Sứ mệnh của thiên thần

Hôm nay (27/2), kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, một ngày đặc biệt của ngành y.

Tuy nhiên, 3 ngày trước, Bộ Y tế đã có yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành dừng mọi hoạt động tôn vinh. Ấy cũng vì một lý do đặc biệt: Covid-19.

Virus Corona đang lan rộng ra nhiều châu lục. Cuộc chiến với thứ virus chết người này đang diễn ra từng giây, từng phút. Trên khắp thế giới, các thầy thuốc, các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương thuốc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Những cuộc chiến như thế này sẽ chẳng bao giờ dừng lại, bởi khi tiêu diệt hết loại virus này thì virus khác sẽ lại ra đời. Và trong cuộc đối chọi không có hồi kết ấy, những người thầy thuốc luôn đứng trên mặt trận tiên phong.

Thế giới đang phải trải qua những chuỗi ngày đầy khó khăn, thách thức, nhưng điều này lại chẳng có gì phải sợ hãi. Những “thiên sứ áo trắng” ở khắp nơi trên thế giới này, đang tận lực làm tròn sứ mệnh, hoàn thành thiên chức mà nghề y đã đặt lên vai họ.

Đã có nhiều và rất nhiều người trong số họ đã nằm xuống nhưng lớp lớp người kế cận phía sau tiếp tục tiến lên, không một ai lùi bước.

Tại Việt Nam 17 năm trước, đại dịch SARS hoành hành. 45 ngày ròng rã giành giật sự sống cho người khác, 6 y bác sĩ tại Bệnh viện Việt-Pháp đã ra đi trong nỗi tiếc thương vô hạn của cộng đồng. Nếu có ai chưa tin vào gánh nặng trên đôi vai của họ hãy nhớ về những khoảnh khắc đó.

Ngày hôm nay, Covid-19 bùng phát, không ai khác chính những “từ mẫu” ấy lại tiên phong đi vào nơi nguy hiểm nhất để giành lại những sinh mệnh trước miệng tử thần.

16 người tại Việt Nam nhiễm bệnh đều đã được điều trị khỏi, có địa phương vừa công bố hết dịch. Đó không chỉ là niềm vui chung của xã hội mà còn là sự tri ân đối với những người trên "trận tuyến" mang tính sống còn.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thầy thuốc vĩ đại của nền y học cổ truyền Việt Nam đã truyền dạy: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”.

Người thầy thuốc “Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu…(lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Có lẽ hơn lúc nào hết, vào thời điểm này người ta thấy rõ nhất sứ mệnh của những người thầy thuốc. Không chỉ ngày hôm nay, ngày mai, mà bất cứ khi nào trái tim trong mỗi chúng ta còn đập, họ-những người thầy thuốc luôn xứng đáng được tôn vinh.

Biên Thùy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/su-menh-cua-thien-than-333344.html