Sự mong manh và nguy hiểm của nghề báo trong một thế giới bất ổn

Trong thế giới đầy bất ổn hiện nay, những người làm báo đang phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Họ không chỉ phải vượt qua sự đe dọa đến tính mạng, mà còn phải đương đầu với vô vàn khó khăn khác.

Hàng trăm nhà báo phải rời bỏ quê hương

Tháng 8 năm 2021, nhà báo Afghanistan Shukrullah Esmat buộc phải gói ghém đồ đạc vào vài chiếc vali và rời khỏi đất nước. Trước đó, anh từng có kinh nghiệm làm biên kịch và đạo diễn phim, làm việc tại Đài phát thanh Killid - một tổ chức truyền thông địa phương. Esmat sống cùng vợ và hai đứa con nhỏ. Ba năm sau, giữa mùa đông giá lạnh ở Đức, anh hoài niệm cuộc sống hoàn hảo của mình trước đây.

Khi Taliban trở lại nắm quyền, hàng chục nhà báo phải trốn chạy khỏi Afghanistan để tránh sự trả thù. Một số tổ chức báo chí trên thế giới đã giúp Esmat, lúc đó 29 tuổi, rời khỏi đất nước đến Pakistan, nơi họ sắp xếp chỗ ở cho anh và gia đình cho đến khi họ nhận được visa nhân đạo để đến Đức.

 Marie Colvin - phóng viên chiến trường của tờ Sunday Times, phỏng vấn dân làng ở tỉnh Diyala, Iraq năm 2007.

Marie Colvin - phóng viên chiến trường của tờ Sunday Times, phỏng vấn dân làng ở tỉnh Diyala, Iraq năm 2007.

Không chỉ tại Afghanistan. Số lượng nhà báo phải rời bỏ quê hương đang gia tăng mạnh mẽ. Theo một thống kê, ít nhất 460 nhà báo từ 62 quốc gia đã nhận được hỗ trợ tài chính để rời khỏi đất nước của họ vào năm 2023, gần gấp đôi so với năm 2022. Hiện tượng này đang gia tăng vì nhiều lý do: chiến tranh, nội chiến và cả sự bùng nổ các tổ chức băng đảng.

Khi các nhà báo phải sống lưu vong, một trong những thách thức lớn nhất là học ngôn ngữ mới. Yulia Valova - một nhà báo Ukraine, phải rời khỏi đất nước vài tháng sau khi Nga phát động cuộc chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm 2022. Valova đã chuyển đến Đức và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm vì không biết tiếng Đức. Cô gửi hồ sơ xin việc đến hàng chục tòa soạn nhưng chỉ nhận được một phản hồi từ Tagesspiegel, một tờ báo địa phương ở Berlin. Tuy nhiên, hợp đồng của cô đã kết thúc và hiện cô chỉ làm việc tại đây không thường xuyên với mức lương thấp.

Esmat và nhiều nhà báo khác gặp phải rào cản ngôn ngữ khi đến các quốc gia mới, khiến họ không thể ứng tuyển vào các vị trí trong tòa soạn cho đến khi đạt ít nhất mức tiêu chuẩn C1 về ngôn ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải ngừng làm việc và mất đi các nguồn tin.

 Nhà báo người Afghanistan Shukrullah Esmat. Ảnh: Reuters Institute

Nhà báo người Afghanistan Shukrullah Esmat. Ảnh: Reuters Institute

Bảo vệ các nhà báo, bảo vệ quyền được biết

Các nhà báo lưu vong thường xuyên phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tinh thần. Việc rời khỏi quê hương một cách bất đắc dĩ là một trải nghiệm rất đau buồn và căng thẳng.

Cinthia Membrenõ - một nhà báo Nicaragua, chia sẻ rằng sự bất định và nỗi buồn chia xa gia đình, bạn bè và truyền thống khiến tình trạng tâm lý của cô luôn căng thẳng. Juan Luis Font - một nhà báo Guatemala 56 tuổi với 33 năm kinh nghiệm và buộc phải rời Guatemala vì bất ổn chính trị, cho biết ông thường xuyên lo lắng về tương lai và cảm thấy đau lòng khi không thể ở bên mẹ mình lúc bà qua đời.

UNESCO: Bạo lực chống lại các nhà báo môi trường đang gia tăng

Các nhà báo đưa tin bảo vệ môi trường đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết vào đầu tháng 5/2024. Báo cáo nhấn mạnh rằng 44 nhà báo viết về môi trường đã bị sát hại từ năm 2009 đến năm 2023. Ngoài ra, hơn 70% trong số 905 nhà báo mà cơ quan này khảo sát ở 129 quốc gia cho biết họ đã bị tấn công, đe dọa và bạo lực chống lại họ ngày càng trở nên tồi tệ, với 305 vụ tấn công được báo cáo chỉ trong 5 năm qua.

Để giúp đỡ các nhà báo phải rời bỏ quê hương vì xung đột vũ trang và bất ổn địa chính trị, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các chương trình hỗ trợ như cung cấp học bổng, hỗ trợ tâm lý và đào tạo nghề nghiệp. Tổ chức JX Fund và nhiều tổ chức khác đã và đang cố gắng tạo ra những mạng lưới hỗ trợ giúp các nhà báo này có thể bắt đầu lại sự nghiệp ở một quốc gia mới. Họ cung cấp các khóa học về ngôn ngữ, kỹ năng báo chí và kết nối các nhà báo với nhau để tạo ra một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau.

Các tổ chức bảo vệ quyền lợi nhà báo như Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã liên tục kêu gọi các quốc gia và tổ chức quốc tế hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ các nhà báo khỏi các mối đe dọa. Các quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà báo phải rời bỏ quê hương bằng cách cung cấp nơi trú ẩn an toàn và sự hỗ trợ.

Giám đốc điều hành Winterhager của tổ chức JX Fund nhấn mạnh rằng chỉ riêng việc giúp đỡ phê duyệt visa đã là một bước tiến lớn. Ngoài ra, các nước cũng có thể tài trợ cho các phương tiện truyền thông để có thể các nhà báo đang gặp khó khăn ở quê nhà tiếp tục công việc của họ.

 Yulia Valova, một nhà báo đến từ Ukraine. Ảnh: Reuters Institute

Yulia Valova, một nhà báo đến từ Ukraine. Ảnh: Reuters Institute

Nhà báo Cinthia Membrenõ cho rằng khi một cuộc khủng hoảng lớn xảy ra, mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng cần có một sự chung tay, từ các tổ chức đến cá nhân từng độc giả, để sự hỗ trợ này trở nên bền vững và mạnh mẽ hơn.

Song nghề báo, dù nguy hiểm, vẫn là một công việc cần thiết để giúp mọi người biết điều gì đang xảy ra, ngay cả trong bom đạn hay những thảm họa thiên nhiên tàn khốc. Những nhà báo phải rời bỏ quê hương, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vẫn kiên định với nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay, việc bảo vệ và hỗ trợ các nhà báo không chỉ là bảo vệ một nghề nghiệp mà còn là bảo vệ một giá trị cốt lõi của nhân loại: quyền được biết và quyền được nói lên ý kiến của mình.

Minh Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-mong-manh-va-nguy-hiem-cua-nghe-bao-trong-mot-the-gioi-bat-on-post299905.html