Sự nghiệp đáng nể và những thước phim để đời của NSND Thụy Vân
Cảnh quay nguy hiểm cùng vai diễn gai góc trong phim đầu tay 'Nổi gió' đã mang đến tên tuổi và lưu dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp của NSƯT Thụy Vân.
Sinh ra trong gia đình tri thức, nhiều người thân hoạt động nghệ thuật
NSND Thụy Vân sinh ngày 2/5/1940 tại xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) trong một gia đình tri thức có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Cha của NSND Thụy Vân là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà văn Nguyễn Lương Ngọc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; chú ruột bà là GS. NSND Nguyễn Đình Quang - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và em trai bà là PGS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lương Tiểu Bạch - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Năm 1959, khi còn là nữ sinh trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội), Thụy Vân đã làm đơn thi vào trường Điện ảnh Hà Nội - khoa đạo diễn. Tuy nhiên, NSND Thụy Vân bị từ chối với lý do nhà trường đưa ra là bà còn trẻ không đủ kinh nghiệm sống để học ngành này. Sau đó, bà trúng tuyển vào lớp diễn viên Điện ảnh khóa 1 năm 1959.
Tốt nghiệp năm 1962, NSND Thụy Vân về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Bà nhận vai diễn đầu tiên trong bộ phim Làng nổi năm 1965 và 1 năm sau bà ghi dấu ấn trong sự nghiệp với vai nữ chính - chị Vân trong phim Nổi gió.
Không như đóng phim thời bình ngày nay, đóng phim ở thời chiến lúc ấy rất gian nan, cực khổ và nguy hiểm tới tính mạng. Không chỉ nguy hiểm trên phim trường, mà còn nguy hiểm cả trong giờ nghỉ, trong bữa ăn. Vì máy bay oanh tạc, các diễn viên phải tháo chạy, tìm chỗ núp tránh bom đạn. Sau đó, tiếp tục quay với tinh thần lao động nghệ thuật quên đi nỗi sợ hãi, để hoàn thành vai diễn của mình. Do vậy, khán giả yêu phim điện ảnh Việt đều dành nhiều cảm tình đối với bà, người nữ diễn viên đóng phim giữa tiếng bom rền.
NSND Thụy Vân - nữ diễn viên làm 'nổi gió' điện ảnh Việt
Khi nhắc đến tên diễn viên Thụy Vân, vai diễn mà người hâm mộ nhớ đến nhất của bà chính là trong phim Nổi gió. Bộ phim của đạo diễn Huy Thành quay năm 1963, được giới điện ảnh xem như phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng nói về chiến tranh Việt Nam.
Chất anh hùng ca khiến Nổi gió gây ấn tượng mạnh mẽ từ khi ra đời. Đến nay, bộ phim vẫn được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Đây cũng là vai diễn đưa NSND Thụy Vân trở thành cái tên được xếp vào danh sách những diễn viên hàng đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 1960.
Trong phim, bà đảm nhận nhân vật Vân. Khi bị địch bắt, Vân nhất định không khai bất cứ thông tin gì dù bị tra tấn dã mạn. Quẫn bách, chúng quyết định đốt 2 bàn tay của chị hòng khiến chị khuất phục. Thế nhưng Vân không hề nao núng, thậm chí nữ chiến sĩ cách mạng còn nhìn thẳng vào 2 bàn tay đang bốc lửa rồi đưa chúng lên trước mặt quân địch. Sự can trường, ý chí quả cảm của người phụ nữ này đã khiến những tên địch phải sợ hãi.
Khi còn sống, NSND Thụy Vân từng tâm sự, mỗi khi nghĩ lại cảnh quay trên, bà vẫn rùng mình về sự liều lĩnh của bản thân. Khi quay cảnh này, 10 ngón tay của bà được quấn một lớp gạc rồi chồng lên một lớp thạch cao, ngoài cùng là lớp bông tẩm dầu hỏa. Cảnh quay này không được tập dượt mà là "quay một đúp ăn liền".
"Tôi vẫn không hiểu sao hồi đó mình hăng hái đến thế khi chưa hề được tập dượt. Đoàn phim cử một người ôm thùng nước to đứng cạnh tôi, khi đạo diễn hô cắt, tôi lập tức nhúng tay vào đó. Giờ nói diễn lại chắc tôi không làm được". Nghệ sĩ Thụy Vân từng nói.
Bên cạnh đó, NSND Thụy Vân cho biết thời điểm đóng phim bà rất khó khăn. Trước khi quay thì diễn viên phải mất vài tháng để thâm nhập thực tế. Khi đóng vai trong phim Nổi gió, bà phải về nông trường Quý Cao (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) để học lối sống của người miền Nam tập kết ra Bắc.
Bà học cách chèo thuyền, đi cầu khỉ... Trong phim có cảnh NSND Thụy Vân ẵm đ.ứa t.rẻ đi qua cầu khỉ, nhưng may mắn hoàn thành trơn tru. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt ngày đó cũng có nhiều hạn chế.
Một cảnh quay khác gây ấn tượng trong phim là cảnh Vân chèo đò trên sông giữa giông bão, sấm chớp. Cả đoàn phim phải chờ hơn một tháng mới quay được cảnh này. Mưa có thể tạo bằng vòi rồng nhưng giông gió, sấm chớp thì không thể tác động bằng máy móc nên đoàn chờ có mưa giông thật để quay.
"Thuyền chòng chành giữa gió to, sấm sét đì đoàng trên đầu, còn tôi thì lạnh buốt vẫn phải diễn vẻ mặt hân hoan, vững tay chèo lái đúng như tinh thần chủ đạo của phim", nghệ sĩ kể.
Mọi nỗ lực của Thụy Vân cũng như đoàn phim Nổi gió được đền đáp. Phim gây hiệu ứng lớn với khán giả khi ra mắt. Đạo diễn Huy Thành nhớ lại phim được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen hào hùng, xúc động. Còn diễn viên Thụy Vân vinh dự được gặp Bác Hồ, ngồi cạnh và trò chuyện về bộ phim.
Nổi gió là bộ phim đầu tiên trong ba phim đoạt giải Bông sen vàng của đạo diễn Huy Thành. Còn với NSND Thụy Vân, sau này dù làm diễn viên, đạo diễn nhiều bộ phim nổi tiếng, nghệ sĩ vẫn thừa nhận bà chưa vượt qua được cái bóng của vai diễn thuở ban đầu.
Bộ phim thành công đến mức có người từng đi bộ từ miền Nam, tìm đến tận nhà bà ở phố Châu Long, Hà Nội để nhắn nhủ với bà về lời của các bà má miền Nam thời đó. Họ mong ngày đất nước thống nhất sẽ ra Hà Nội nhận NSND Thụy Vân làm con gái, nhận là người con của Bến Tre. Đó là kỷ niệm bà không thể nào quên.
Người phụ nữ đa tài, sự nghiệp đáng nể với những bộ phim để đời
Sau thành công của Nổi gió, bà tiếp tục tham gia hàng loạt bộ phim như Rừng xà nu, Hai người mẹ, Xa và gần, Làng nổi, Cơn lốc đen, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng tám, Những đứa con, Đứa con nuôi, Làng ven, Luống khoai xanh, Giải phóng Sài Gòn ,... Bộ phim cuối cùng bà tham gia là Bí mật thành phố cấm (1991) của đạo diễn Phan Vũ.
Trong vai trò diễn viên, NSND Thụy Vân luôn cố gắng tới mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ của mình dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ.
Năm 1969, trong thời gian đóng phim Rừng xà nu của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, NSND Thụy Vân bị lao, hằng ngày phải uống thuốc. Thời điểm đó, cả đoàn phim ai cũng phải ăn cơm độn sắn nhưng khi NSND Thụy Vân xuống ăn cơm, thấy mình được ăn cơm trắng không độn, bà dứt khoát không ăn, mọi người nói thế nào cũng không được.
Sau cùng, đạo diễn Nguyễn Văn Thông nghiêm mặt giải thích sở dĩ đoàn ưu tiên NSND Thụy Vân là để diễn viên có sức khỏe làm việc, nhỡ ốm thì cả đoàn phải chờ. Và đây là nghị quyết của đoàn phim, yêu cầu chấp hành. Chứng kiến tình cảm của mọi người dành cho mình, NSND Thụy Vân ứa nước mắt vì cảm động và tự nhủ suốt đời sẽ không bao giờ quên ký ức này.
Khi đóng vai bà Bua trong phim "Hai bà mẹ", bà diễn cảnh chạy trốn trong rừng, du dây vượt thác khiến hai bàn tay rớm máu. Cũng trong phim này, do phải ngâm trong nước suối lạnh cả ngày, NSND Thụy Vân bị sốt cao nằm li bì suốt 2 ngày.
Năm 1978, NSND Thụy Vân chuyển vào Sài Gòn sinh sống và tiếp tục đóng các phim Làng ven (đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến), Xa và gần (đạo diễn Huy Thành). Vai diễn bà tư sản Thuận Thành trong bộ phim Xa và gần đã giúp Thụy Vân giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ VII năm 1985 còn bộ phim giành giải Bông sen vàng.
Ngoài đóng phim, bà còn làm đạo diễn và sáng tác thơ. Trong đó bộ phim Cơn lốc đen do bà đạo diễn từng giành giải đặc biệt trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988). Tập thơ Từng giọt ngọt đời do NSND Thụy Vân xuất bản cũng được bạn yêu thơ cả nước dành nhiều thiện cảm.
NSND Thụy Vân cũng nhiều lần là gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam tham dự các LHP quốc tế tại Phnôm Pênh, Mátxcơva… Bà còn được mời làm giám khảo tại LHP Karlovy Vary (Tiệp Khắc cũ). Với những cống hiện cho nghệ thuật, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; cùng với đó là Huân chương chống Mỹ hạng 3, Huy chương vì sự nghiệp nghệ thuật, Huy chương vì sự nghiệp điện ảnh…
Ở tuổi xế chiều, NSND Thụy Vân ít xuất hiện trước công chúng để tập trung lo cho cuộc sống riêng. Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng, di căn qua phổi, NSND Thụy Vân đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83. Gia đình tiết lộ bà ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Sự ra đi của bà khiến cho những thế hệ yêu nghệ thuật tiếc nuối. Dù đã ra đi nhưng hình ảnh một người phụ nữ kiên cường, hết mình cho nghệ thuật vẫn sẽ luôn hiện hữu trong lòng khán giả.