Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy: Huyền thoại của bầu trời
Trong lịch sử không quân Việt Nam, phi công Nguyễn Văn Bảy (1936-2019) là một cái tên huyền thoại khi lái MiG-17 bắn hạ 7 máy bay tối tân của Mỹ. Ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân khi vừa bước qua tuổi 30 với quân hàm Thượng úy. Câu chuyện về phi công Nguyễn Văn Bảy thực sự là một huyền thoại của bầu trời và cuộc đời ông như biểu tượng về một 'Cánh chim của bầu trời tự do' …
Tháng 5 vừa qua, cuốn sách “Cánh chim bất tử - Câu chuyện về người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy” được Công ty Cổ phần sách điện tử Waka phát hành. Cuốn sách là những câu chuyện kể của anh Nguyễn Quốc Anh, là con trai thứ của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy về cha mình, đã một lần nữa tái hiện chân dung người “Anh hùng chân đất” từ góc nhìn gần gũi nhất.
Từ một cậu bé miền Tây chân đất mới học hết lớp 3, Nguyễn Văn Bảy đã bay lên bầu trời, lập nhiều chiến công bằng lòng yêu nước và ý chí sắt đá. Ông không sinh ra để làm phi công, nhưng đã trở thành một trong những phi công huyền thoại của thế giới, người đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ và được vinh danh ngang hàng với những phi công xuất sắc nhất trong lịch sử.
Nhưng điều khiến tên tuổi ông trở nên có sức sống mạnh mẽ trong lòng đồng bào, đồng chí, đồng đội không chỉ nằm ở những chiến công hiển hách, mà còn ở cuộc sống bình dị sau ánh hào quang: lúc nào ông cũng chỉ là một người nông dân lặng lẽ, một người cha yêu con cái, gia đình một cách nghiêm khắc và trìu mến, một con người lương thiện, ấm áp và khiêm nhường đến tận cùng.

Nụ cười cố phi công Nguyễn Văn Bảy.
Anh Nguyễn Quốc Anh chia sẻ rằng: “Ý tưởng xây dựng cuốn sách này bắt nguồn từ một buổi chiều lặng lẽ, khi tôi ngồi bên mảnh vườn ba từng chăm chút, nghe tiếng gió xào xạc qua những tán cây ba trồng. Tôi chợt nhận ra rằng, đằng sau những chiến công vang dội, đằng sau một hình ảnh người hùng bất khuất là một câu chuyện khác ít ai biết tới. Đó là câu chuyện về tình yêu, về sự hy sinh, về những điều ba đã đánh đổi để tôi và anh em tôi được lớn lên trong hòa bình. Ba tôi từng ngồi lại với tôi, giọng trầm ngâm kể: “Đã làm lính, sống chết là chuyện bình thường. Nhưng chiến đấu để con cháu được sống trong yên bình, để quê hương không còn tiếng bom rơi, đó mới là điều ba trăn trở mỗi lần cất cánh”.
Lời nói ấy không chỉ là lời của một người lính, mà là tâm nguyện của một người ba, một người chồng, một người đàn ông Nam Bộ nặng tình với đất nước và gia đình. Chính câu nói ấy đã khắc sâu trong tôi hình ảnh một người ba sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại những giấc mơ cá nhân để lao vào lửa đạn, để bảo vệ bầu trời quê hương”.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sinh ngày 2/2/1936 tại làng Hòa Thành, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) với tên khai sinh là Nguyễn Văn Hoa. Nhưng hồi còn nhỏ hay bị bạn bè trêu chọc là “giống tên con gái” nên ông xấu hổ và tự đổi tên mình thành Nguyễn Văn Bảy (ông là con thứ 7 trong gia đình). Vậy là cuộc đời cậu bé Nguyễn Văn Bảy từ đó gắn với những con số 7 như một sự trùng hợp lạ kỳ: lái máy bay MiG-17, bắn hạ 7 máy bay Mỹ, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 1967, được Bác Hồ tặng 7 Huy hiệu của Người…
Năm 17 tuổi, với mơ ước khám phá thế giới, vượt lên trên mong muốn của người cha miền Tây rằng: “Đàn ông phải có nhà, có vợ mới ra dáng người lớn!”, chàng thanh niên Nguyễn Văn Bảy đã trốn nhà theo bộ đội và bắt đầu những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy cùng một số chiến sĩ trong đơn vị xuống tàu tập kết ra Bắc với hy vọng 2 năm sau sẽ lại trở về... Năm 1960, ông là 1 trong 10 chiến sĩ của Sư đoàn được chọn đi khám tuyển phi công và được chọn để tham gia khóa đào tạo phi công tại Trung Quốc sau khi vượt qua những vòng khám sức khỏe căng thẳng.
Khi trốn nhà theo quân ngũ, ông mới có trình độ văn hóa lớp 3, nên sau khi trúng tuyển, ông được đưa lên trường Văn hóa Lạng Sơn của Quân đội để học văn hóa cấp tốc, đồng thời học ngoại ngữ. Lúc được cử đi học lái máy bay, ông Nguyễn Văn Bảy thậm chí còn chưa biết đi xe đạp, nhưng bằng ý chí và nghị lực kiên cường, ông đã học lái Yak-18, MiG-15, MiG-17 để bay thật cao, viết nên một huyền thoại về những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trong chuyến đi giao lưu với các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2017.
Trong cuốn sách “Cánh chim bất tử - Câu chuyện về người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy”, anh Nguyễn Quốc Anh hồi tưởng: “Việc chọn một người lính xuất thân từ đồng ruộng, chưa từng tiếp xúc với kỹ thuật hiện đại để huấn luyện trở thành phi công là một quyết định đầy táo bạo. Nhưng chính từ sự “không biết sợ” từ những người lính như ba, phép màu đã bắt đầu. Đối với một người chưa từng tiếp xúc với công nghệ hiện đại, việc học lái chiến đấu cơ là một điều vô cùng khó khăn.
Những thao tác cơ bản, những kỹ thuật phức tạp, tất cả đều mới mẻ và thử thách đối với ba. Nhưng ba tôi không nản lòng. Ông kiên trì luyện tập, bắt đầu từ những bài học cơ bản nhất, dần dần tiến tới kỹ thuật phức tạp hơn. Ba hiểu rằng, trong môi trường này không có chỗ cho sự lơ là. Bất kỳ sai lầm nào, dù là nhỏ nhất đều có thể dẫn đến mất mát, có thể là tính mạng… Với nghị lực phi thường, ba tôi đã dần làm chủ bầu trời, sẵn sàng trở thành một trong những phi công xuất sắc nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam…”.
Trong trận chiến trên không đầu tiên mà ông Nguyễn Văn Bảy xuất kích là vào ngày 7/10/1965, chiếc MiG-17 của ông đã bị một chiếc F-4 Phantom bắn bằng tên lửa AIM-7 nổ ở khoảng cách gần khiến cho máy bay của ông bị thủng đến 84 lỗ. Khi đó, mặt đất lệnh cho ông nhảy dù, nhưng thấy máy bay vẫn còn điều khiển được, ông Bảy xin phép không nhảy dù và giữ bình tĩnh điều khiển máy bay về sân bay hạ cánh an toàn. Các chuyên gia Liên Xô và thợ máy của ta khi đó từ kinh ngạc đến trầm trồ và trở thành một kỳ tích trong không chiến trên thế giới. Chiến công đầu tiên của ông lập được trên bầu trời là ông đã bắn rơi một máy bay F-4C của không quân Mỹ, mở đầu cho chuỗi thành tích ấn tượng của ông sau này.
Tháng 1/1967, Thượng úy phi công Nguyễn Văn Bảy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và có nhiều lần được gặp Bác. Có lần, sau một trận đánh lớn, ông vinh dự được mời vào ăn cơm cùng với Bác, được Bác khen ngợi và dặn dò: “Chú đánh giỏi đấy. Nhưng đánh giỏi phải biết giữ mình. Còn sống để mà đánh lâu dài!”. Sau khi được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Văn Bảy còn tham gia nhiều trận đánh khác và bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ nữa chỉ trong 4 tháng đầu năm 1967, nâng tổng số chiến công lên 7 chiếc, trong đó có 4 chiếc F-4 Phantom II, 2 chiếc F-105 Thunderchief, 1 chiếc F-8 Crusader.
Đây thực sự là một con số đáng kinh ngạc với một phi công chỉ lái MiG-17, chiếc máy bay được xem là “lỗi thời”, lạc hậu so với đối phương khi “không có radar, không tên lửa tầm nhiệt, chỉ vũ trang bằng pháo 23mm và 37mm” và bị Mỹ coi là cổ lỗ sĩ so với những F-4 Phantom II hay F-105 Thunderchief đầy tối tân, hiện đại. Phi công Nguyễn Văn Bảy đã được ghi danh là AEC - danh hiệu quốc tế dành cho phi công bắn hạ từ 5 máy bay trở lên và Việt Nam có 19 phi công đạt danh hiệu này.

Phi công Nguyễn Văn Bảy (trái) cùng đồng đội xem lại những tấm phim do máy ảnh tự động chụp lại khi điểm hỏa.
Để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong công tác huấn luyện bay. Sau này nhắc đến chuyện này, phi công Nguyễn Văn Bảy có lần nói: “Nếu Bác cho trực tiếp đánh nữa thì có thể tôi sẽ bắn rơi thêm vài chiếc nữa, nhưng cũng có thể đã hy sinh…”. Câu nói ấy đã thể hiện một tinh thần quả cảm, sẵn sàng đối mặt với cái chết để chiến đấu và bảo về bầu trời Tổ quốc thiêng liêng. Chuyến bay mà Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy nhớ suốt đời, chuyến bay mà các phi công phải nén đau thương, gạt nước mắt để bước lên máy bay, đấy là chuyến bay ngang Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Bác kính yêu.
Trong cuộc chiến đấu trên không bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã viết nên một huyền thoại với 94 lần xuất kích, nổ súng 13 lần, bắn rơi 7 máy bay Mỹ và lập một kỷ lục nữa là không nhảy dù một lần nào. Ông có vinh dự được Bác Hồ tặng 7 Huy hiệu của Người. Phi công Nguyễn Văn Bảy được ghi nhận là phi công duy nhất dùng MiG-17 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trên thế giới (7 chiếc) được nhiều phi công kỳ cựu của Mỹ phải kính nể, thán phục. Sau này, nhiều lần những cựu phi công Mỹ sang thăm Việt Nam đều muốn đến gặp gỡ và trò chuyện với phi công Nguyễn Văn Bảy. Năm 2017, chỉ 2 năm trước khi qua đời, cựu phi công Nguyễn Văn Bảy được mời đến Hoa Kỳ giao lưu với các cựu phi công từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam.
Cuộc đời của người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy còn khiến đồng bào, chiến sĩ cả nước thêm mến yêu cảm phục khi ông rời buồng lái máy bay và trở về đời thường làm một người nông dân chăm chỉ, cần mẫn nơi ruộng đồng. Nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, cùng đôi chân trần, tấm áo bà ba giản dị và cây cuốc trên vai, ông ngày ngày đào ao, trồng cây, chăm ruộng, sống cuộc sống của một người nông dân thực thụ và bình yên bên gia đình. Ông được người dân trong thôn ấp gọi là “Ông Bảy lúa”, “Ông Bảy ruộng”… chứ không phải với danh xưng một người Anh hùng quả cảm đã viết nên một huyền thoại trên bầu trời Tổ quốc và lịch sử của lực lượng Không quân Việt Nam.