Sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam

Với tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, xuất bản số đầu tại Quảng Châu vào ngày 21/6/1925, do đích thân Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chỉ đạo đã mở ra một nền báo chí cách mạng Việt Nam (BCCMVN) dưới sự dẫn dắt của một tổ chức cách mạng, lấy chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo, năm 1960 -Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo, năm 1960 -Ảnh: TTXVN

Trên thực chất, sự xuất hiện của báo Thanh Niên lúc ấy đã thực sự góp phần tích cực chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Chúng ta rất đỗi tự hào vì nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp trước khi là nhà cách mạng chuyên nghiệp đã là nhà báo tài danh. Cùng với Bác Hồ, là Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Là lãnh tụ sáng lập, đồng thời cũng là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng, Nhà nước ta, Bác Hồ vẫn dành thời gian viết cho các báo, tạp chí, trong đó có hơn 2.000 bài dành cho báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng với hàng chục bút danh khác nhau.

Thật cảm động, tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai vào năm 1959 và lần thứ ba vào năm 1962, Bác Hồ đã dành hầu như trọn buổi nói chuyện tâm tình, trao đổi cởi mở về nghiệp vụ viết báo rất thiết thực và thú vị. Tự nhận mình “là người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Bác Hồ vui vẻ kể lại những ngày đầu tự học, tự viết một số tin, bài cho một số báo như Người cùng khổ, Nhân đạo... ở Paris từ năm 1919.

Bác coi sứ mệnh của người viết báo chân chính là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, trước hết là khơi gợi và bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí vùng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, giành lấy chính quyền về tay Nhân dân để Nhân dân thành người chủ của nước nhà, cùng chung sức, chung tay xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới.

Xuất phát từ mục đích cao thượng đó, Bác căn dặn mỗi người khi cầm bút viết một dòng tin, một bài báo thì phải tự mình trả lời câu hỏi: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Theo Bác, đối tượng chủ yếu mà báo chí cần phục vụ là đông đảo cán bộ, Nhân dân. Nội dung báo chí cần phản ánh và biểu dương là những cá nhân, tập thể dũng cảm, sáng tạo trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, giành lại độc lập, tự do trên phạm vi cả nước.

Bác lưu ý, do trình độ dân trí ban đầu chưa cao, nên người viết cần diễn đạt ngắn, gọn, trực tiếp đi vào bản chất sự việc, hiện tượng, tránh lối viết dài dòng “dây cà ra dây muống”, nhất là hay sính dùng chữ nước ngoài. Chỉ như vậy, cán bộ, Nhân dân đọc báo mới dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Hội thảo các Báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) tổ chức tại Quảng Trị về chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” - Ảnh: BTH

Hội thảo các Báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) tổ chức tại Quảng Trị về chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” - Ảnh: BTH

Về chọn “đề tài” viết báo, Bác nói thân tình: Cả đời tham gia viết báo, Bác chỉ xoay quanh một đề tài trọng tâm là giành, giữ độc lập, tự do và xây dựng CNXH. Bác nhấn mạnh, nói thì dễ, nhưng viết để có sản phẩm báo chí đạt yêu cầu, được quần chúng đón nhận và hoan nghênh là cả quá trình suy ngẫm, chọn lọc tư liệu, từ trong sách và nhất là từ thực tiễn cuộc sống mà nhà báo có ý thức gắn bó với Nhân dân trên cơ sở nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ cách đặt vấn đề như vậy, Bác khẳng định: “Báo chí cũng là một mặt trận; Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. Một dòng tin có tính thời sự, một bài báo có sức phân tích thấu lý, đạt tình thì nó như “tờ hịch” hiệu triệu Nhân dân đồng lòng với Đảng, vượt lên mọi chông gai, thách thức, truyền cho người đọc niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của Tổ quốc.

Bác cũng nói rõ, nhiệm vụ người làm báo là tham gia “phò chính trừ tà”, vừa ca ngợi những nhân tố mới của cuộc sống, vừa phải phê phán các hành vi tiêu cực, như trông chờ, ỷ lại, quan liêu, tham nhũng... Nhà báo có quyền phê phán các hành vi ấy, nhưng tự mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cũng cần tự phê bình: Vì sao còn ít tin, bài hay? Vì sao có lúc đăng tin không đúng sự thật hoặc thiếu chuẩn xác, gây phân tâm xã hội?

Trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, BCCMVN đã có những đóng góp tích cực và quan trọng. Tiếp nối truyền thống dũng cảm, dấn thân, sáng tạo qua 4 cuộc kháng chiến thần thánh, những người làm báo hiện nay đã và đang vượt lên mọi khó khăn, thách đố của thời kỳ mới với thời cơ lớn, đan xen những khó khăn không nhỏ, thể hiện rõ ý chí song hành cùng Đảng và dân tộc, nhen lửa khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Bám sát nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta hiện nay là: Phát triển kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, nhiều nhà báo đã và đang hòa mình trong các nhà máy, công trường, đồng ruộng, núi rừng, hải đảo... để phát hiện và ngợi ca những con người tận tâm, tận lực, những tập thể có nhiều sáng kiến làm lợi cho quốc kế dân sinh; tham gia tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn để góp ý cho các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Vừa thực hiện tốt phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”, những người làm báo thấu suốt lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lấy xây là chính, đồng thời phải chống quyết liệt với các biểu hiện ngại khó, đùn đẩy trách nhiệm, vòi vĩnh, nhũng nhiễu nhân dân, nhất là các hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, sự thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ Đảng.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu, các nhà báo phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đi ngược lại lợi ích của đất nước, nhân dân.

Nhìn trên bình diện tổng quát, BCCMVN đã và đang thể hiện vai trò xung kích thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ, xứng đáng được Đảng và Nhân dân ghi nhận và tôn vinh. Tuy nhiên, như Bác Hồ căn dặn, mỗi nhà báo cần thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Viết báo là lĩnh vực đòi hỏi tài năng, nhưng đạo đức vẫn là cái gốc và chính trị phải luôn đặt lên hàng đầu. Nhà báo cần tôn trọng sự thật khách quan, nhưng không phải sự thật nào cũng đưa lên mặt báo, nhất là một số vấn đề nhạy cảm về chính trị, như dân tộc, tôn giáo, đối ngoại, cần được cân nhắc mức độ, liều lượng, thời điểm trước khi đăng báo.

Theo hướng đó, mấy năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động phong trào thi đua xây dựng nhà báo văn hóa, cơ quan báo chí văn hóa, gồm 12 tiêu chí, trong đó nhấn mạnh cần tập trung xây dựng cái hay, cái tốt; kiên quyết chống những biểu hiện phi văn hóa, như vòi vĩnh, sách nhiễu đơn vị có khuyết điểm để “lờ” đi, thậm chí có nhà báo vi phạm pháp luật...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, sự bùng nổ của mạng xã hội, hơn bao giờ hết, Đảng và Nhân dân ta mong muốn BCCMVN tiếp tục phát huy vai trò xung kích, luôn giữ vững trận địa thông tin chính thống, vừa làm tốt chức năng thời sự, vừa thực hiện vai trò định hướng đúng đắn dư luận xã hội trong bất cứ tình huống nào, thiết thực hướng tới kỷ niệm trọng thể 100 năm BCCMVN 21/6 (1925 - 2025).

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/su-menh-ve-vang-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-186332.htm