'Sự lựa chọn': Câu chuyện của chiến tranh và bài học về sự tha thứ
'Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa' được tỷ phú Bill Gates đọc và đưa ra lời khuyên với mọi người rằng đây là cuốn sách 'đáng đọc và cần đọc' trong thế kỷ 21 này.
Có những cuốn sách đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt, có những cuốn sách đã tạo ra vô vàn cung bậc cảm xúc và để lại trong chúng ta nhiều bài học vô cùng lớn lao làm bước đệm vững chắc cho bước đường trưởng thành của mình. Đã có nhiều cuốn sách để lại ấn tượng sâu đậm như vậy trong tôi, nhưng gần đây nhất và ngay bây giờ có lẽ chính là cuốn Sựa lựa chọn – Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa của Tiến sĩ Tâm lý học nổi tiếng Edith Eva Eger.
Cuốn sách đã được xuất bản ở Mỹ, được dịch ra nhiều thứ tiếng, liên tục được bình chọn là cuốn sách bestseller ở Mỹ và nhiều nước khác, đặc biệt nhất phải kể đến đó là cuốn sách này đã được tỷ phú Bill Gates đọc và đưa ra lời khuyên với mọi người rằng đây là cuốn sách "đáng đọc và cần đọc" trong thế kỷ 21 này.
Khi thẩm định và đọc xong cuốn sách Sự lựa chọn, tôi càng thấm thía cho lời khuyên của Bill Gates và hiểu được lý do tại sao cũng như hiểu được giá trị của cuốn sách mà Bill Gates đã khuyên tất cả mọi người nên đọc. Không có con đường nào dẫn ngược ta trở về quá khứ. Nhưng những gì Tiến sĩ Eger kể lại qua cuốn hồi ký này của bà đã đưa chúng ta quay lại với quá khứ, trở về với những thảm cảnh đau thương, với những mất mát, và với những cuộc tàn sát khủng khiếp nhằm bài trừ người Do Thái mà Phát xít Đức, lúc đó do Hitler cầm quyền, đã gây ra ở trại tập trung Auschwitz, và ở châu Âu trong đầu những thập niên 40 của thế kỷ 20.
Xuyên suốt lịch sử loài người luôn có chiến tranh, luôn có mất mát, luôn có đau thương, luôn có hận thù và đó là điều chúng ta không thể tránh khỏi. Cha mẹ Tiến sĩ Eger là người gốc Do Thái, do đó cả gia đình bà (gồm ông bà, cha mẹ, hai chị gái và bà) đã bị Đức quốc xã bắt đến trại tập trung cùng nhiều gia đình người Do Thái ở Hungary khác. Đã có lúc bà từng nằm chờ chết, từng nằm bên cạnh những xác tù nhân bốc mùi hôi thối và chờ xúc cho vào lò thiêu xác ở Auschwitz. May mắn thay, bà là người hiếm hoi đã chạy thoát khỏi bàn tay tử thần và trở về từ cõi chết. Bà đã được cứu thoát bởi một người lính Mỹ, người đã phát hiện ra bà và chị gái bà vẫn còn sống thoi thóp giữa đống xác tù nhân chất chồng lên nhau.
Từ cõi chết trở về, bà trân trọng giá trị của sự sống từng giây, từng phút, nhưng bà luôn ôm trong lòng mối hận thù Đức quốc xã đã cướp đi ông bà, cha mẹ mình, thậm chí là mối tình đầu của bà ở Auschwitz để rồi gần cả cuộc đời còn lại của bà trong từng suy nghĩ, trong từng giấc mộng hằng đêm, trong từng ngụm không khí bà luôn day dứt, nuối tiếc, hối hận về ngày ấy giá như bà không nói: Đây là "Mẹ cháu" thay vì nói đây là "chị gái cháu" khi lính Đức hỏi bà để phân định chia người sang hai hàng sống – chết, thì có lẽ sinh mệnh của mẹ bà vẫn có thể còn sống sót.
Giá như, ngày ấy bà không nói hai từ "Mẹ cháu" thì trong phần đời còn lại của bà, bà sẽ không phải day dứt, không phải hối hận rằng chính bà đã nói ra hai-từ-không-nên-nói để đẩy mẹ mình vào cái chết. Trước khi đưa phụ nữ và trẻ em vào những cuộc hành quyết, lính Đức quốc xã đã yêu cầu tất cả phụ nữ và trẻ em xếp thành một hàng sau đó phân định ra thành hai hàng trái – phải. Ai đứng sang hàng trái sẽ cho đi hành quyết trước, những người còn lại sẽ bị tính đến sau.
Nhưng khi đó, ở tuổi 16, Tiến sĩ Eger có dáng người nhỏ thó như cô bé chỉ khoảng 10 tuổi, bà chưa hiểu hết âm mưu của Phát xít Đức nên đã buột miệng ngây thơ để hai từ "Mẹ cháu" vuột khỏi cổ họng. Khi Tiến sĩ Mengele – người được mệnh danh là Thiên thần của Cái chết trong trại Auschwitz hỏi: "Đây là mẹ cháu hay chị gái của cháu?" thì bà Eger đã trả lời rằng "Mẹ cháu".
Bà không ngờ rằng sau khi mình thốt ra câu nói đó thì mẹ bà đã bị bắt đứng sang hàng bên trái, sau đó bị lính Đức dẫn đến căn phòng khóa kín, bắt cởi hết quần áo, trần truồng trước khi cho vào phòng với hàng trăm người toàn phụ nữ và trẻ em bị nhốt lại. Không còn chút không khí, không còn một hơi thở và chỉ còn lại mấy ô cửa sổ nhỏ phía trên cao để lính Đức bơm khí độc vào phòng. Ngạt thở, ngạt khí độc, mẹ bà đã chết ngay sau lần xếp hàng bên trái ấy. Hồi tưởng lại tất cả những gì đã mất mát, những gì đau thương trong quá khứ khiến lòng bà luôn nặng trĩu một mối hận thù và một sự nuối tiếc, day dứt, khôn nguôi.
Nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở việc kể lại những thảm cảnh của chiến tranh, những thảm cảnh của những cuộc thảm sát thì có lẽ cũng đã có rất nhiều những câu chuyện lịch sử tương tự như vậy. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà tác giả đã vượt lên được chính những nỗi đau, vượt lên được chính những nỗi mất mát và cả những mối hận thù để sống, cống hiến và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người về một trái tim biết thứ tha, về sự tự do, về sự trả thù.
Bởi theo bà "Trong tình huống lý tưởng nhất, trả thù cũng vô dụng. Nó không thể thay đổi những điều ta đã hứng chịu, cũng không thể đòi lại mạng sống của những người đã khuất. Tồi tệ hơn, trả thù sẽ nuôi sống lòng hận thù. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. Khi chúng ta trả thù, ngay cả khi chúng ta không dùng đến bạo lực, chúng ta vẫn lạc lối trong một vòng tròn luẩn quẩn, một vòng xoáy bất tận mà không phải tiến về phía trước. Tôi nhận ra rằng, trả thù không làm cho ta Tự do. Vì vậy, tôi đứng ở nhà cũ của Hitler và tha thứ cho ông ta…
Tôi buông xả, tôi giải thoát cái phần mà bản thân đã dành hết gần cả cuộc đời, tiêu tốn không biết bao nhiêu năng lượng để xiềng xích nó, để xiềng xích Hitler… Tôi biết rằng tha thứ cho Hitler là một điều khó khăn nhất nhưng người khó tha thứ nhất lại chính là người mà tôi vẫn phải đối chọi hằng ngày. Đó chính là bản thân tôi. Tôi trôi trong vô định. Tôi khơi mở chính mình để trực giác tôi lên tiếng. Tôi học cách vươn lên, tôi học cách tha thứ cho chính mình để giúp đỡ người khác. Và khi tôi làm được điều này, tôi không còn là con tin, tù nhân của bất cứ thứ gì nữa. Tôi tự do".
Và đó chính là sự lựa chọn để dẫn lối bà đến với tình yêu, dẫn bà đến ánh sáng của lòng nhân ái, để trong nơi ngục tối nhất vẫn không ngăn được hy vọng nở hoa...
Hiện nay bà là một bác sĩ tâm lý, một nhà truyền cảm hứng nổi tiếng tại Mỹ giúp chữa lành những căng thẳng hậu chấn thương cho hàng ngàn người, hàng ngàn quân nhân tại Mỹ trong đó có những cựu chiến binh, quân nhân từng tham gia tham chiến trong Chiến tranh tại Việt Nam, để từ đó bà đem lại nhiều điều tốt đẹp, những bài học về lòng thứ tha cho con người trong cuộc sống. Bà là hiện thân của tấm gương điển hình cho sự tha thứ, bao dung và giàu lòng nhân ái.
Bên cạnh ý nghĩa nội dung, cuốn sách còn đạt được một trình độ văn phong điển hình cho việc sử dụng, diễn đạt ngôn ngữ mà hiếm có cuốn sách nào có được khả năng văn phong, giàu chất văn học tuyệt vời đến như vậy, dù đây là một cuốn hồi ký cần rất nhiều độ chính xác, cần nhiều kiến thức và thông tin từ lý luận đến thực tiễn.
Cuốn sách thật sự là một tác phẩm điển hình cho bất cứ ai không chỉ có nhu cầu đọc về lịch sử mà còn có nhu cầu trau dồi thêm ngôn ngữ, văn phong và nhiều kiến thức khác. Thú thực rằng, tôi thật sự khó có thể rời khỏi cuốn sách khi đã chạm vào nó.
Phương Hoa (theo sggp.org.vn)