Cuộc xuất quân lịch sử của thanh niên sau ngày giải phóng
Ngày 28/3/1976, một cuộc xuất quân thanh niên với quy mô lớn đã được TP. Hồ Chí Minh thực hiện để đến khắc phục hậu quả chiến tranh tại những vùng đất bị tàn phá.
Sau ngày giải phóng, TP. Hồ Chí Minh đứng trước rất nhiều vấn đề cần giải quyết: khắc phục hậu quả sau chiến tranh, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Bằng sức trẻ, bản lĩnh tiên phong, lớp lớp thanh niên đã đến những vùng đất bị chiến tranh tàn phá để khai hoang, trồng trọt và sản xuất. Đó cũng là tiền đề tạo sự phát triển cho thành phố.
Tại sân vận động Thống Nhất trên đường Nguyễn Kim, quận 10, 49 năm về trước đã diễn ra một cuộc xuất quân thanh niên với quy mô lớn lên đến hơn một vạn người và cũng là đầu tiên sau ngày đất nước giải phóng. 50 năm sau ngày giải phóng, TP. Hồ Chí Minh nay đã có nhiều đổi thay và những ký ức về cuộc xuất quân năm ấy vẫn còn nguyên vẹn. Đó cũng là cuộc xuất quân truyền cảm hứng cho hàng triệu thanh niên thành phố ngày nay.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nơi xuất quân vẫn còn đó dù có chút đổi thay. Còn những chàng trai, cô gái ngày nào mới đôi mươi…nay đã không còn trẻ. Thế nhưng, những ký ức về cuộc xuất quân năm ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Bà Nguyễn Thị Xuân - Cựu thanh niên xung phong chia sẻ: "Tôi nhớ như in, như những thước phim quay chậm lại. Ngày hôm đó là lần đầu tiên tôi thấy tất cả các nơi, ngõ ngách của thành phố toàn là thanh niên đi cầm cờ, đi theo tiếng nhạc. Bây giờ mà xem lại mấy tấm hình, lồng ngực mình vẫn cứ lâng lâng".
Ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh cho hay: "Một cuộc vận động không phải bình thường ở quy mô nhỏ hẹp mà ở quy mô toàn thành. Thành phần của 10 ngàn quân đó có thể nói là một tập hợp hết sức đa dạng. Một tập hợp có thể đầy đủ nhất các thành phần thanh niên. Từ thanh niên công nhân, thanh niên lao động, học sinh, sinh viên".
Ngày 28/3/1976, khi Chủ tịch UBND Cách mạng TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt trao lá cờ phong trào cho thủ lĩnh thanh niên lúc bây giờ là đồng chí Phạm Chánh Trực, cũng là lúc một cuộc vận động lớn trong thanh niên đi xây dựng kinh tế mới được mở đầu. Lớp lớp thanh niên lên đường, đến các vùng ven của thành phố và cả ở các tỉnh Nam Bộ - những mảnh đất còn bộn bề, ngổn ngang, nghèo nàn sau chiến tranh. Cuộc vận động đã chính thức mở ra một thời kỳ mới cho phong trào thanh niên thành phố. Và cho đến tận bây giờ, những phong trào vẫn đang được tiếp nối.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Bí thư Thành đoàn TP.HCM cho biết: "Khi nhắc đến sự kế thừa của thế hệ trẻ bây giờ với giai đoạn trước thì phải nói đến kế thừa truyền thống yêu nước. Đây là vốn rất quý của thế hệ trẻ, không chỉ của thanh niên thành phố mà của thanh niên cả nước. Trong suốt tiến trình lịch sử thì tính đổi mới, sáng tạo cũng là truyền thống rất đặc biệt. Và cùng với thanh niên cả nước, truyền thống đó càng làm tăng thêm sức mạnh của tuổi trẻ được phát huy".
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, câu nói này vẫn trọn vẹn ý nghĩa trong mọi giai đoạn. Mỗi thời kỳ sẽ là mỗi vấn đề mà xã hội cần sự chung tay của thanh niên. Thanh niên TP.HCM vẫn đang viết tiếp bản hùng ca tuổi trẻ bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực…đóng góp vào sự đổi thay, phát triển của thành phố.