Sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay từ góc nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục và sự học của nhân dân. Tư tưởng của Người về giáo dục qua nhiều thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt với chương trình giáo dục phổ thông mới đang diễn ra.

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo – nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền để hiểu rõ hơn quan điểm giáo dục và tinh thần tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó nhìn nhận về nền giáo dục hiện nay.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu và phải đổi mới toàn diện

Tạp chí Công dân và Khuyến học:Thưa Phó Giáo sư, những điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục có rất nhiều nội dung. Song tựu chung lại, có hai quan điểm cơ bản:

Thứ nhất, xuyên suốt trong tư tưởng của mình, Người xác định giáo dục mang tầm chiến lược của dân tộc, là quốc sách hàng đầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo – nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Đắc Quang

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo – nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Đắc Quang

Bác nhấn mạnh ngay từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hai trong sáu nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó là: thực hiện chiến dịch giáo dục để diệt giặc dốt, xóa mù chữ và chiến dịch giáo dục lại cho toàn dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

Bác coi "dốt" là kẻ thù. Bác khẳng định "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Trong bức thư nhân ngày khai trường của nước Việt Nam mới, Bác đặt thêm một nhiệm vụ, sứ mệnh cho học sinh, đó là: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Như vậy, vai trò của việc học tập, nỗ lực của thế hệ trẻ là hết sức quan trọng.

Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc năm 1958, Bác nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Tức phải đào tạo ra nguồn nhân lực mới, con người mới mới, cán bộ mới. Đó là trọng trách nặng nề và vẻ vang của giáo dục.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải xây dựng nền giáo dục mới, vừa dân tộc, vừa khoa học, vừa nhân văn, toàn bộ nền giáo dục phải phục vụ xây dựng và kiến thiết nước nhà.

Bác phê phán nền giáo dục thực dân cũ phản động, nhồi sọ, khiến thế hệ trẻ Việt Nam quên mất Tổ quốc, quên mất thân phận nô lệ của mình, tách khỏi cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.

Từ chỗ phê phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra những nhiệm vụ thiết yếu của nền giáo dục là phải xây dựng con người mới. Bác từng ghi: "Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại". Đây là mục đích của việc học, giáo dục là đào tạo ra con người mới đầy khát vọng như vậy.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cải tiến lại chương trình, cải tiến sách giáo khoa. Người cho rằng, nội dung giáo dục phải luôn gắn với thực tiễn lao động sản xuất và cuộc chiến đấu của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nội dung học phải luôn gắn liền với lao động sản xuất, và yêu cầu thực tiễn của đất nước. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nội dung học phải luôn gắn liền với lao động sản xuất, và yêu cầu thực tiễn của đất nước. Ảnh: Tư liệu

Nội dung đó phải toàn diện cả về văn hóa, khoa học kỹ thuật và đặc biệt, Người rất coi trọng học chính trị tư tưởng, đạo đức, tinh thần giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nền giáo dục mới phải khắc phục biểu hiện của nền giáo dục cũ, "bệnh" nhồi sọ, "bệnh" học để lấy bằng cấp.

Một nội dung nữa cũng rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học đó là phương pháp học. Ngoài học ở trường lớp, học ở nhân dân, học ở thầy cô giáo, học trong cuộc sống, thì cũng vẫn phải tự học

Bác nhấn mạnh sự học toàn dân, vừa học, vừa làm, đào tạo tại chức… Như vậy, hiệu rộng ra, việc giáo dục ở đây không dừng lại ở trường lớp mà học mọi lúc, mọi nơi, xuất phát từ cả thực tiễn của lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Do đó toàn dân cần phải học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra những vấn đề cho nền giáo dục rất toàn diện.

Đổi mới giáo dục cần tránh những tiêu cực mà Bác đã cảnh báo

Tạp chí Công dân và Khuyến học:Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Phó Giáo sư có nhận định thế nào về sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo: Giáo dục hiện nay của chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn.

Không chỉ các em, các cháu trong độ tuổi đến trường được đi học mà cả người lớn cũng được tạo điều kiện để học tập với nhiều cấp học và trình độ. Từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học, cao đẳng, từ trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng…

Để có những thành tựu này, một phần do chúng ta đã bám sát, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.

Phải chăng chúng ta đã quá đặt nặng thành tích mà quên mất một điều rất quan trọng đó là, chất lượng thực sự của giáo dục.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo

Quan điểm của Bác về giáo dục từ những năm 40, 60 của thế kỷ 20 nhưng đến nay vẫn rất thời sự. Bên cạnh những thành tựu, nền giáo dục Việt Nam gặp phải vấn đề về đổi mới chương trình sách giáo khoa, cải tiến nội dung học, phương pháp học, đào tạo người học toàn diện cả về đức và tài…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán việc trọng bằng cấp, phê phán nền giáo dục nhồi sọ của thời kỳ cũ.

Nhưng khi nhìn lại ngày nay, bệnh thành tích lại là vấn nạn thực sự đáng lo ngại. Phải chăng chúng ta đã quá đặt nặng thành tích mà quên mất một điều rất quan trọng đó là, chất lượng thực sự của giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nền giáo dục nhồi sọ, trọng bằng cấp, thành tích của chế độ cũ. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nền giáo dục nhồi sọ, trọng bằng cấp, thành tích của chế độ cũ. Ảnh: Tư liệu

Đó là lý do vì sao đến bây giờ, trong bối cảnh hội nhập, chúng ta vẫn đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Và trên bảng xếp hạng giáo dục quốc tế, hay xếp loại các trường đại học trên thế giới, Việt Nam vẫn chưa đứng ở thứ hạng cao.

Theo tôi, chúng ta vẫn chưa làm được những điều mà Bác nhắc nhở về giáo dục. Thậm chí, nền giáo dục còn đang vướng vào những vấn đề tiêu cực mà Người đã cảnh báo từ lâu.

Những vấn đề tệ nạn xã hội, vấn đề tham nhũng, suy thoái về đạo đức, những câu chuyện vi phạm pháp luật, văn hóa, thuần phong mỹ tục… có rất nhiều nguyên nhân và một trong số đó là hệ lụy của cải cách giáo dục hiện nay.

Học để không bị lạc hậu với công việc và đòi hỏi của thực tiễn

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Khi nhắc đến sự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến tinh thần tự học của Người. Phó Giáo sư có chia sẻ gì về tinh thần này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng công cuộc tiến thiết đất nước đòi hỏi mỗi người dân, mỗi cán bộ phải không ngừng học hỏi. Nếu không học sẽ bị lạc hậu với công việc, lạc hậu với đòi hỏi của thực tiễn.

Từ đó, Bác đặt ra yêu cầu về nội dung học phải gắn với công cuộc lao động sản xuất hàng ngày của người dân, những đòi hỏi từ quá trình phát triển của đất nước.

Bác đặc biệt nhấn mạnh đến cách tự học, "lấy tự học làm cốt". Mỗi cá nhân không phải đợi có thầy mới học mà phải tự học bằng cách đọc sách và coi sách như người thầy của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Ảnh; Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Ảnh; Tư liệu

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Những năm 20, 30 của thế kỷ trước, Người dành những đồng lương ít ỏi của mình để đến thư viện đọc sách, trau dồi tri thức cho mình. Bác cũng là tấm gương sáng ngời về học tập ngoại ngữ.

Đặc biệt, trong việc học tập ngoại ngữ, Bác thành thạo như tiếng Việt 5 ngoại ngữ. Khi còn làm phụ bếp, Bác vừa làm, vừa tranh thủ viết tiếng Pháp lên sàn. Ở cabin Bác ngủ, Bác viết chữ Pháp ra xung quanh. Rồi từ giao tiếp thông dụng, Bác dần dần làm chủ ngoại ngữ, viết báo bằng tiếng nước ngoài.

Dù không được đào tạo, giáo dục một cách bài bản, trường lớp nhưng vốn tri thức của Người vô cùng uyên bác. Đây chính là kết quả tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo dục người học từ điều nhỏ, từ tình yêu gia đình, quê hương đến lòng yêu Tổ quốc, tình yêu nhân loại

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Động cơ học tập có ý nghĩa then chốt để hình thành tinh thần tự học. Hiện nay, một bộ phận học sinh, sinh viên đi học chỉ vì sự ép buộc của gia đình, hoặc đi học vì không biết làm gì khác. Vậy làm sao để giới trẻ có lý tưởng sống đúng đắn, lý tưởng cách mạng, muốn tìm tòi, khám phá, học hỏi, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo: Đây là vấn đề nóng trong xã hội. Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản và đáng ghi nhận của nền giáo dục Việt Nam, cũng cần đề cập đến những điều đáng lo ngại khác. Trong đó có vấn đề về giáo dục lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ hôm nay.

Để khắc phục những tồn tại này, theo tôi, trước hết, chúng ta cần trở lại nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc. Bởi những điều hôm nay chúng ta mắc phải, Bác đã cảnh báo rồi.

Tất cả sự đổi mới trong giáo dục cần quay lại theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là bám sát thực tiễn lao động sản xuất, bám sát thực tiễn công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo

Thứ hai, phải đổi mới chương trình, đổi mới cách giảng dạy, nội dung dạy một cách quyết liệt, đồng bộ hơn nữa, mang hiệu quả đột phá.

Giáo dục tri thức toàn diện cho người học là cực kỳ quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là giáo dục để làm người, giáo dục đạo đức, giáo dục tư tưởng để tạo động cơ học tập đúng đắn: học để cống hiến, học để đền đáp công ơn bố mẹ, học để phát triển bản thân.

Giáo dục phải bắt đầu từ điều nhỏ, bắt đầu từ tình yêu gia đình, yêu khu mình ở, nơi chôn rau cắt rốn, yêu đất nước rồi lớn hơn là tình yêu nhân loại.

Bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục sẽ góp phần giúp công cuộc cải cách giáo dục hiện nay đi đúng hướng, tiến bộ. Ảnh: Tư liệu

Bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục sẽ góp phần giúp công cuộc cải cách giáo dục hiện nay đi đúng hướng, tiến bộ. Ảnh: Tư liệu

Từ đấy mới xuất hiện lòng tự hào quê hương, đất nước, về truyền thống hiếu học của dân tộc để coi đói nghèo, lạc hậu là một loại giặc, để nảy sinh khát vọng cống hiến xây dựng đất nước mình ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác Hồ mong muốn.

Tất cả sự đổi mới trong giáo dục cần quay lại theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là bám sát thực tiễn lao động sản xuất, bám sát thực tiễn công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để chấn hưng giáo dục và đưa nền giáo dục lên một tầm cao mới, hội nhập quốc tế là rất hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, muốn phát triển giáo dục đòi hỏi vai trò của nhà trường, vai trò của người thầy. Nhà trường không chỉ là nơi giáo dục tri thức, mà còn phải giáo dục làm "người", giáo dục đạo đức, lối sống.

Trong nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo lại càng quan trọng. Thầy cô sẽ là những tấm gương mẫu mực để giáo dục, cảm hóa các em, là tấm gương để các em tự phấn đấu, tự lực học tập.

Cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo về những chia sẻ ý nghĩa nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đắc Quang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/su-nghiep-doi-moi-giao-duc-hien-nay-tu-goc-nhin-tu-tuong-ho-chi-minh-17923051822490906.htm