Xô viết Nghệ - Tĩnh và sự theo dõi, chỉ đạo từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

1. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), một cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vùng lên khắp nơi trên cả nước. Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Mở đầu là những cuộc biểu tình ủng hộ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Tại Vinh - Bến Thủy, công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, công nhân các nhà máy diêm, cưa, điện cùng nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương sát cánh bên nhau đứng lên đấu tranh, phất cao cờ đỏ búa liềm, cùng khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị... Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân đoàn kết bên nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Tiếp sau đó, tại các vùng nông thôn, những cuộc biểu tình của nông dân diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

 Đội Tự vệ đỏ ở Hòa Quân, Đông Sớ, Nghệ An trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ảnh: Tư liệu

Đội Tự vệ đỏ ở Hòa Quân, Đông Sớ, Nghệ An trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ảnh: Tư liệu

Từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã bắt đầu chuyển sang kết hợp đấu tranh vũ trang với những vũ khí thô sơ. Đỉnh cao là sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn)…, đã giương cao cờ đỏ búa liềm đấu tranh, làm chủ huyện đường, lập chính quyền công – nông Xô viết ở khắp nơi. Hoảng sợ, thực dân Pháp cho máy bay trút bom xuống đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương, hàng chục người bị bắt giam.

Từ giữa tháng 9 trở đi, phong trào đấu tranh của quần chúng chuyển biến vượt ngoài dự kiến của các cấp bộ Đảng. Những cuộc biểu tình với vũ khí thô sơ, có sự hỗ trợ của Đội Tự vệ đỏ, nông dân nhiều huyện ở Nghệ - Tĩnh dồn dập tấn công. Trước bão táp cách mạng của quần chúng, chính quyền cai trị rối loạn, tan rã; thực dân Pháp và Nam triều ngày đêm sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi và tìm cách đàn áp…

2. Khi phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ở nước ngoài (Trung Quốc), không trực tiếp chỉ đạo, nhưng Người luôn theo dõi sát sao diễn biến, nắm rõ các cuộc đấu tranh của từng địa phương, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nhằm cổ vũ, động viên Nhân dân Nghệ - Tĩnh giữ vững tinh thần cách mạng, tiếp tục đấu tranh, không sợ hãi trước hành động khủng bố dã man của địch, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Nghệ Tĩnh đỏ”, ca ngợi truyền thống anh dũng, kiên cường của Nhân dân Nghệ - Tĩnh.

Trước khí thế của phong trào cách mạng và sự ra tay đàn áp của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, cảnh báo: “Chính quyền Pháp ở Đông Dương đang chuẩn bị ráo riết một chiến dịch khủng bố nông dân Nghệ An nói chung và nông dân Thanh Chương nói riêng”, qua đó, tố cáo tội ác của chính quyền thực dân: “Đế quốc Pháp khủng bố phong trào nông dân dữ dội chưa từng thấy. Như ở Nghệ An, chỉ trong một cuộc biểu tình ở phủ Hưng Nguyên, máy bay thả bom giết chết 171 nông dân. Ở Thanh Chương, 103 người bị bắn chết trong một lúc. Riêng tỉnh Nghệ An đã có 393 người bị giết trong 7 cuộc biểu tình, nhiều làng đỏ bị triệt hạ và đốt trụi”… Đồng thời, kêu gọi các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ phong trào đấu tranh của Nhân dân Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn khủng bố trắng của địch, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho đại diện Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Nội dung thư nêu rõ: “Khủng bố trắng đang hoành hành dữ dội. Nhiều bà con nông dân bị hy sinh, nhiều chi bộ bị phá vỡ, đa số các đồng chí chúng ta bị bắt và gặp khó khăn nghiêm trọng, đề nghị Quốc tế Cộng sản và các tổ chức trực thuộc, các Đảng anh em, giai cấp công nhân trên toàn thế giới quan tâm hơn nữa tới phong trào cách mạng Việt Nam”...

Đối với phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Trung ương Đảng phát động đấu tranh rộng khắp trong cả nước, ủng hộ cuộc đấu tranh của Nhân dân Nghệ - Tĩnh và “chia lửa” với Nghệ - Tĩnh. Thực hiện chỉ đạo của Người, Trung ương Đảng đã ra Thông cáo gửi đến các địa phương, kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính liên hiệp đấu tranh bảo vệ công nông Nghệ An với khẩu hiệu “Không được đụng tới công nông Nghệ An”. Người yêu cầu các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác xây dựng Đảng; phát triển lực lượng cách mạng, nhất là phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ... Một làn sóng đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh bùng lên ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, làm cho thực dân Pháp phải lúng túng đối phó, qua đó đã “chia lửa” với Nhân dân Nghệ - Tĩnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên cùng với các địa phương trên cả nước đã mở đợt tuyên truyền rộng rãi đưa tin về cuộc đấu tranh của Nhân dân Nghệ - Tĩnh, tố cáo hành động khủng bố dã man của thực dân Pháp, cổ vũ tinh thần đấu tranh bất khuất của Nhân dân Nghệ - Tĩnh. Ở Huế, truyền đơn được rải khắp nơi trong nội thành kêu gọi ủng hộ Nghệ - Tĩnh. Ngày 30/9/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên vạch kế hoạch đẩy mạnh cuộc vận động “bênh vực Nghệ An đỏ”…

Cao trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đánh giá về ý nghĩa của Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong biển máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”.

* Những trích dẫn trong bài được trích từ Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, từ tr.55 – tr.84.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/xo-viet-nghe-tinh-va-su-theo-doi-chi-dao-tu-lanh-tu-nguyen-ai-quoc-145869.html