chúng, nhanh chóng phát huy vai trò tiên phong của mình trong cao trào đấu tranh của quần chúng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong Cách mạng Tháng Tám.

Tiếp theo, quá trình chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là chuẩn bị về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và xây dựng các căn cứ địa.

Ngay từ khi mới ra đời, trong Chánh cương vắn tắt; Sách lược vắn tắt của Đảng, chủ trương chuẩn bị lực lượng chính trị được khẳng định bằng việc đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân và các tổ chức đảng phái yêu nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp vô sản lãnh đạo. Sách lược vắn tắt xác định Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng xây dựng khối đoàn kết rộng rãi với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước và các tổ chức cách mạng, chỉ đánh đổ các lực lượng và các đảng phái phản cách mạng, phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sáng tạo ra hình thức tập hợp lực lượng mới, huy động quần chúng, tập dượt quần chúng, phát động phong trào quần chúng rộng rãi đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Phong trào đã “lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu người”, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám.

 Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

Nhìn chung, chủ trương chuẩn bị lực lượng chính trị của Đảng được thực hiện phù hợp với từng điều kiện lịch sử và nhiệm vụ cách mạng cụ thể. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941, đã quyết định thành lập ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, theo đề nghị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tháng 10-1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nói rõ tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh: “Liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật, giành quyền độc lập cho xứ sở”(1). Với mục đích, tôn chỉ và tổ chức như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, một khối đoàn kết toàn dân được kiến tạo rộng rãi, vững chắc và phát triển mạnh mẽ từ Bắc đến Nam, ở miền ngược và miền xuôi, ở nông thôn và thành thị, tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại, góp phần to lớn nhanh chóng giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám.

Đối với xây dựng lực lượng vũ trang, ngay từ khi thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là “tổ chức ra đội quân công nông”. Luận cương chính trị (10-1930) của Đảng ngoài việc xác định “lập đội quân công nông”, còn đề ra nhiệm vụ “tổ chức đội tự vệ của công nông” và khi võ trang giành chính quyền là “võ trang cho công nông”.

Từ các cuộc khởi nghĩa, lực lượng vũ trang địa phương lần lượt ra đời. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) dẫn tới sự ra đời của Đội Du kích Bắc Sơn. Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) dẫn tới sự xuất hiện nhiều tổ chức vũ trang với tên chung là quân du kích Nam Kỳ. Cuộc binh biến Đô Lương, Nghệ An (13-1-1941), báo hiệu thời kỳ đấu tranh giành chính quyền bắt đầu ở cả ba miền.

Trên cơ sở sự ra đời của các lực lượng vũ trang địa phương, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941), nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”(2), vì thế chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời của lực lượng này dẫn tới sự ra đời của hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - quân chủ lực; các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, châu, huyện và các đội quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố - lực lượng bán vũ trang địa phương.

Ngày 15-5-1945, lễ hợp nhất các tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức. Cứu quốc quânViệt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.

Như vậy, từ những “đội tự vệ” đầu tiên được tổ chức ở Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931, từ một trung đội du kích quân (Cứu quốc quân) đầu tiên ra đời ở Bắc Sơn cuối năm 1940 và từ một Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở Cao Bằng cuối năm 1944, đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã chuẩn bị được một lực lượng vũ trang cách mạng khá đông và rộng rãi. Cùng với sức mạnh áp đảo về chính trị, lực lượng vũ trang đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp khởi nghĩa vũ trang của toàn dân đến thắng lợi.

Bên cạnh xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa. Với sự tích cực, chủ động, đến tháng 6-1945 - trước thềm Cách mạng Tháng Tám, Khu Giải phóng Việt Bắc đã được thành lập gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Không chỉ là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới, Khu Giải phóng Việt Bắc còn đóng vai trò là căn cứ địa quan trọng của tổng khởi nghĩa, nơi đặt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; vị trí đóng quân của lực lượng cách mạng; nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết chớp thời cơ, vận dụng thời cơ để lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngay từ tháng 5-1941, khi Liên Xô chưa tham chiến, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 được tổ chức tại Pắc Bó (Cao Bằng) đã ra Nghị quyết, dự báo một cách chính xác hệ quả trực tiếp của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó cách mạng nhiều nước thành công…”(3). Thực tiễn lịch sử chứng minh tính đúng đắn của dự báo do Đảng ta đưa ra. Với chiến thắng của Liên Xô và các lực lượng Đồng minh trước chủ nghĩa phát xít, thời cơ cách mạng đã đến với nhiều nước trên thế giới khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Không chỉ dự báo và xác định được thời cơ giành chính quyền cách mạng, từ rất sớm, Đảng ta đã phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc, nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới. Ngày 15-2-1944, trong bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!” đăng trên Báo Cờ Giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra. Từ đó đến đầu năm 1945, vấn đề “cuộc đảo chính của phát xít Nhật” luôn được nhắc tới trong những văn kiện, tài liệu tuyên truyền của Đảng, định hướng công tác chuẩn bị của phong trào cách mạng cho thời điểm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Vì thế, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 9-3-1945, Đảng ta không bị động trước thời cuộc mà trái lại, đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Ngay trong đêm Nhật - Pháp bắn nhau, từ chập tối, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh khai mạc tại chùa Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Sợ bị lộ, Hội nghị chuyển sang làng Đình Bảng họp tiếp. Trên đường đi, nghe tiếng súng nổ dồn từ phía Hà Nội, các đồng chí dự Hội nghị dồn bước tới địa điểm mới, họp tiếp và ra ngay Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945.

Bản Chỉ thị nhận định, cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới. Trong Bản Chỉ thị đó, Ban Chấp hành Trung ương, ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước: Một là, Quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; hai là, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Dưới ánh sáng của bản Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, các cấp bộ đảng từ Trung ương đến địa phương đã theo dõi sát sao diễn biến mặt trận Thái Bình Dương. Sau khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt một triệu quân Quan đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-shi-ma và Na-ga-sa-ki (ngày 6 và 9-8-1945), Hội đồng Tối cao chiến tranh của Nhật Bản đã họp bàn về các điều kiện đầu hàng theo Tuyên bố Pốt-xđam. Sau những cuộc thương lượng giữa Nhật Bản và Đồng minh, ngày 14-8-1945, Hội đồng Tối cao chiến tranh và nội các Nhật Bản với sự hiện diện của Nhật Hoàng đã nhóm họp và thông qua quyết định đầu hàng Đồng minh. Trưa ngày 15-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh.

Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo. Lúc này, dù đang bệnh nặng, tại lán Nà Nưa (còn gọi là Nà Lừa), Tân Trào (Tuyên Quang), Lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm: “Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(4).

Tiếp đó, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh viết: “… Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!... Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”(5).

Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương “Tổng khởi nghĩa” của Đảng. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(6).

Quyết tâm của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa), lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương đã chỉ rõ thời cơ giành độc lập đã đến, toàn thể đồng bào hãy đoàn kết đứng dậy đấu tranh tự giải phóng. Trong giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, cần thành động kịp thời không thể chậm trễ để mất thời cơ; đối với các cấp bộ đảng và đảng viên, yêu cầu được đặt ra là sáng suốt trong lãnh đạo, hy sinh trong chiến đấu “để xứng đáng là một đội quân tiên phong của dân tộc”(7).

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945. Ảnh: Tư liệu

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng (15-8-1945) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo tinh thần Hiệp định Pốt-xđam (5.9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8 quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều không có khả năng thành công. Đảng và nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(8).

Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở tính đúng đắn, sáng tạo trong chủ trương, đường lối; trong xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cũng như nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi; đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Vận dụng những bài học kinh nghiệm đó, gần 80 năm trôi qua, từ chỗ là một nước thuộc địa, không có tên trên bản đồ thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định.

Trước bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là bối cảnh quốc tế, khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do đó, hơn lúc nào hết, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cần tiếp tục được chắt lọc, vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, trước hết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Đại tá, PGS,TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội. 2000, Tập 7, tr.149.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội. 2000, Tập 7, tr.129.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 7, tr.100.

4. Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, Hà Nội.1969, tr.212.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, Tập 7, tr.419-424.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội.2011, tr.596.

7. GS Trịnh Nhu (Chủ biên): Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2012, tr.364.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tr.557.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/su-lanh-dao-cua-dang-va-chu-tich-ho-chi-minh-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945-790163