Sứ mệnh của cả cộng đồng
Cuối năm là lúc thị trường thực phẩm bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất. Nắm bắt điều này, những kẻ kinh doanh bất lương đưa ra các sản phẩm kém chất lượng, đẩy sức khỏe của người tiêu dùng vào nguy hiểm. Trong bối cảnh này, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường thực phẩm không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà là vấn đề sống còn đối với sức khỏe cộng đồng.
Nhìn lại vụ việc chấn động tại Đắk Lắk, nơi cơ quan chức năng phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ được ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine - một chất cấm rất nguy hại cho gan, thận và sức đề kháng của con người, mới thấy rõ sự nhẫn tâm đến tột độ của các đối tượng kinh doanh bất chính. Một nguyên liệu phổ biến trong bữa ăn hàng ngày lại bị biến thành một công cụ kiếm lợi nhuận, bất chấp hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. Đây không chỉ là hành vi phạm pháp, mà còn là tội ác cần trừng trị nghiêm minh.
Mới nhất, ngày 2/1, sau khi kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội), đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện hàng loạt vi phạm. Phía bên trong, đoàn kiểm tra còn phát hiện quần áo được phơi giặt ngay trong khu vực sản xuất. Dụng cụ sơ chế, chế biến dùng trong sản xuất đầy cáu bẩn. Quan ngại hơn, nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ chế, chế biến. Đặc biệt, trong khu vực sản xuất còn phát hiện có côn trùng và phân của động vật… Xin nhấn mạnh, đây là cơ sở sản xuất bánh cốm rất nổi tiếng của Hà Nội, thường được người dân mua làm quà tặng và làm lễ đám hỏi…
Trước đó, tại quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), kiểm tra tại cơ sở sản xuất của ông Phạm Xu Tý, lực lượng chức năng phát hiện gần 1 tấn giò chả các loại (chả bò, chả lợn, chả da lợn) đều dương tính với chất hàn the (natri borat)…
Có thể nói, càng gần Tết, những sản phẩm kém chất lượng càng tràn lan trên thị trường, từ các loại thực phẩm chế biến sẵn, mứt, bánh kẹo đến rau củ, thịt cá. Với sự tinh vi trong thủ đoạn, từ làm giả nhãn mác, gian lận xuất xứ đến sử dụng hóa chất công nghiệp, các đối tượng đã và đang đẩy người tiêu dùng vào tình thế nguy hiểm mà không hề hay biết. Mỗi sản phẩm độc hại được tiêu thụ là một quả bom hẹn giờ, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân.
Trước thực trạng đó, lực lượng quản lý thị trường phải trở thành tuyến đầu kiên cường. Các đợt kiểm tra cần được tăng cường cả về tần suất lẫn chất lượng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, kiểm tra nhanh mẫu sản phẩm tại chỗ cần được thực hiện để phát hiện kịp thời và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, công khai trên các phương tiện truyền thông để răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước không thể đạt hiệu quả nếu thiếu sự đồng lòng từ phía người tiêu dùng. Mỗi người dân cần trở thành một "người gác cửa" cho chính sức khỏe của mình và gia đình. Việc nhận biết các dấu hiệu thực phẩm an toàn, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, và nói không với hàng hóa giá rẻ bất thường là những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Cùng với đó, việc tố giác các hành vi gian lận, phối hợp với cơ quan chức năng cũng là cách mỗi người đóng góp vào công cuộc làm trong sạch thị trường thực phẩm.
Tết là thời khắc đoàn viên, nơi mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình. Nhưng sẽ chẳng có niềm vui nào trọn vẹn nếu sức khỏe bị đe dọa bởi những bữa ăn tiềm ẩn nguy cơ độc hại. Thị trường thực phẩm sạch không chỉ mang lại sự an tâm mà còn là minh chứng cho một xã hội văn minh, nơi sức khỏe và an toàn của con người được đặt lên hàng đầu.
Cuộc chiến chống thực phẩm chứa hóa chất độc hại không phải là một trận đánh ngắn hạn mà là một hành trình dài, đòi hỏi sự quyết tâm và đồng lòng của tất cả, từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Thời điểm này, hãy cùng nhau hành động, để Tết thực sự là mùa của niềm vui và sức khỏe trọn vẹn. Chúng ta không thể thỏa hiệp với thực phẩm bẩn, bởi đó không chỉ là trách nhiệm, mà là sứ mệnh của cả cộng đồng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/su-menh-cua-ca-cong-dong-10297697.html