Sứ mệnh đặc biệt của những 'sứ giả bốn chân' đến từ Cuba

Năm 1978, khi Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh với muôn vàn khó khăn, ông Oreste Margarito Carral Delgado – chuyên gia thú y Cuba – cùng 7 đồng nghiệp đã lên đường thực hiện sứ mệnh đặc biệt: đưa 100 con bò giống Holstein Frisian (giống bò sữa cao sản nhất thế giới) từ cảng Mariel (Cuba) vượt đại dương đến Việt Nam.

Ông Oreste Margarito Carral Delgado trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Việt Hùng/PV TTXVN tại Cuba

Ông Oreste Margarito Carral Delgado trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Việt Hùng/PV TTXVN tại Cuba

Đây là một phần trong Chương trình viện trợ 1.200 con bò giống cao sản (1975-1985) do chính Tổng tư lệnh Fidel Castro chỉ đạo, với sự giám sát trực tiếp của Đại sứ Cuba tại Việt Nam lúc bấy giờ - nữ anh hùng Cách mạng Melba Hernández.

Ở tuổi 78, ông Oreste vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Đón phóng viên TTXVN tại Cuba chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ đối diện nông trường bò sữa Ninã Bonita, ông hào hứng kể chuyện hộ tống “những sứ giả 4 chân” sang hỗ trợ công cuộc Việt Nam phát triển ngành chăn nuôi, phục hồi kinh tế và tái thiết đất nước.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Có lẽ chúng tôi là những người nước ngoài đầu tiên trở lại miền Nam Việt Nam sau khi đế quốc Mỹ rút quân”. Đoàn chuyên gia Cuba gồm 8 người, cùng thủy thủ đoàn, vận chuyển 100 con bò giống Holstein từ cảng Mariel. Hành trình kéo dài 2 tháng 29 ngày, vượt Đại Tây Dương, qua kênh đào Suez, Biển Đỏ rồi vào sông Sài Gòn. “Đây là hải trình dài nhất đời tôi. Tôi chưa từng ra biển sâu trước đó. Những ngày sóng to cấp 4, cấp 5, con tàu chìm nghỉm trong nước rồi lại trồi lên. Tất cả đều say sóng, kể cả thủy thủ già dày dạn kinh nghiệm. Đến giờ tôi vẫn sợ đi tàu, nhưng đó là trải nghiệm không thể nào quên”.

Kể thì nhanh, nhưng mọi việc tốn rất nhiều thời gian. Phải phối hợp nhịp nhàng để không có sai sót. Đàn bò ở trên tàu gần 3 tháng và cập cảng Sài Gòn trong tình trạng sức khỏe tốt. Hầu như không có thiệt hại, chỉ mất một con trong chuyến đi đó. Theo ông Oreste, đàn bò được đưa đến vùng cao nguyên gần Campuchia – nơi có khí hậu lý tưởng (18°C) và đồng cỏ tươi tốt, phù hợp với giống bò Holstein Frisian có xuất xứ Hà Lan. Ông nhớ lại: “Tôi làm việc 15 ngày tại trang trại, thực hiện các xét nghiệm, hướng dẫn chăm sóc đàn bò. Khí hậu vùng cao nguyên rất lý tưởng. Sau này, tôi được tin chúng đạt năng suất 21 lít sữa/ngày - vượt xa dự kiến”.

Ông Oreste kể lại đã ở lại Việt Nam 3 tháng, đi khắp các trang trại từ Bắc vào Nam để hỗ trợ ngành chăn nuôi. Theo ông, thời điểm đó ít người nước ngoài đến Việt Nam, và nhóm của ông có lẽ là nhóm chuyên gia Cuba đầu tiên đến sau chiến tranh.

Nhớ lại cảm xúc khi được tham gia vào những dự án sản xuất và viện trợ sau chiến tranh khi ấy, ông nói: “Chương trình đã thành công rực rỡ. Chúng tôi hoàn thành sứ mệnh đưa 1.200 con bò cái tơ Holstein quà tặng của Cuba tới Việt Nam”.

Nhắc lại câu nói bất hủ của Chủ tịch Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”, chuyên gia thú y Cuba tiếp tục chia sẻ: “Dù các bạn khiêm tốn không nhận, nhưng đó là tấm lòng của chúng tôi. Giờ đây khi Cuba khó khăn, chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ từ Việt Nam, rất nhiều, ví dụ như lúa gạo”. Ông xúc động nói: “Chúng tôi biết ơn sâu sắc, như cách các bạn từng biết ơn chúng tôi ngày ấy. Đó là minh chứng tuyệt vời cho tình đoàn kết. Điều này cho thấy bản chất của nhân dân Việt Nam và Cuba luôn ưu tiên hỗ trợ quốc tế. Không phải vì Việt Nam hay Cuba có dư thừa mà vì những gì chúng ta có chúng ta sẵn sàng chia sẻ như anh em ruột thịt, cùng hướng về tương lai chung”.

Ông Oreste cũng chia sẻ rằng, là thế hệ sống trong giai đoạn sôi động ấy, nhiều người trong số họ cảm thấy mình cống hiến chưa đủ. Ông cũng cho biết, những người khác đã hy sinh nhiều hơn, thậm chí hy sinh cả máu xương. Tuy nhiên, ông cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm, hài lòng với những gì đã chứng kiến và vui mừng trước sự phát triển của Việt Nam. Ông luôn biết ơn tấm gương của Việt Nam và khẳng định Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng và chỉ dẫn cho ông và những người đồng nghiệp của mình.

50 năm sau dấu mốc lịch sử 30/4/1975 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, câu chuyện những con bò giống Cuba vẫn là biểu tượng đẹp về những tình cảm sẻ chia giữa hai dân tộc. Ông Oreste nói: “Nhìn Việt Nam phát triển hôm nay, tôi vô cùng xúc động. Những con bò năm xưa giờ đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc chúng ta. Chúng tôi tự hào là anh em của Việt Nam. Chúc Việt Nam nhiều may mắn, phát triển mạnh mẽ và giành nhiều thắng lợi hơn nữa trên mọi lĩnh vực”.

Ông Oreste tự hào từng góp phần vào công cuộc tái thiết đất nước của Việt Nam. Đó không chỉ là chuyến đi biển đầy thử thách, mà còn là minh chứng cho tình đoàn kết Cuba – Việt Nam: “Chúng tôi chia sẻ những gì mình có, như anh em ruột thịt”.

Việt Hùng - Mai Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/su-menh-dac-biet-cua-nhung-su-gia-bon-chan-den-tu-cuba-20250501190522536.htm