Sứ mệnh làm việc khó của Hòa Phát
Tận mắt chứng kiến cơ ngơi Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, hơn 500 cổ đông không giấu nổi sự phấn khích về quy mô hoành tráng của Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp lọt vào Top 50 của thế giới trong lĩnh vực sản xuất thép.
Cổ phiếu Hòa Phát chỉ từ tốt đến tốt
Giấc mơ có tên trên bản đồ ngành thép thế giới của Việt Nam được nung nấu từ năm 1959. Khi đó cả nước mới có cơ sở luyện và cán thép quy mô 300.000 tấn/năm ở Thái Nguyên.
Con đường vươn tới đỉnh cao tốn rất nhiều thời gian. Tới tận năm 2021, ngành thép Việt Nam mới có doanh nghiệp lọt vào Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới, đó chính là Tập đoàn Hòa Phát.
“Hơn 30 năm trước, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thép thế giới. Nhưng nay, chúng ta tự hào đã có tên. Việt Nam hiện cũng là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với sản lượng cỡ 20 triệu tấn; đã có công nghiệp thép chế tạo, thép cao cấp”, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho hay.
Thành lập từ năm 1992, Hòa Phát đã tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2007 và hiện có gần 170.000 cổ đông - trở thành doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam về số lượng cổ đông.
“Dưới một góc nhìn nào đó, chúng ta cảm thấy tự hào. Lượng cổ đông lớn và lượng giao dịch hàng ngày lớn, chứng tỏ tính đại chúng của Tập đoàn rất cao”, ông Trần Đình Long - cổ đông lớn nhất của Hòa Phát chia sẻ với các đồng sở hữu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024.
Vị thuyền trưởng của Hòa Phát cũng cho hay, Hòa Phát là một trong những trường hợp doanh nghiệp thép hiếm hoi trên thế giới sử dụng vốn vay dưới 50%, trong khi các doanh nghiệp khác thường vay 70%, vốn tự có khoảng 30%.
Việc vay vốn ít để đầu tư khiến Hòa Phát bị “mang tiếng” là bảo thủ khi không dùng đòn bẩy tài chính nhiều. Tuy nhiên, quan điểm của Tập đoàn là dùng vốn đầu tư phải an toàn.
Trước mong muốn được chia cổ tức nhiều hơn, thuyền trưởng của Hòa Phát rất kiên định rằng, cổ đông còn tham gia vào Hòa Phát thì ưu tiên cho đầu tư phát triển doanh nghiệp một cách hợp lý. Hàng năm, Hòa Phát đều chia tiền mặt và cổ phiếu cho các cổ đông.
“Cổ phiếu của Hòa Phát chỉ từ tốt đến tốt. Mọi thứ đều minh bạch. Đó là chiến lược của Tập đoàn”, ông Long nói.
Cũng không ngại ngần, vị tỷ phú này chia sẻ, mình đã 64 tuổi và đang rút ra dần, chỉ tham gia phần điều hành chiến lược, nhân sự tổ chức, còn phần điều hành hàng ngày thì không tham gia nữa.
Giấc mơ Top 20 ngành thép thế giới
Với khởi đầu là thép, Hòa Phát vẫn tập trung cao độ cho sản xuất thép. Hiện doanh thu và lợi nhuận của thép chiếm tỷ trọng 80-90% doanh thu toàn Tập đoàn.
Sau thành công bước đầu với Khu liên hợp gang thép tại Hải Dương, Hòa Phát tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong ngành thép khi quyết định mở rộng đầu tư của mình tại Dung Quất.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 được xây dựng trên diện tích gần 400 ha, có công suất 5,6 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD đang phát huy rất tốt trong sản xuất.
Ngay sau đó, Dự án Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm, sản phẩm là thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao. Dự án triển khai xây dựng từ quý I/2022, theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động đầu quý I/2025 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2026. Khi đó, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm.
Không dừng lại ở đây, Phú Yên tiếp tục trở thành điểm dừng chân mới của Hòa Phát với kế hoạch đầu tư dự án khu liên hợp mới, được ông Long tạm gọi là Dự án Dung Quất 3, có quy mô đầu tư 5 tỷ USD.
Chia sẻ với các đồng sở hữu Tập đoàn Hòa Phát, ông Long tiết lộ, Hòa Phát phải làm việc khó và đang nghiên cứu sản xuất các mặt hàng chất lượng cao như tôn silic - là sản phẩm mà chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đặt mục tiêu sản xuất thép đường ray chuyên dụng cho các loại tàu có vận tốc trên 800 km/h. Đồng thời, ông Long bày tỏ mong muốn tham gia đấu thầu các hạng mục trong dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Cũng để xuất khẩu thép sang các thị trường có yêu cầu cao, đầu tư cho môi trường tại các dự án của Hòa Phát như Dự án Dung Quất 1 và Dung Quất 2 cũng được chú trọng, chiếm tới 30% vốn đầu tư. Nhờ vậy, một số chỉ tiêu môi trường tại các dự án này đạt cao hơn so với quy định hiện hành.
Ban Lãnh đạo Hòa Phát cho hay, doanh nghiệp đang triển khai từng bước theo lộ trình, kiểm kê phát thải, có các chứng chỉ phát thải để khi xuất khẩu hàng vào châu Âu không gặp khó khăn do rào cản thuế carbon xuyên biên giới (CBAM).
Sau khi thực hiện xong kiểm đếm khí phát thải để nộp cho EU, Hòa Phát thực hiện các bước tiếp theo của lộ trình giảm phát thải như các nhà sản xuất thép khác trên thế giới. Đó là giảm than, tăng tuần hoàn, hay dùng các công nghệ mới như hoàn nguyên trực tiếp bằng hydro.
“Nếu sản xuất quy mô nhỏ và lạc hậu thì sẽ sớm bị đè bẹp. Mong muốn của tôi là sau 5-10 năm nữa, Hòa Phát sẽ nằm trong Top 20 công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới”, tỷ phú Trần Đình Long nói.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/su-menh-lam-viec-kho-cua-hoa-phat-d212984.html