Sứ mệnh của lãnh đạo châu Âu tại Trung Quốc
Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thu hút sự chú ý sau lời kêu gọi đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc hồi tuần trước.
Tổng thống Macron và Chủ tịch EC Leyen đã có một loạt cuộc gặp với giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 6-4, động thái thiết lập hướng đi mới cho mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc sau nhiều năm căng thẳng.
Phát biểu khai mạc cuộc gặp song phương với Tổng thống Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Pháp là các nước lớn trên thế giới có khả năng và trách nhiệm vượt qua những khác biệt và bảo vệ hòa bình thế giới.
Tổng thống Macron cho hay Pháp sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hòa bình tại Ukraine.
Ông Tập cũng đã hội đàm ba bên với ông Macron và bà Leyen tối cùng ngày. Trước đó, Tổng thống Macron và bà Leyen có các cuộc gặp riêng với Thủ tướng Lý Cường. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Lý Cường cho biết quan hệ đối tác với EU và Pháp đang ở "điểm khởi đầu mới" và cả hai bên nên tuân thủ sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Cả ông Macron và bà Leyen đều cho biết họ muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để thiết lập hòa bình ở Ukraine hoặc ít nhất là ngăn cản Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp cho Moscow trong cuộc xung đột.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Macron và bà Leyen có thể dùng chiến thuật tâm lý đối nghịch nhau trong khi ông Macron thúc đẩy thiết lập lại quan hệ Trung Quốc - EU còn bà Leyen nhấn mạnh các vấn đề thách thức hơn và lằn ranh đỏ trong mối quan hệ hai bên.
Theo trang Euronews, ông Macron muốn ngăn Trung Quốc xích lại gần Nga hơn nữa nhưng một số nhà phân tích cảnh báo điều đó ít khả thi do bản chất quan hệ Bắc Kinh và Moscow mang tính chiến lược cao.
Ông Antoine Bondaz, giảng viên cao cấp tại Trường ĐH Science Po Paris (Pháp), cho rằng những gì Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC có thể làm là cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả có thể xảy ra trong trường hợp hỗ trợ quân sự cho Nga và làm rõ khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Trước chuyến thăm, ông Macron cho biết ông muốn trở thành tiếng nói đoàn kết châu Âu về vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc hy vọng chuyến thăm sẽ giúp ngăn chặn quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi. Liên minh gồm 27 nước thành viên đang nỗ lực tìm cách phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng cũng tái khẳng định quan hệ chính trị và văn hóa chặt chẽ với Mỹ.
Tuy nhiên, việc xích lại gần Mỹ không phải là quyết định dễ dàng đối với giới lãnh đạo châu Âu. Hồi năm 2022, Trung Quốc là đối tác mua hàng hóa nhiều thứ 3 của EU, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn nhất tới khối này. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng kinh tế của Bắc Kinh đối với châu Âu, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế ở EU bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Ukraine - Nga.